Giá tiêu hôm nay 29/3/2023, bán dưới giá thành sản xuất, tại sao chuyên gia vẫn nhận định ‘phe bò có lợi thế hơn phe gấu’? (Nguồn: Wonder Black Pepper) |
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước nối dài chuỗi đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 63.500 - 66.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêuhôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 63.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (64.000 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (64.500 đồng/kg); Bình Phước (65.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 66.000 đồng/kg.
Theo các nhà phân tích, hiện nay, giá thành bình quân sản xuất phải lên đến hơn trên 60.000 đồng/kg đến 70.000 đồng/kg do chi phí vật tư và các chi phí khác đều tăng cao. Như vậy, giá bán hiện nay đang dưới giá thành sản xuất.
Theo bài viết mới nhất trên Peppertrade, thị trường sẽ duy trì ở mức giá nguyên liệu từ 62.000-67.000 đồng/kg trong giai đoạn 2 quý đầu năm và sẽ dần tăng lên 75.000-80.000 VND/kg vào 6 tháng cuối năm.
Theo bài báo, giá tiêu hiện nay đang ở mức đáy, và cứ chu chu kỳ bốn năm có thể giá sẽ chuyển sang xu hướng tăng so với mức hiện tại.
Thống kê cho thấy, tại thị trường trong nước, giá tiêu đã tăng 10% kể từ đầu năm nay với mức thấp nhất là 59.000 đồng/kg ghi nhận trong tháng 1 và đã vượt qua mức cao 69.000-70.000 đồng/kg trong tháng 2.
“Nhìn chung, chúng tôi thấy các dấu hiệu cho thấy phe bò (tăng giá) có lợi thế lớn hơn phe gấu (giảm giá)”, tác giả bài báo viết.
Các yếu tố giảm giá
• Lãi suất cao hơn có nghĩa là chi phí lưu trữ cao hơn làm ảnh hưởng đến sức mua.
• Thông tin về vụ mùa ở Brazil có thể sẽ là thời điểm quyết định. Nếu được mùa, đây sẽ là nguồn cung nguyên liệu lớn cho Việt Nam và phần còn lại của thế giới.
• Tình hình kinh tế thế giới không khả quan có thể làm giảm nhập khẩu.
• Nhiều quốc gia gặp phải tình trạng phá giá đồng tiền, thiếu USD dẫn đến giảm nhập khẩu.
Các yếu tố tăng giá
• Việt Nam đã thu hoạch xong 80% sản lượng và vẫn chưa có dấu hiệu nào về áp lực bán ra từ phía nông dân.
• Hàng mới về kho rất hạn chế trong mùa cao điểm.
• Thương lái Trung Quốc đang tích cực mua và sẽ duy trì hoạt động cho đến tháng 6 tới.
• Hai tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 42.000 tấn tiêu. Dự kiến xuất khẩu tháng 3 đạt khoảng 30.000 tấn. Đến nửa đầu năm 2023, khối lượng lớn hồ tiêu sẽ được xuất khẩu và lượng hàng còn lại sẽ nằm trong tay những người có tiềm lực tài chính mạnh.
• Nông dân găm hàng do có lợi thế thu nhập cao từ cà phê và các loại trái cây khác.
• Cả thị trường chứng khoán và bất động sản đều không hoạt động tốt, khiến phần lớn người mua chuyển sang đầu tư vào hàng hóa nói chung, trong đó có hồ tiêu.
• Phạm vi bảo hiểm của người mua sau tháng 6 bị hạn chế; nhu cầu sẽ phục hồi trong quý III và IV.
• Diện tích trồng hồ tiêu đang giảm dần hằng năm trong khi việc chăm sóc cây hồ tiêu chưa được chú trọng.
• Chi phí đầu vào cho nông nghiệp tăng mạnh kéo theo giá thành sản xuất cao hơn.
• Biến đổi khí hậu cũng làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương của nông dân.
• Xem xét sự khác biệt nhỏ về giá giữa Brazil và Việt Nam, các công ty có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ tập trung vào hạt tiêu Việt Nam, đặc biệt khi nguyên liệu khô không dễ có sẵn cho đến tháng 8 tới.
• Các báo cáo ban đầu cho thấy sản lượng vụ mùa tới của Indonesia sẽ thấp.