Giá tiêu hôm nay 3/6/2023, diện tích trồng ở Đồng Nai giảm gần 50% so với thời hoàng kim; người trồng có thể ‘lỡ sóng’ giá. (Nguồn: The Kitchen) |
Giá tiêu hôm naytại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 72.500 – 75.500 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 72.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (73.000 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (74.000 đồng/kg); Bình Phước (75.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 75.500 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.000 USD/tấn.
Thị trường trong nước đi ngang những ngày gần đây trong bối cảnh giá cà phê tiếp tục tăng cao.
Giám đốc HTX Hồ tiêu Xuân Thọ (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) Trần Hữu Thắng so sánh, trước đây nông dân thu hoạch được 6-7 tấn tiêu/ha nhưng hiện nay vườn nào cũng chỉ đạt được từ 3-4 tấn/ha. Những vườn tiêu già cỗi năng suất còn thấp hơn nhiều nên giá bán tiêu có tăng cũng chưa đủ hấp dẫn người trồng.
Theo ông Thắng, trước đây nhiều vườn tiêu 20 năm vẫn cho năng suất cao, nhưng nay nhiều vườn chỉ sau vài năm thu hoạch đã già cỗi. Trong đó có nguyên nhân thời điểm tiêu sốt giá, nông dân ồ ạt đầu tư, trồng tiêu trên những vùng đất không hợp thổ nhưỡng nên vườn tiêu rất nhanh tàn.
Tính đến cuối năm 2022, diện tích tiêu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chỉ còn khoảng 10,7 ngàn ha, giảm gần 50% diện tích so với thời hoàng kim của cây trồng này. Không chỉ giảm mạnh về diện tích, năng suất của cây trồng này cũng ngày càng kém.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), sản lượng tiêu niên vụ 2022 - 2023 dự báo tăng 10% lên khoảng 200.000 tấn nhờ các yếu tố thời tiết thuận lợi.
Tuy nhiên, tại một số địa phương đang diễn ra xu hướng chặt bỏ cây tiêu để chuyển sang các loại cây ăn trái khác cho thu nhập cao hơn, đặc biệt là sầu riêng.
Hiệp hội nhận định, nếu việc chặt tiêu để chuyển sang trồng cây ăn quả kéo dài thì có thể trong ba năm tới nguồn cung sẽ thiếu hụt.
Bên cạnh đó, VPSA cho rằng nếu sản lượng hạt tiêu của Việt Nam giảm sâu do làn sóng chuyển dịch cây trồng diễn ra mạnh mẽ có thể khiến nông dân “lỡ sóng” giá tiêu.
Bởi vì khi chặt cây tiêu đi, người trồng sẽ cần phải mất ba năm để tái đầu tư và lợi nhuận bằng 0, phải đến năm thứ 4 mới bắt đầu có thể thu hoạch.
Trong trường hợp giá tiêu tăng trở lại do nguồn cung thiếu hụt, người nông dân sẽ mất thời gian dài mới có thể thu hoạch và hưởng lợi từ những vườn cây mới. Khi đó, người trồng tiêu lại trở thành những người đi sau.
Cụ thể, nông dân sẽ phải mất tổng cộng 6 năm, gồm 3 năm trồng và 3 năm tăng giá, dự kiến giá tiêu tại thời điểm đó cũng đã ở mức đỉnh. Trong khi đó, với cây sầu riêng mặc dù đang cho lợi nhuận tốt hơn rất nhiều cây tiêu, 1 ha có thể thu về 1 tỷ nhưng cũng mất thời gian để cây sinh trưởng.