Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo trung ương và địa phương dự Lễ hội. |
Nằm trong Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, đền An Sinh được xây dựng vào thế kỷ XIV, là nơi thờ tám vị vua Nhà Trần. Lễ hội Đền An Sinh là hoạt động truyền thống mang giá trị nhân văn sâu sắc, với ý nghĩa hướng về cội nguồn. Đây còn là dịp để nhân dân và du khách thập phương đến dâng hương, thưởng ngoạn, bày tỏ lòng thành kính, tri ân các đức vua Trần đã có công gây dựng đất nước. Đặc biệt, năm nay, lễ hội còn là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động nhân dịp khu di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều) đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ.
Lễ hội đền An Sinh 2014 diễn ra trong 3 ngày từ 13 đến15/9, với nhiều hoạt động phong phú, sinh động như: Múa rồng; trống hội; lễ dâng hương tưởng niệm các vua Trần và cầu nguyện quốc thái, dân an và các hoạt động văn hoá, thể thao sinh động như: Liên hoan tiếng hát các làng, khu phố toàn huyện; thi đấu đẩy gậy, kéo co, bóng chuyền, đập nồi, đập niêu…
Cũng trong sáng ngày 13/9, UBND huyện Đông Triều đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Đền Thái. Đây là di tích lịch sử có giá trị quan trọng thuộc Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, đã được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên trải qua thời gian, thiên nhiên khắc nghiệt và những thăng trầm của lịch sử, hiện Đền Thái chỉ còn lại dấu vết của những công trình kiến trúc và nhiều hiện vật, di vật mang đậm dấu ấn kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc từ thời Trần, được phát lộ thông qua khai quật khảo cổ học. Để phục hồi, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, UBND huyện Đông Triều đã quyết định đầu tư trùng tu, tôn tạo Đền Thái và các hạng mục công trình phụ trợ.
Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án là 103,9 tỷ đồng, thực hiện đầu tư hoàn toàn từ nguồn vốn xã hội hóa. Dự án xây dựng Đền Thái sẽ được triển khai thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo và phát huy giá trị chân thực của di tích.
Buổi chiều 13/9, bà Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, cùng lãnh đạo các bộ, ngành của Trung ương và nhiều nhà khoa học... đã cùng nhau chia sẻ ý kiến tại Hội thảo khoa học “Giá trị khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà Trần tại Đông Triều”.
Nội dung các tham luận đã tập trung làm rõ 2 vấn đề chính, đó là khẳng định giá trị khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích đặc biệt này. Trong đó, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề đáng chú ý như: Đông Triều - một trong ba trung tâm văn hóa tiêu biểu của nước Đại Việt thời Trần; Giá trị của di sản nhà Trần ở Đông Triều dưới góc độ lịch sử; Khu di tích Yên Tử - Ngọa Vân - Hồ Thiên cõi Phật trời Nam...
Các nhà khoa học khẳng định, triều đại nhà Trần đã để lại cho thế hệ sau nhiều di sản văn hóa đặc sắc cả về loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều là quần thể di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng linh thiêng, có giá trị đặc biệt, đã phát triển thành trung tâm văn hóa lớn với khu lăng mộ, thờ cúng chủ yếu của nhà Trần và là kinh đô của Phật giáo Đại Việt.
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, bà Vũ Thị Thu Thủy đã cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu và tỉnh sẽ tiếp thu những ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các nhà nghiên cứu về các giải pháp trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích; giải pháp kết nối Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều với các di tích, danh thắng trong và ngoài tỉnh. Vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với huyện Đông Triều lập dự án trùng tu, tôn tạo các di tích trong khu di tích nhà Trần, nhằm góp phần phát huy giá trị di tích trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Anh Sơn