Giá tiêu hôm nay 3/1, nhu cầu thấp, dự báo lượng nhập từ thị trường Trung Quốc chưa thể bứt phá mạnh. (Nguồn: Getty) |
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 57.500 – 60.000 đ/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 57.500 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (58.000 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (58.500 đ/kg); Bình Phước (59.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 60.000 đ/kg.
Năm 2022 được đánh giá không thành công cho ngành hồ tiêu, khi thị trường các nước giảm mạnh trước nhu cầu yếu và tỷ giá USD cao.
Theo Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC), Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Việt Nam đã đóng góp tới 34% sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong năm năm 2021.
Trong năm 2021, Việt Nam được báo cáo đã sản xuất 180.000 tấn, giảm 25% so với năm trước. Cũng trong năm này, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 261.944 tấn hồ tiêu, trị giá 997 triệu USD.
Các điểm đến chính của hồ tiêu Việt Nam được báo cáo là Mỹ (23 %), Trung Quốc (15%), Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (6%), Ấn Độ (5%) và Đức (4%).
Theo ước tính, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam năm 2022 đạt 226 nghìn tấn, trị giá 963 triệu USD, giảm 13,3% về lượng, nhưng tăng 2,7% về trị giá so với năm 2021.
Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam năm 2022 ước đạt 4.257 USD/tấn, tăng 18,5% so với năm 2021.
Dự báo năm 2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong bối cảnh giá thế giới chịu áp lực do nhu cầu tiêu thụ thấp.
Nhu cầu hạt tiêu dự kiến sẽ giảm mạnh vào quý I/2023 với mùa Đông rất khó khăn ở khu vực Liên minh châu Âu (EU) do cuộc khủng hoảng năng lượng. Thời điểm này trùng với hàng vụ mới của Việt Nam được đưa ra thị trường.
Do đó, ngành hạt tiêu Việt Nam cần tăng khả năng hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về các khía cạnh như dư lượng hóa chất, các tiêu chí sản xuất bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.
Bên cạnh đó, ngành còn cần đẩy mạnh chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm mới giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, 10 tháng năm 2022, nhập khẩu hạt tiêu của nước này đạt 36,13 triệu USD, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 11,6 triệu USD, giảm 20,2%.
Mặc dù vậy, thị phần hạt tiêu của Việt Nam chiếm 32,11% trong tổng giá trị nhập khẩu của Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022, cao hơn so với thị phần 31,76% trong 10 tháng năm 2021.
Dự báo năm 2023, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc chưa thể bứt phá mạnh, mặc dù Trung Quốc đã nới lỏng chính sách Zero Covid. Dự kiến phải đến đầu quý II/2023, sức mua của thị trường này mới có thể tăng trở lại.