BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 21/6 và TỶ GIÁ HÔM NAY 21/6
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 21/6/2024
Giá vàng trong nước duy trì ở mức 76,98 triệu đồng/lượng gần hai tuần qua.
Giá vàng miếng SJC chốt phiên giao dịch ngày 20/6 tại các đơn vị kinh doanh trên cả nước, tiếp tục ổn định ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng nhẫn 9999 vẫn tăng đều đặn, tiến sát giá vàng miếng SJC. Một số thương hiệu điều chỉnh tăng vào phiên giao dịch ngày 20/6. Công ty VBĐQ Sài Gòn điều chỉnh tăng 100 nghìn đồng/lượng, niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 73,55-75,15 triệu đồng/lượng (mua - bán). Tập đoàn Doji mua - bán vàng nhẫn tròn trơn 9999 ở mức 74,4-75,65 triệu đồng/lượng, cao hơn 50 nghìn đồng mỗi lượng so với mức chốt hôm qua.
Giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất trong hai tuần.
Số liệu kinh tế Mỹ yếu hơn đã làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong năm nay. Số liệu được công bố tuần trước cho thấy thị trường việc làm và sức ép giá cả đã hạ nhiệt, trong bối cảnh hoạt động kinh tế vẫn ảm đạm trong quý II/2024. Fed đang chờ thêm dấu hiệu cho thấy lạm phát tiếp tục giảm trước khi quyết định hạ lãi suất một hoặc hai lần vào cuối năm nay. Việc hạ lãi suất sẽ làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Ghi nhận của TG&VN lúc 19h45 ngày 20/6 (giờ Hà Nội) giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco ở mức 2,350.30 - 2,351.30 USD/ounce, tăng 2,3 USD so với phiên giao dịch liền trước.
Giá vàng thế giới quy đổi theo giá tỷ giá USD ngân hàng ở mức gần 71,6 triệu đồng/lượng, chưa bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 5,38 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Chuyên gia của hãng ActivTrades - Ricardo Evangelista cho rằng, bên cạnh việc giới đầu tư tin tưởng vào khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9, việc ngân hàng trung ương các nước đẩy mạnh mua vàng cũng góp phần hỗ trợ giá cho mặt hàng này.
Giá vàng hôm nay 21/6/2024: Giá vàng thế giới tiếp tục đi lên, ngân hàng trung ương tăng dự trữ vàng, vì sao? (Nguồn: Getty) |
Tổng hợp giá vàng miếng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại các thời điểm chốt phiên giao dịch chiều 20/6:
Tập đoàn VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại: 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng
Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC tại: 75,3 - 76,98 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn VBĐQ Phú Quý niêm yết tại: 75,5 – 76,98 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 75,5 – 76,98 triệu đồng/lượng.
Tại sao các ngân hàng trung ương tăng dự trữ vàng?
Các ngân hàng trung ương có nền kinh tế ngày càng phát triển, đánh giá cao vai trò chiến lược của vàng trong thời điểm địa chính trị không chắc chắn và những lo ngại mới về sự ổn định tài chính.
Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương tiếp tục thống trị và biến đổi thị trường vàng, với xu hướng này ngày càng mạnh mẽ hơn.
Đầu tuần này, WGC đã công bố kết quả khảo sát Dự trữ vàng hàng năm của Ngân hàng Trung ương. Trong số 70 câu trả lời, 29% cho biết họ vẫn dự đoán, tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới. WGC cho biết, đây là mức cao nhất họ từng thấy, kể từ khi bắt đầu cuộc khảo sát thường niên vào năm 2018.
Trong báo cáo WGC, các nhà phân tích cho biết: “Việc mua vàng theo kế hoạch chủ yếu được thúc đẩy bởi mong muốn tái cân bằng lượng vàng nắm giữ ở mức chiến lược phù hợp - sản xuất vàng trong nước và những lo ngại về thị trường tài chính, bao gồm rủi ro khủng hoảng cao hơn và lạm phát gia tăng”.
Kết quả khảo sát được đưa ra gần hai tuần sau khi dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy, họ không tăng dự trữ vàng trong tháng 5, chấm dứt đợt mua vàng kéo dài 18 tháng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi Trung Quốc giảm mua hàng, người ta vẫn quan tâm nhiều đến vàng khi đa dạng hóa dự trữ.
“Mặc dù Trung Quốc đã đóng góp tích cực vào mức nhu cầu hàng năm từ khu vực chính thức, nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng rằng, các ngân hàng trung ương nói chung sẽ vẫn là người mua ròng. Việc mua vào diễn ra trên diện rộng, trong đó một số ngân hàng trung ương khác tiếp tục tích lũy vàng, ngay cả khi giá vàng đã tăng trong những tháng gần đây. Do đó, dù nhu cầu của ngân hàng trung ương vào năm 2024 có thể không đạt được mức như năm 2022 hoặc 2023, nhưng chúng tôi vẫn tin rằng, nó sẽ duy trì tốt trong thời gian còn lại của năm”.
Krishan Gopaul, Nhà phân tích cấp cao tại WGC, cho biết, trong khi gần 1/3 số ngân hàng trung ương được khảo sát tìm cách mua vàng trong năm nay, có một kỳ vọng rộng rãi trong toàn bộ khu vực chính thức rằng dự trữ vàng sẽ tăng. Cuộc khảo sát cho biết 81% người tham gia kỳ vọng lượng nắm giữ sẽ tăng trong 12 tháng tới, tăng mạnh so với mức 71% được báo cáo vào năm ngoái.
Theo khảo sát, sự đa dạng hóa ngày càng tăng của vàng diễn ra khi các ngân hàng trung ương nhận thấy sự thay đổi ngày càng tăng trên thị trường tài chính toàn cầu, khi vai trò của Mỹ với tư cách là đồng tiền dự trữ thế giới tiếp tục giảm sút.
Nhìn vào vai trò của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới, 62% số người được hỏi cho biết họ nghĩ rằng tỷ trọng của đồng USD sẽ giảm dần trong 5 năm kể từ bây giờ, tăng từ 55% vào năm 2023 và 42% vào năm 2022.
Trong khi đó, liên quan đến vàng, 69% số người được hỏi cho rằng, kim loại màu vàng sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong 5 năm tới, tăng từ 62% vào năm 2023 và 46% vào năm 2022.
Về dài hạn, khi các ngân hàng trung ương tìm cách đa dạng hóa khỏi đồng USD, các nhà phân tích cho biết, “mức lãi suất”, “lo ngại lạm phát” và “bất ổn địa chính trị” tiếp tục là những yếu tố hàng đầu trong các quyết định quản lý dự trữ của ngân hàng trung ương - tương đối phù hợp với câu trả lời năm ngoái.
Theo khảo sát, các ngân hàng trung ương có động cơ nắm giữ vàng vì nó được coi là “kho dự trữ giá trị/phòng ngừa lạm phát dài hạn”, “hiệu suất trong thời kỳ khủng hoảng”, một “công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư hiệu quả” và gần như “không có rủi ro.”