📞

Giá trị văn khắc trên bia cổ của Trung Hoa

14:00 | 10/07/2016
Những bia cổ đã gợi hứng cho nhà văn Pháp Segalen viết cuốn Những tấm bia, một tác phẩm vượt lên trên tính “xa lạ” (exotisme) tầm thường và nổi bật lên trong nền văn học Pháp thế kỷ XX.

Chúng ta đều biết tầm quan trọng của văn bia, đặc biệt của các văn bản khắc trên đá, đồng, gỗ... đối với lịch sử và văn hóa cổ Trung Hoa và những nước chịu ảnh hưởng như: Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam. Vì vậy việc xuất bản tập Văn khắc Hán-Nôm Việt Nam (1998) có thể coi là một sự kiện xuất bản rất có giá trị. Đó là công trình của sự hợp tác giữa Viện nghiên cứu Hán-Nôm và Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp. Lần đầu tiên, có một công trình tập hợp đầy đủ Văn khắc Hán-Nôm Việt Nam. Năm 1993, dự án được đề ra trong một cuộc họp tại Hà Nội giữa một số nhà nghiên cứu Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc) và Pháp. Ý đồ là công bố rộng rãi cho giới nghiên cứu toàn bộ những bản dập và bản chép tay văn khắc Hán-Nôm Việt Nam. Giáo sư Phan Văn Các trong lời tựa và Claudine Salmon trong lời nói đầu đã giới thiệu đầy đủ về tình hình nghiên cứu Văn khắc Hán-Nôm Việt Nam từ lúc khởi thủy cho đến nay, những đặc điểm và triển vọng của môn học này.

Bia Xá lợi tháp minh tại Bắc Ninh là văn bia hiện còn lưu giữ được có niên đại cổ nhất Việt Nam.

Tổng tập văn khắc Việt Nam là một bộ sưu tập chia thành nhiều tập, xuất bản dần: 1/ Từ khởi thủy đến hết đời Lý; 2/ Thời Trần; 3/ Thời Lê sơ; 4/ Thời Mạc; 5/ Thời Lê Trung Hưng; 6/ Thời Tây Sơn; 7/ Thời Nguyễn.

Nhìn lại tình hình nghiên cứu văn khắc Việt Nam, từ thời Trung đại, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) có thể coi là người đi tiên phong. Ông đã chu du khắp đất nước và thăm nhiều đền chùa. Trong Kiến văn tiểu lục (1777), ông đã ghi chép tỉ mỉ văn khắc trên bia, trên chuông, nơi để và hình thù các vật ấy. Khi đi sứ Trung Hoa, ông cũng quan tâm đến cả bản khắc trên bia ở đây. Bùi Huy Bích, học trò của Lê Quý Đôn, cũng quan tâm đến văn khắc.

Đến thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, có một số tuyển tập các bản sao chép văn khắc.

Cho đến sau 1900, Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp bắt đầu thu thập một cách có hệ thống các bản văn khắc Hán - Nôm (Gaspardone và Cadicre có phần đóng góp tích cực). Năm 1940, Hoàng Xuân Hãn đi vùng Thanh Hóa và lân cận dập nhiều văn khắc để chuẩn bị viết cuốn Lý Thường Kiệt.

Những việc sưu tầm nghiên cứu văn khắc do các học giả Việt Nam chủ trì một cách có hệ thống chỉ bắt đầu sau Cách mạng Tháng Tám, từ những năm 1960. (Viện Khoa học Xã hội, Viện Văn học đề ra Thơ văn Lý - Trần, Viện Khảo cổ học, Viện Hán - Nôm). Hiện nay, Viện Hán - Nôm bảo quản 30.000 bản văn khắc trên bia, chuông, khánh, trong đó 20.279 đơn vị do Trường Viễn Đông Bác cổ chuyển giao.

Tập I của bộ Văn khắc Hán - Nôm Việt Nam (khổ 24x32 cm, trên 380 trang, in ở Pháp), bao gồm 27 bản thuộc 4 thời kỳ: thời kỳ Bắc thuộc (3), thế kỷ thứ 10 (6), thời Lý (18), trong đó thế kỷ 11, thế kỷ 12 và đầu 13 (17). Bản văn khắc cổ nhất còn giữ lại được là của bia đền Đạo tràng Bảo An, quận Cửu Chân đời Tùy (năm 618), Đông Sơn (Thanh Hóa).

Những văn khắc này có giá trị tư liệu rất lớn, bổ sung cho chính sử. Thí dụ, chúng cho biết thêm về:

- Tôn giáo: Tư liệu này phong phú nhất. Trừ 2 bản về Lão giáo, 3 bản về tang lễ, đa số là về Phật giáo. Qua văn bia, có thể biết được một số nghi lễ lý thú thời ấy. Nghi lễ sám hối (gọi là sám lễ) gồm quỳ lạy trước tranh hay tượng Phật để thú tội và ăn năn… Một nghi lễ khác là đọc Đà la ni để giải tội, thường gắn với thờ cúng người chết (Đà la ni dịch âm tiếng Phạn dhârani, dịch nghĩa là Tống trị, là: thâu tóm giáo lý vào trí nhớ, tụng niệm Đà la ni để tăng sức lực và tập trung thiền lực). Phần nhiều bia ở chùa đều ít nhiều tóm tắt giáo lý nhà Phật một cách cô đọng.

- Nhân vật lịch sử: Bia về đường biển kênh Thiên Uy (870) ghi nhiều yếu tố quái dị, thần linh sấm sét, về chân dung Cao Biền như một vị tướng chí công vô tư, điều khiển được thần linh, Bia chùa Báo Ân ở núi Nhồi, Thanh Hóa (1100) ca tụng Lý Thường Kiệt, khi cai quản trấn Thanh Hóa đã đứng ra xây chùa. Văn khắc trên chuông chùa Thầy, Sơn Tây (1109) ca ngợi Phật pháp và công đức của Từ Đạo Hạnh.

- Về các dòng họ lớn có hai loại: các dòng họ nổi lên ở vùng rừng núi xa xôi (gọi là châu mục), cha truyền con nối, thường được triều đình nương nhẹ, các dòng họ có quan hệ chặt chẽ với triều đình (như họ Lê ở Thanh Hóa).

- Đời sống kinh tế - xã hội: công việc làm ăn, xây dựng trong làng xã.

- Thiết chế và thuật ngữ  hành chính.