Giá vàng hôm nay 27/3, Giá vàng có động thái đáng kinh ngạc, kho vàng Nga lĩnh ‘đòn’ của Anh, SJC vẫn nhảy vọt. (Nguồn: Hindustan Times) |
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 27/3
Tuần qua, trong bối cảnh giới giao dịch đang theo dõi các diễn biến trong căng thẳng Nga-Ukraine và đường hướng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giá vàng thế giới và trong nước đều có chiều hướng đi lên. Giới chuyên gia cho rằng, lạm phát sẽ là yếu tố duy trì môi trường tích cực cho giá vàng trong trung hạn.
Về giá vàng trong nước, tại thị trường Hà Nội, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 26/3, giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,7 - 69,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 250 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 300 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Như vậy, giá vàng trong nước đã tăng 770 nghìn đồng/lượng trong tuần qua. Trước đó, giá vàng giao dịch lình xình từ đầu tuần xung quanh mức 69 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giảm trong phiên giao dịch 25/3, nhưng lại tăng khi tính chung cả tuần qua, trong bối cảnh giới giao dịch đang theo dõi các diễn biến trong căng thẳng Nga-Ukraine và đường hướng chính sách của Fed.
Khép lại phiên này, giá vàng giao tháng 4 giảm 8 USD, tương đương 0,4%, xuống 1.954,2 USD/ounce. Nhưng tính chung cả tuần, giá vàng vẫn tăng 1,3%, theo số liệu của Dow Jones Market Data.
Ghi nhận của TG&VN, giá vàng thế giới chốt giao dịch trên sàn Kitco tại 1.958,4 USD/ounce, sau một số phiên tăng giảm liên tục, hiện tăng nhẹ 1,5 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch liền trước. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 trên sàn Comex lần cuối ở mức 1.957 USD/ounce.
Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank ngày 26/3, 1 USD = 23.010 VND, giá vàng thế giới tương đương 54,95 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra 14,52 triệu đồng/lượng.
Tin liên quan |
Các công ty phương Tây ùn ùn rời Nga, tại sao nhiều ‘gã khổng lồ’ của Pháp lại lội ngược dòng? |
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên sáng 26/3:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 68,7 – 69,45 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 68,5 – 69,35 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 68,6 – 69,4 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 68,5 – 69,25 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 68,61 – 69,39 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,44 – 56,29 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 54,65 – 56,15 triệu đồng/lượng.
Diễn biến kinh ngạc của thị trường
Trong bài viết trên Kitco News, nhà phân tích Neils Christensen nhận định, thị trường vàng thế giới kết thúc tuần giao dịch chỉ ở mức trên 1.950 USD/ounce, tăng nhẹ hơn 1% so với thứ Sáu tuần trước, tuy nhiên, các nhà đầu tư cần nhìn qua các con số thô và môi trường mà vàng đang giao dịch.
Giá vàng đã thiết lập một phạm vi mới, trên 1.900 USD/ounce, khi chỉ số USD giữ gần mức cao nhất trong hai năm. Đáng kinh ngạc hơn nữa, vàng đang giữ vững khi lợi suất trái phiếu tăng.
Đầu ngày thứ Sáu, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên 2,5%, mức cao nhất trong ba năm. Một số nhà phân tích cho rằng lợi suất trái phiếu có khả năng tăng cao hơn khi Fed có ý định thắt chặt lãi suất nhanh hơn dự kiến.
Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng, trong khi đồng USD mạnh lên khiến vàng, vốn là kim loại quý được định giá bằng đồng tiền này, trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Phiên ngày thứ Ba, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã gây sốc cho thị trường khi nói rằng lạm phát hiện đã quá cao. Ông báo hiệu rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 5 tới. Các thị trường cũng nhìn thấy tiềm năng cho một động thái tăng 50 điểm cơ bản thứ hai vào tháng 6.
Tuy nhiên, thị trường vàng không quá coi trọng những mối đe dọa này. Một số nhà phân tích đã nói rằng cảnh báo của Fed còn tệ hơn cả tác động thực của cơ quan này.
Kristina Hooper, chiến lược gia đầu tư tại Invesco, cho biết trong một báo cáo: "Thật dễ dàng để tuyên bố cứng rắn trong các cuộc họp báo và bài phát biểu. Nhưng thực sự khó hơn rất nhiều nếu 7 lần tăng lãi suất trong một năm và 4 lần trong năm tiếp theo”.
