📞

Giá tiêu hôm nay 28/12, xuất khẩu chững lại, lý do diện tích trồng giảm, xây dựng thương hiệu ‘Hồ tiêu Chư Sê’

Hải An 06:06 | 28/12/2022
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 57.000 – 59.500 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay 28/12, xuất khẩu chững lại, lý do diện tích trồng giảm, xây dựng thương hiệu ‘Hồ tiêu Chư Sê’. (Nguồn: Iexport)

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 57.000 – 59.500 đ/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 57.000 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai (57.500 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (58.500 đ/kg); Bình Phước (58.500 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 59.500 đ/kg.

Theo số liệu cập nhật đến tháng 12/2022, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam ước đạt 978,4 triệu USD, tăng 4,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu hồ tiêu trong năm nay được cho là chững lại, chưa thể trở lại với giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD từ cách đây 5 năm.

Thực tế cho thấy, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam tuy đứng đầu thế giới nhưng vẫn chưa gắn với các sản phẩm có chế biến sâu, giá trị gia tăng cao như nhiều quốc gia khác.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk, lãnh đạo UBND huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn huyện năm 2020 là 3.144 ha. Đến cuối năm 2022 giảm còn 2.096 ha, năng suất đạt 29 tạ/ha, diện tích cho sản phẩm khoảng 1.950 ha, sản lượng đạt 5.655 tấn.

Nguyên nhân cây hồ tiêu giảm là do giá bán thấp và một số diện tích bị bệnh chết, từ đó người nông dân chuyển sang trồng cà phê và cây ăn quả khác có giá trị cao hơn.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) Hoàng Phước Bính: “Hiện nay, hồ tiêu Chư Sê đã nhận được quyền bảo hộ của 6nước gồm: Đức, Mỹ, Hà Lan, Luxembourg, Trung Quốc, Singapore và Ấn Độ đã hoàn thành các thủ tục bổ sung, đang chờ cấp bảo hộ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến, hợp tác xã trên địa bàn đã thực hiện đóng gói, gắn nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Chư Sê, chỉ dẫn địa lý cho tất cả các sản phẩm để đưa ra thị trường tiêu thụ”.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy giá trị của thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê”, địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững, hình thành các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua các hợp tác xã trong sản xuất, chế biến hồ tiêu an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để bảo vệ uy tín, thương hiệu cho nông dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, địa phương sẽ chú trọng hưỡng dẫn việc dán tem, nhãn chỉ dẫn địa lý hồ tiêu Chư Sê cho sản phẩm hàng hóa để nâng cao giá trị, bảo vệ và độc quyền thương hiệu trên toàn thế giới.

Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê Nguyễn Dũng cho rằng, để nâng cao và phát huy mạnh mẽ thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê trong thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP song song với xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư quảng bá thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê”, quan trọng nhất vẫn là duy trì diện tích hồ tiêu theo quy hoạch của tỉnh Gia Lai.

Đồng thời, tiếp tục áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, tái cơ cấu ngành hồ tiêu theo hướng thâm canh bền vững và hướng tới các tiêu chuẩn chứng nhận về nông nghiệp sạch như VietGAP, GlobalGAP; nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm. Từ đó, đưa Hồ tiêu Chư Sê tham gia sâu hơn vào chuỗi phân phối nông sản toàn cầu.

Toàn huyện Chư Sê hiện có 34 cơ sở kinh doanh hồ tiêu, 95 cơ sở thu mua và 4 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến sâu.