📞

Giá tiêu hôm nay 27/7/2023, tiêu Việt xuất khẩu giảm sâu, nguy cơ mất thị phần tại các thị trường lớn vào tay đối thủ

Hải An 06:06 | 27/07/2023
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 66.500 – 69.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 27/7/2023, tiêu Việt xuất khẩu giảm sâu, nguy cơ mất thị phần tại các thị trường lớn vào tay đối thủ. (Nguồn: Khmer Times)

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 66.500 – 69.500 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêuhôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 66.500 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (67.000 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (67.500 đồng/kg); Bình Phước (68.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 69.500 đồng/kg.

Nhận định về thị trường tuần trước, bản tin mới nhất của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho thấy, sau 5 tuần ổn định, giá tiêu Ấn Độ ghi nhận tăng. Mặc dù đồng Rupee Sri Lanka giảm 3% so với USD (322,78 LKR/USD) nhưng giá tiêu nội địa nước này vẫn tăng trong tuần qua.

Ở Đông Nam Á, giá tiêu giao dịch nội địa và xuất khẩu của Indonesia đều ổn định trong tuần qua.

Giá tiêu nội địa Malaysia tiếp tục tăng trong tuần qua do một phần tác động từ việc đồng Ringgit Malaysia tăng 2% so với USD (4.55 MYR/USD). Trong khi đó, giá tiêu xuất khẩu vẫn duy trì ổn định và không thay đổi.

Giá tiêu nội địa và xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận sự ổn định và không thay đổi trong tuần qua do thị trường khá trầm lắng.

Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu trong nửa đầu tháng 7 của Việt Nam đã giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 26,05 triệu USD (giảm 14,75%). Tính ra, trong 6 tháng rưỡi đầu năm nay, xuất khẩu hạt tiêu đạt kim ngạch đạt 159.715 tấn, tăng 20,39% về lượng và giảm 14,75% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi kim ngạch xuất khẩu đang sụt giảm thì giới chuyên gia có dự báo, do các thị trường lớn phục hồi chậm, tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến việc giảm đơn đặt hàng đối với mặt hàng hạt tiêu. Vì vậy, xuất khẩu hạt tiêu có thể sẽ gặp khó trong các tháng cuối năm nay. Các nhà nhập khẩu sẽ giảm thu mua hạt tiêu từ Việt Nam khi mà họ vẫn còn lượng hàng tồn từ năm 2022.

Thách thức lớn cho xuất khẩu hạt tiêu nước ta hiện nay là đang chịu áp lực cạnh tranh về giá dẫn đến mất thị phần vào tay các đối thủ lớn như Brazil, Indonesia. Các thị trường này có cước phí rẻ hơn Việt Nam nên giá xuất khẩu luôn được chào bán thấp hơn.

Trên thị trường thế giới, theo trang phnompenhpost, ông Nguon Lay, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Hạt tiêu Kampot Campuchia, đánh giá rằng, xuất khẩu hạt tiêu Kampot không biến động trong nửa đầu năm đã phản ánh xu hướng của năm ngoái, mặc dù hiện tại vẫn chưa có dữ liệu chính thức về xuất khẩu hạt tiêu.

Có thể thấy, bất chấp tình hình khủng hoảng toàn cầu, nhu cầu mua hạt tiêu Kampot vẫn ổn định, đặc biệt là từ những người mua tại thị trường châu Âu.

Ông Nguon Lay cho biết: “Hạt tiêu Kampot không gặp phải vấn đề nghiêm trọng nào và vẫn có hợp đồng với các công ty thu mua với lượng xuất khẩu khoảng 70 - 80 tấn mỗi năm.

Tình hình thời tiết không làm giảm chất lượng hạt tiêu vì nông dân Kampot đã chuẩn bị sẵn sàng, đặc biệt là trong việc quản lý nguồn cung cấp nước để ứng phó với sự biến đổi khí hậu”.

(tổng hợp)