Không chỉ Fed đang nói khó, mà các nhà phân tích lưu ý rằng, nhìn vào bức tranh toàn cảnh, ngay cả khi Fed đạt được các mục tiêu tích cực của mình, lãi suất vẫn sẽ ở mức 2%. Trong khi đó, lạm phát hằng năm hiện ở mức 7,9%.
Một số nhà kinh tế kỳ vọng rằng lãi suất có thể giảm xuống từ 4-6% vào cuối năm nay, nhưng điểm mấu chốt là lãi suất thực sẽ tiếp tục ở mức âm sâu.
Tuy nhiên, không chỉ chính sách tiền tệ thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào vàng. Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine cũng tiếp tục hỗ trợ nhu cầu trú ẩn an toàn đối với kim loại quý này.
Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Đông Âu vẫn tiếp tục khi chiến sự chưa kết thúc. Cho đến nay, hơn 3,7 triệu người tị nạn đã rời khỏi Ukraine, và khoảng 6,5 triệu người phải di dời trong nước.
Nhiều nhà phân tích địa chính trị không hy vọng cuộc xung đột sẽ sớm được giải quyết, do đó, sự bất ổn và biến động của thị trường sẽ vẫn nổi bật trên các thị trường tài chính.
Tuy nhiên, có một yếu tố mới dẫn đến cuộc xung đột khi các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây bắt đầu có hiệu lực. Vàng có thể tự khẳng định mình là một loại tiền tệ toàn cầu mới.
Cùng quan điểm trên, ông Peter Cardillo, chuyên gia kinh tế thị trường của Công ty Môi giới đầu tư Spartan Capital Securities (Mỹ) cho rằng, câu chuyện lạm phát có thể sẽ lấn át các yếu tố về lợi suất trái phiếu và xung đột Nga-Ukrainen.
Ông dự đoán giá vàng có thể vượt mức 2.000 USD/ounce, khi lạm phát khiến giới đầu tư tìm đến vàng như một biện pháp phòng trừ rủi ro trước tình hình giá cả leo thang, trong khi tình hình căng thẳng địa chính trị cũng sẽ làm tăng nhu cầu đối với vàng như một kênh trú ẩn an toàn.
Liên quan đến thị trường vàng, RT đưa tin, Anh hôm 25/3 đã bổ sung lệnh cấm giao dịch vàng Nga vào danh sách lệnh hạn chế London áp lên Moscow vì chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Trong văn bản hướng dẫn trừng phạt được cập nhật hôm 25/3 trên trang web của chính phủ Anh, London nêu rõ: "Hướng dẫn được cập nhật để làm rõ rằng việc cấm cung cấp các dịch vụ tài chính để dự trữ ngoại hối và quản lý tài sản, cũng áp dụng cho các giao dịch liên quan đến vàng. Nghiêm cấm cung cấp các dịch vụ tài chính để thực hiện các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga liên quan đến kho vàng của họ".
Theo RT, động thái của Anh diễn ra sau khi có những quan ngại rằng, Nga có thể sử dụng vàng dự trữ để lách qua lệnh trừng phạt phương Tây.
Trước đó, hôm 24/3, Bộ Tài chính Mỹ cũng phát hành thông báo cấm các giao dịch vàng với Nga, nhằm vào kho dự trữ khoảng 2.300 tấn trị giá hơn 130 tỷ USD của Moscow.
Các lệnh hạn chế này chỉ tác động tới việc giao dịch vàng Nga tại các thị trường ở Anh và Mỹ, và không thể ngăn Moscow bán vàng cho các nước hoặc sàn giao dịch khác.
Nga hiện có lượng vàng dự trữ lớn thứ 5 thế giới. Nước này bắt đầu gia tăng kho vàng từ 8 năm trước kể từ khi bị phương Tây trừng phạt do sáp nhập bán đảo Crimea.
| Bất động sản mới nhất: Tình trạng sốt giá ngày càng lan rộng, Hà Nội ‘siết’ thu tiền thuế đất, mua nhà-cứ mua là được Lý giải nguyên nhân những cơn sốt đất, Bộ Xây dựng lên tiếng về điều chỉnh dự án 175 Nguyễn Thái Học (Hà Nội), đã ... |
| Các công ty phương Tây ùn ùn rời Nga, tại sao nhiều ‘gã khổng lồ’ của Pháp lại lội ngược dòng? Nhiều doanh nghiệp phương Tây đang rời Nga sau khi nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, một ... |