📞

Giá tiêu hôm nay 7/1, thị trường ảm đạm, lý do cây trồng bị nhiễm bệnh, hàng xuất khẩu không đạt chất lượng

Hải An 05:06 | 07/01/2023
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 57.500 – 60.000 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay 7/1, thị trường ảm đạm, lý do cây trồng bị nhiễm bệnh, hàng xuất khẩu không đạt chất lượng. (Nguồn: Vinapro)

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 57.500 – 60.000 đ/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 57.500 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (58.000 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (58.500 đ/kg); Bình Phước (59.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 60.000 đ/kg.

Trong báo cáo mới nhất, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) nhận định, thị trường trong tuần cuối của năm 2022 cho thấy chiều hướng khá tích cực, không quốc gia nào ghi nhận sự sụt giảm.

Tại khu vực Nam Á, giá tiêu Ấn Độ tăng trong tuần. Sau 2 tuần tăng, giá tiêu nội địa Sri Lanka ổn định trong tuần trước.

Ở Đông Nam Á, giá tiêu nội địa và xuất khẩu của Indonesia ổn định trong tuần dù một số hoạt động xuất khẩu bị trì hoãn do thời tiết xấu.

Giá tiêu nội địa Malaysia tăng trong tuần trước. Trong khi đó, giá tiêu xuất khẩu của Malaysia tiếp tục ổn định và không thay đổi.

Giá tiêu nội địa Việt Nam ổn định trong tuần trước, trong khi đó giá tiêu xuất khẩu Việt Nam ghi nhận sự gia tăng.

Theo Báo Đắk Lắk, tỉnh hiện có trên 32.800 ha hồ tiêu, sản lượng đạt gần 82.000 tấn, chiếm khoảng 40% diện tích và 43,3% sản lượng toàn vùng Tây Nguyên.

Từ năm 2018 đến nay, diện tích hồ tiêu Đắk Lắk giảm đáng kể, khoảng 5.000 ha. Ngoài nguyên nhân do giá thấp khiến người dân chặt bỏ để trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn hoặc xen canh trong vườn tiêu, còn do dịch bệnh khiến hơn 2.000 ha hồ tiêu bị chết do bệnh chết nhanh, chết chậm.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, trong thời gian hồ tiêu có giá cao, người dân đã ồ ạt trồng, kể cả ở những vùng đất không phù hợp như: vùng trũng, thấp, mực nước ngầm cao.

Trong khi đó, người trồng hồ tiêu lại áp dụng các biện pháp canh tác không hợp lý, thiếu kỹ thuật đã dẫn đến sự xuất hiện thường xuyên của nhiều loại sâu bệnh hại, nhất là một số đối tượng đặc biệt nguy hại như bệnh chết nhanh, chết chậm...

Bên cạnh đó, trong những năm giá tiêu xuống thấp, người dân không chú trọng đầu tư và áp dụng quy trình quản lý bệnh trong vườn cây cũng dẫn đến hiện tượng tiêu chết hàng loạt như hiện nay.

Các chuyên gia nông nghiệp cho biết, trên cây hồ tiêu tuy không có quá nhiều sâu bệnh gây hại, nhưng lại có một số bệnh hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng hồ tiêu, thậm chí gây chết cây như bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora, bệnh chết chậm do tuyến trùng, một số nấm bệnh trong đất và rệp sáp. Đây là những đối tượng dịch hại nguy hiểm nhất, thường xuyên đe dọa, gây thiệt hại lớn cho sản xuất hồ tiêu.

Tuy nhiên, điều đáng nói là có nhiều loại sâu bệnh khác tuy không gây hại nặng nề nhưng nông dân vẫn phun thuốc phòng trừ. Việc chỉ tập trung phòng trừ sâu bệnh đã làm tăng chủng loại, lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cây hồ tiêu và làm tăng nguy cơ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên hồ tiêu xuất khẩu. Điều này dẫn đến việc các nước nhập khẩu cũng đã tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với hồ tiêu Việt Nam khiến cho xuất khẩu khó khăn, giá hồ tiêu giảm mạnh.

Thực tế trong thời gian qua, nhiều lô hàng hồ tiêu xuất khẩu đã bị tiêu hủy hoặc trả lại gây thiệt hại lớn cho các nhà xuất khẩu, tạo tâm lý e ngại cho các nhà nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hồ tiêu

(tổng hợp)