Giá tiêu hôm nay 7/11, ổn định, cao nhất 87.000đ/kg, (Nguồn: Borneo Talk) |
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương, giao dịch từ 85.000 - 87.000 đ/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai, Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 85.000 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (86.000 đ/kg); Bình Phước (86.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 87.000 đ/kg.
Thị trường trong nước bắt đầu tháng 11 với những tín hiệu khả quan khi giá chạm mốc 90.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này không duy trì được lâu mà sau đó nhanh chóng suy giảm. Trong những ngày qua, giá tiêu giảm 1.500 - 2.500 đồng/kg.
Theo ghi nhận, mức giảm mạnh nhất tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Giới đầu cơ khu vực này đang có xu hướng bán mạnh hàng tích trữ để thu hồi khi giá tiêu chạm ngưỡng 90.000 đồng/kg.
Đây là điều đã được dự báo trước, khi các chuyên gia cũng như cơ quan quản lý cho biết khi giá tiêu ở ngưỡng 90.000 - 100.000 sẽ giải phóng lượng hàng tồn tích lũy những năm trước.
Có nhiều nguyên nhân lý giải hiện tượng trên, trong đó có việc đầu cơ chốt lời khi giá đang hời. Vào thời điểm này, mùa thu hoạch cà phê đang rộ, rồi nhu cầu chi tiêu, thanh toán công nợ dịp cuối năm thúc đẩy việc bán hàng.
Theo KT&ĐT, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho rằng đây là ngưỡng giá quan trọng, tác động nhiều đến tâm lý người đang có hàng, nhất là thời điểm nguồn cung hạn hẹp như hiện nay.
Ông Bính nói: "Các đại lý, giới đầu cơ hay thậm chí người dân có hàng thường bán ra nhiều hơn ở ngưỡng giá tròn trịa với mục đích khác nhau. Đối với đại lý và giới đầu cơ thì đây là thời điểm chốt lời. Còn với người dân là tâm lý chờ đợi giá tốt để bán nhằm trang trải công nợ, tiền phân bón...".
Tâm lý của giới đầu cơ lướt sóng có lẽ chịu tác động mạnh nhất bởi chiến lược của họ là mua - bán ngắn hạn. Khi giá tốt sẽ lập tức bán để chốt lời, khác với những đại lý mua tích trữ rải rác trong năm.
Nhận định về thị trường những tuần tiếp theo tháng 11/2021, các chuyên gia cho biết đà tăng vẫn còn bền vững. Những yếu tố kích thích giá tăng chủ lực vẫn là nhu cầu dịp cuối năm và thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, giá chi phí vận tải chưa thể hạ nhiệt.
Tuy nhiên thị trường không tăng cao như tháng 10, và sẽ có vài đợt ''sóng gió'' từ giới đầu cơ tạo ra trên thị trường.
Trên thị trường thế giới, theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong quý III/2021, giá hạt tiêu xuất khẩu tại hầu hết các nước sản xuất lớn tăng do nguồn cung khan hiếm và hoạt động vận chuyển gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu đang có xu hướng tăng trong dịp cuối năm, góp phần tác động tích cực lên giá hạt tiêu.
Dự báo trong thời gian tới, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ tăng do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu đang trên đà tăng cao.
Theo Hiệp hội Hạt tiêu Thế giới, sản lượng hạt tiêu toàn cầu giảm trong năm 2021 phần lớn do sản lượng của Việt Nam giảm 8%, trong khi sản lượng của Brazil giữ ổn định, sản lượng của Indonesia tăng 3%.
| Đại dịch Covid-19: Cuộc khủng hoảng chưa hồi kết Không chỉ là một cuộc khủng hoảng sức khỏe và tính mạng con người, đại dịch Covid-19 cũng là thách thức kinh tế nghiêm trọng ... |
| Covid-19: F0 tăng nhanh từng ngày, Hà Nội liên tiếp phát thông báo khẩn tìm người, 10 chùm ca bệnh phức tạp Sáng 6/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phát đi thông báo tìm người trên địa bàn thành phố đã đến Học ... |