📞

Giá vàng hôm nay 14/12/2023: Giá vàng 'lay động' nhẹ, có lý do củng cố đà tăng, nhà đầu tư bán ồ ạt

Linh Chi 06:06 | 14/12/2023
Giá vàng hôm nay 14/12/2023 trên thị trường thế giới bật tăng nhẹ trở lại, nhưng vẫn giao dịch dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce. Theo giới chuyên gia, lực mua vào mạnh của các ngân hàng trung ương cũng sẽ củng cố đà tăng của vàng.

BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 14/12TỶ GIÁ HÔM NAY 14/12


Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 14/12/2023

Giá vàng trong nước đảo chiều, tăng không đều, với mức tăng cao nhất là 250.000 đồng/lượng trong phiên giao dịch ngày 13/12.

Cụ thể, tới thời điểm 14 giờ ngày 13-12, Công ty Vàng bạc đá quý TP Hồ Chí Minh niêm yết giá vàng SJC ở mức 72,7 – 73,72 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với chốt phiên hôm qua.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC mua vào ở mức 72,9 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng; bán ra ở mức 73,8 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với hôm qua.

Trong khi đó, vàng SJC của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI được giao dịch tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với giá 72,6 – 73,7 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào-bán ra.

Ngược chiều tăng của vàng SJC, vàng nhẫn của PNJ TP Hồ Chí Minh lại giảm nhẹ 100.000 đồng/lượng, được giao dịch ở mức 59,9 - 61,1 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Giá vàng thế giới bật tăng nhẹ trở lại, nhưng vẫn giao dịch dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce. Ghi nhận của TG&VN lúc 20h ngày 13/12, giá vàng thế giới trên sàn Kitco ở mức 1.980,9 - 1.981,9 USD/ounce, tăng 1,4 USD so với phiên liền trước.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 11 của Mỹ công bố tăng 3,1%, ở mức cao so với mục tiêu 2%. Điều này khiến thị trường vàng e ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất ở mức cao nên giá kim loại quý giảm.

Trọng tâm đang tập trung vào cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Fed và tuyên bố của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp báo. Sự đồng thuận của thị trường là FOMC sẽ giữ nguyên lãi suất.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng dự đoán tuyên bố của FOMC và Powell tại cuộc họp báo của ông sẽ vẫn có thái độ "diều hâu" khi nói rằng cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc. Nhiều nhà quan sát thị trường kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất của Mỹ vào giữa năm 2024.

Theo công cụ CME FedWatch, thị trường dự báo khoảng 80% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 5.

Một yếu tố khác khiến vàng giảm là nhà đầu tư vẫn tiếp tục bán vàng ra. Quỹ đầu tư vàng lớn thế giới SPDR bán ra 2,89 tấn, lượng vàng nắm giữ còn 875,65 tấn.

Giá vàng hôm nay 14/12/2023: Giá vàng 'lay động' nhẹ, có lý do củng cố đà tăng, nhà đầu tư bán ồ ạt. (Nguồn: Getty)

Tổng hợp giá vàng miếng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 13/12:

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 72,80 – 73,82 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 72,80 – 73,80 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 72,90 – 73,80 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn PNJ niêm yết tại: 72,70 – 73,70 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 72,93 – 73,80 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 60,38 – 61,48 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 60,10 – 61,30 triệu đồng/lượng.

"Cơn sốt vàng" chưa hạ nhiệt

Giá vàng đã đạt mức cao mới vào ngày 4/12, khi được thúc đẩy bởi nhận xét từ Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày 1/12 rằng, ngân hàng trung ương Mỹ có thể cắt giảm lãi suất vào đầu năm 2024.

Nhận xét của ông Powell về vấn đề chính sách tiền tệ của Mỹ đã "đi vào phạm vi hạn chế" khiến nhà đầu tư tăng niềm tin. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng giá cả tăng vọt có thể là do sự kết hợp của nhiều yếu tố.

Nhà phân tích đầu tư của Văn phòng Đầu tư DBS Goh Jun Yong nhận định, lợi suất trái phiếu kho bạc giảm, sức mạnh đồng USD giảm và hoạt động mua vào liên tục của ngân hàng trung ương đã góp phần đẩy giá vàng ngày 4/12.

Ông cũng chỉ ra cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza là một yếu tố góp phần. "Xung đột Israel-Hamas chắc chắn đã bổ sung thêm một khía cạnh rủi ro địa chính trị vào phương trình; Là tài sản trú ẩn an toàn, vàng thường hoạt động tốt trong thời kỳ xung đột và bất ổn".

Tuy nhiên, người đứng đầu bộ phận tư vấn tài sản của OCBC Aaron Chwee nói rằng, căng thẳng ở Trung Đông ảnh hưởng đến giá cả "ở mức độ thấp hơn nhiều", so với các biến khác.

Thay vào đó, theo vị chuyên gia này, giá tăng là do nhu cầu mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương châu Á, chẳng hạn như của Ấn Độ và Trung Quốc. Hai quốc gia mua vàng lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn một nửa tổng nhu cầu toàn cầu.

Các chuyên gia nhận định, "cơn sốt vàng" toàn cầu đang không có dấu hiệu hạ nhiệt sớm.

Giá vàng được dự báo lập thêm nhiều đỉnh mới vào năm 2024 và sẽ duy trì trên mốc 2.000 USD do thị trường ngày càng kỳ vọng rằng chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Fed đã kết thúc, bất ổn địa chính trị, đồng USD có khả năng suy yếu và lãi suất toàn cầu có thể giảm.

Ngoài ra, lực mua vào mạnh của các ngân hàng trung ương cũng sẽ củng cố đà tăng của vàng.

Giám đốc điều hành và người sáng lập của đại lý vàng thỏi Silver Bullion Gregor Gregersen khẳng định: "Hầu hết giá vàng tăng có xu hướng xảy ra trong thời kỳ suy thoái, lạm phát đình trệ và khủng hoảng bởi vì khi niềm tin suy giảm, mọi người chuyển sang vàng vật chất như một nơi trú ẩn an toàn.

Chúng tôi coi vàng và bạc vật chất là những tài sản nắm giữ dài hạn sẽ đặc biệt phát huy tác dụng trong thời kỳ khủng hoảng và lạm phát đình trệ".

(theo Kitco News)