Giá tiêu hôm nay 3/6: Thế giới giảm nhẹ, cao nhất 71.000đ/kg. |
Trên bài viết mới nhất, Peppertrade đưa ra nhận định về biến động giá tiêu trong tuần qua, dự đoán giá giai đoạn tới, nhu cầu thị trường, sản lượng mùa vụ... tại các thị trường hồ tiêu chính trên thế giới như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Brazil và Việt Nam.
Giá tiêu thế giới
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, tính đến 0h15 ngày 3/6, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ ở mức 41.525 Rupee/tạ (cao nhất), 41.150 Rupee/tạ (thấp nhất), giảm nhẹ so với phiên trước đó.
Tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với Rupee Ấn Độ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 27/5-2/6/2021 là 318,15 VND/INR.
Giá tiêu hôm nay trong nước
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giao dịch ở mức từ 66.000 - 71.000 đ/kg tại các địa phương.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 66.000 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai (67.000 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (69.000 đ/kg); Bình Phước (70.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 71.000 đ/kg.
Theo bài viết mới nhất trên Peppertrade, tại Malaysia, hiện đang đến thời điểm thu hoạch chính vụ hồ tiêu nhưng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chính phủ áp dụng phong tỏa trên toàn quốc khiến người dân gần như không thể thu hoạch, gánh chịu thiệt hại nặng nề.
Tại Ấn Độ, chính phủ có kế hoạch mở cửa trở lại vào đầu tháng 6 này khiến nhu cầu hồ tiêu ở thị trường nội địa tăng sau một thời gian bị gián đoạn do đại dịch.
Tuy nhiên, thị trường vẫn khan hiếm hàng do các nhà chế biến không thu mua được nguyên liệu. Khó khăn về nguồn cung chính là nguyên nhân đẩy giá tiêu tại thị trường này tăng trong thời gian qua.
Tương tự như Việt Nam, giá tiêu của Brazil đã có một tuần tăng mạnh trong tuần qua với mức tăng hơn 10%, từ mốc 3.600 USD/tấn lên mức 3.950 - 4.000 USD/tấn. Hiện tại, lượng tiêu tồn kho của Brazil tương đối thấp và sản lượng năm nay dự báo sẽ giảm mạnh.
Theo Peppertrade, Brazil có khả năng phải đối mặt với một đợt hạn hán nghiêm trọng từ tháng 6 đến tháng 9 năm nay và đây được dự báo là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 91 năm qua. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản lượng nông sản, trong đó có hồ tiêu niên vụ 2021/2022 của nước này.
Tại Indonesia: Năm nay vụ thu hoạch hồ tiêu diễn ra vào tháng 7-8, theo dự báo, sản lượng sẽ giảm trên 20% so với niên vụ 2020. Nguyên nhân là do giá cả không hấp dẫn khiến nhiều hộ nông dân chuyển đổi cây trồng và bỏ bê chăm sóc.
Còn tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp với mức độ lây nhiễm cao hơn các đợt dịch trước. Một số nơi thực hiện giãn cách xã hội cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển và lưu thông sản phẩm trên thị trường.
Trước đó, năm 2020, khi Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, giá tiêu đã có mức tăng ấn tượng hơn 50% chỉ trong 2 tháng. Tuy nhiên, tình hình năm 2021 có sự khác biệt, Peppertrade dự đoán xu hướng giá tiêu có thể tiếp tục ổn định trong thời gian tới.