Giá vàng đã tăng 16% trong năm nay. (Nguồn: Iccnews) |
Giá vàng giao ngay tăng 0,03% lên 1.768,10 USD/ounce theo Kitco, trong khi vàng giao tháng 8 tăng 0,14% lên 1.784,45 USD, ghi nhận vào lúc 6h30 (giờ Việt Nam) hôm nay.
Theo Reuters, ngày 23/6, giá vàng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2012, vì sự suy yếu của đồng USD và các gói kích thích tiền tệ từ hàng loạt ngân hàng trung ương do tác động đại dịch Covid-19 với kinh tế.
Giá vàng tăng mạnh sau khi Mỹ công bố số liệu trong lĩnh vực sản xuất thấp hơn so với kỳ vọng. Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất trong tháng 6 giảm xuống 49,6 điểm, tăng mạnh so với mức 39,8 điểm trong tháng 5 nhưng thấp hơn mức kỳ vọng 50 điểm.
Mặt hàng kim loại quý tiếp tục tăng giá bất chấp chứng khoán Mỹ và thế giới diễn biến tích cực sau khi tổng thống Donald Trump viết trên Twitter cho biết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc “vẫn rất đúng hướng”.
Thông tin này trái ngược với tuyên bố cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro cho rằng, thỏa thuận đã chấm hết. Cố vấn Nhà Trắng ngay sau đó cũng đã đính chính về phát ngôn gây sốc và cho biết, những bình luận của ông là “ngoài lề”, đồng thời khẳng định thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vẫn được duy trì.
"Áp lực lạm phát vẫn còn khá lớn về một bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa, khiến vàng được thu hút hơn", theo nhà phân tích tại ED & F Man Capital Markets, Edward Meir cho biết.
Bên cạnh đó, vàng tăng giá còn do nhu cầu đầu tư vào mặt hàng này vẫn rất lớn trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới không ngừng gia tăng và nhiều nước có dấu hiệu đang phải đón nhận làn sóng lây nhiễm thứ 2.
Như vậy, sau khoảng 1 tháng suy yếu, vàng đang tăng nhanh trở lại và có xu hướng tiếp tục bứt phá. Vàng đang trong một đợt tăng và giá giao tháng 8 đã nhấp nhổm lên sắp tới ngưỡng 1.800 USD/ounce.
Theo đại diện RJO Futures, giá vàng đã phá vỡ ngưỡng cản 1.750 USD/ounce do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng. Và một khi đại dịch bùng lên và chính phủ các nước đóng cửa các hoạt động kinh tế trở lại thì vàng sẽ nhanh chóng lên trên 1.765 USD/ounce, thậm chí ngưỡng 1.800 USD/ounce cũng không còn xa nữa.
Sự suy yếu của đồng USD cũng góp phần vào đà tăng của vàng. Chỉ số đồng DXY, đo lường biến động của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm khá mạnh từ mức khoảng 97,5 điểm trong tuần trước xuống mức 96,5 điểm như hiện tại.
Ngoài ra, giá vàng tăng mạnh còn do giới đầu tư vẫn e ngại về nền kinh tế toàn cầu. Theo một đánh giá của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại toàn cầu trong quý 2 sẽ giảm khoảng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái do tác động của đại dịch Covid-19 và các biện pháp hạn chế ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trong quý 1, mức giảm là 3%.
Các biện pháp phong tỏa được nới lỏng, cùng với việc các chính phủ và ngân hàng trung ương tung ra hàng ngàn tỷ USD hỗ trợ nền kinh tế tiếp tục là các lực đẩy chính đối với các thị trường chứng khoán tại thời điểm này. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố tích cực cho vàng về dài hạn.
Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 23/6 đa số các doanh nghiệp kinh doanh vàng tăng giá vàng 9999 khoảng 100 ngàn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Tại Việt Nam, vào cuối phiên giao dịch 23/6, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 48,68-49,05 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).