Giá tiêu hôm nay 27/12, đẩy mạnh phát triển thị trường ngách, tránh rủi ro, phụ thuộc; khi nào giao dịch sôi động trở lại? (Nguồn: ElmarSpices) |
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 57.000 – 59.500 đ/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 57.000 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai (57.500 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (58.500 đ/kg); Bình Phước (58.500 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 59.500 đ/kg.
Ở thời điểm hiện tại, vụ thu hoạch hồ tiêu 2023 đang bắt đầu tại một số huyện ở Đắk Nông và qua Tết sẽ vào vụ thu hoạch rộ, dự kiến sản lượng tăng nhẹ so với năm 2023.
Theo các doanh nghiệp, trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, mỗi tháng Trung Quốc nhập khẩu trung bình 50.000 – 60.000 tấn tiêu Việt Nam. Tuy nhiên, khi dịch bệnh hoành hành, cùng với chính sách Zero Covid, lượng tiêu Việt xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới này chỉ còn khoảng 1.000 tấn/tháng.
Lũy kế 11 tháng năm 2022, xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang Trung Quốc giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 18.354 tấn tương đương khoảng 9% tỷ trọng.
Sang năm 2023, các doanh nghiệp tiêu mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường ngách. Nếu đa dạng được thị trường, các doanh nghiệp có thể tránh những rủi ro khi xảy ra các sự cố ở thị trường tiêu thụ chính; Trung Quốc là bài học điển hình.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, những tháng quý I, hoạt động giao dịch tiêu của Việt Nam sẽ sôi động hơn vì vừa kết thục vụ thu hoạch, tiêu còn mới. Đến quý III và IV, khách hàng sẽ tìm đến các nước như Brazil và Indonesia để mua vì đây là thời điểm thu hoạch tiêu của hai nước này.
Tuy gặp khó khăn khi kinh tế thế giới suy thoái ở nhiều thị trường trọng điểm, nhất là thị trường Trung Quốc, một trong những yếu tố tích cực trong hoạt động xuất khẩu hồ tiêu năm 2022 là nhờ Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với châu Âu (EVFTA). Do vậy, xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường này có nhiều lợi thế về thuế suất 0% so với các đối thủ khác như Ấn Độ, Malaysia, Sri Lanka hay Campuchia.
Thách thức lớn nhất với thị trường này là các quy định về kỹ thuật và chất lượng sản phẩm thường xuyên thay đổi theo hướng ngày càng nghiêm ngặt hơn. Chính vì vậy, doanh nghiệp và người nông dân (hợp tác xã) cần liên kết chặt với nhau trong sản xuất để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định và bền vững, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường.