Chính vì vậy, nếu như quá trình “tụt dốc” kéo rất dài từ giữa tháng 9/2007 với 16.165 VND/USD và “chạm đáy” chỉ với 15.955 VND/USD vào giữa tháng 4 vừa qua, thì “thời VND mạnh” đã đột ngột chấm dứt, bởi giá USD hiện đã gần ngang bằng so với ở thời điểm giữa tháng 11/2007 (16.132 VND/USD so với 16.142 VND/USD).
Với xu thế diễn biến này của USD, rất có thể trong những tháng tới tốc độ tăng nhập khẩu sẽ chậm lại, và ngược lại, tốc độ tăng xuất khẩu sẽ nhích lên. Và chính nhờ sự vận động trái chiều nhau theo xu thế tích cực này, thâm hụt trong cán cân thương mại của nước ta cũng sẽ giảm bớt. Bởi lẽ, với tỷ giá 16.132 VND/USD hiện nay so với mức “đáy” 15.955 VND/USD hồi giữa tháng 4 vừa qua, mỗi USD hàng hoá xuất khẩu được giá thêm 177 VND, hay tăng 1,11%; và ngược lại, giá mỗi USD hàng hoá nhập khẩu cũng tăng thêm 177 VND và 1,11%.
Không những vậy, trong điều kiện USD khan hiếm trên thị trường, các con số tính toán trên đều được khuyếch đại thêm không ít, cho nên tác dụng khuyến khích xuất khẩu và kiềm chế nhập khẩu trên thực tế còn mạnh hơn nữa.
Thế nhưng, đồng hành với xu thế biến động tích cực này trong xuất khẩu và nhập siêu ở “thì tương lai”, bởi những tác động này bao giờ cũng có “độ trễ” của nó, cuộc chiến chống lạm phát đang rất chật vật của chúng ta hiện nay lại lập tức có thêm những lực cản mới.
Đó là, với việc USD tăng giá so với VND như vậy, đương nhiên hàng hoá nhập khẩu sẽ đắt lên một cách tương ứng và những tác động này mạnh hơn rất nhiều so với trong xuất khẩu. Điều này bắt nguồn từ hai yếu tố.
Trước hết, một khi giá USD tăng, trong khi xuất khẩu thì chỉ thu được tiền sau khi đã hoàn tất việc giao hàng; còn với hàng nhập khẩu thì giá bán những hàng đã mua về từ khi giá USD còn thấp cũng hầu như ngay lập tức được đẩy lên. Tình trạng tích cực “ôm hàng vào”, hoặc giãn tốc độ bán ra ngay khi USD có những biểu hiện sốt nóng, thậm chí tăng tốc nhập khẩu để đón đầu cơ hội USD tăng giá chính là những động thái của những nhà kinh doanh nhanh nhạy với những biến động của thị trường. Nói cách khác, việc USD tăng giá sẽ dẫn đến tăng giá hàng nhập khẩu nhanh hơn nhiều đối với hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, quy mô nhập khẩu của nền kinh tế nước ta hiện ngày càng lớn hơn so với xuất khẩu, cho nên quy mô tác động của cơn sốt nóng giá USD đối với đầu vào nhập khẩu cũng lớn hơn rất nhiều.
Cụ thể, với tổng kim ngạch nhập khẩu trong 5 tháng qua là 37,817 tỷ USD, nếu như tỷ giá là 15.955 VND/USD như hồi giữa tháng 4, thì khối lượng hàng hoá này có giá trị hơn 603.370 tỷ VND. Nhưng với tỷ giá 16.132 VND/USD hiện nay, nó có giá tới gần 610.064 tỷ VND, tức là bị khuyếch đại thêm 6.694 tỷ VND. Trong khi đó, ở đầu ra xuất khẩu, chỉ với kim ngạch 23,398 tỷ USD trong 5 tháng qua, theo các mức tỷ giá nói trên, mức khuyếch đại thêm này chỉ là hơn 4.141 tỷ VND.
Mặc dù vậy, đối với cuộc chiến chống lạm phát hiện nay, cơn sốt nóng giá USD lại tác động tiêu cực thông qua cả đầu vào nhập khẩu lần đầu ra xuất khẩu.
Trong đó, đối với hàng hoá nhập khẩu, tác động này hiển nhiên là lớn hơn không chỉ bởi khối lượng hàng hoá nhập khẩu lớn hơn hẳn, mà còn bởi việc không tăng được giá bán trên thị trường thì đương nhiên người kinh doanh bị thiệt, cũng như việc tăng giá cả những hàng hoá nhập khẩu với giá rẻ hơn nhiều trước đó như đã nói ở trên.
Trong khi đó, cơn sốt nóng giá USD đương nhiên cũng làm cho hàng hoá xuất khẩu được giá hơn, cho nên cũng có tác dụng kéo giá hàng tiêu thụ ở thị trường trong nước tăng theo; bởi nếu không, người kinh doanh cũng bị thiệt so với xuất khẩu. Việc giá lúa gạo trong nước ồ ạt tăng chắc chắn có phần do giá thế giới tăng đại nhảy vọt trong thời gian qua, cho dù thị trường trong nước không thiếu nguồn cung.
Nói tóm lại, cho dù cơn sốt nóng giá USD có tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy xuất khẩu tăng tốc, và ngược lại, hạn chế bớt tình trạng nhập khẩu tăng bùng nổ, cho nên cũng tác động tích cực đến việc cải thiện tình trạng cán cân thương mại hiện đã rất xấu của nền kinh tế nước ta. Nhưng rõ ràng sốt giá USD cũng sẽ làm khó cho cuộc chiến chống lạm phát của chúng ta hiện nay. Bởi lẽ, giá USD càng sốt nóng, mức độ khuyếch đại khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu khổng lồ so với GDP của nền kinh tế nước ta càng lớn hơn sẽ khiến tốc độ tăng lạm phát càng cao hơn. Đây chính là lý do đặc biệt quan trọng khiến tốc độ tăng lạm phát của nước ta lâu nay vẫn cao so với hầu như các nước trong khu vực.
Do vậy, để hạn chế “tác dụng phụ” này, có lẽ các nhà quản lý cũng không thể không tính đến việc bơm USD ra thị trường sao cho duy trì được trạng thái “ấm vừa phải”, đủ để vừa kích thích xuất khẩu, vừa hạn chế nhập khẩu và nhập siêu, nhưng cũng không làm quá khó cho chúng ta trong cuộc chiến chống lạm phát hiện nay.
Theo SGTT