Tuy nhiên, để hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này có thể làm được điều đó thì cần phải có thời gian. Có thể là 2 tháng như thời gian gia hạn của Tổng thống Trump, nhưng cũng có thể là lâu hơn nữa, mà chính Washington cũng không thể nói chính xác khi nào.
Đừng vội mừng
“Hạn chót” tăng thuế đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc đã đến quá gần, rõ ràng, hai bên không thể đạt được sự đồng thuận trước ngày 1/3 và cuộc đàm phán sẽ vẫn tiếp tục.
Phụ những kỳ vọng từ giới đầu tư, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc vòng đàm phán thứ ba (ngày 15/2) mà không có đột phá, không có kết quả rõ ràng và cũng không có bất cứ tuyên bố nào được đưa ra. Được biết, hai bên đã lên kế hoạch soạn thảo một bản ghi nhớ để giới thiệu với lãnh đạo hai nước và tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, vẫn chưa có văn bản nào được giới thiệu công khai.
Cờ Mỹ và Trung Quốc trên Đại lộ Pennsylvania, Washington. (Nguồn: Reuters) |
Dự kiến, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ thăm Washington từ ngày 21-22/2 để tiếp tục các cuộc đàm phán, nỗ lực giải quyết những bất đồng gay gắt. Giới phân tích cho rằng, vòng đàm phán lần này đã bước vào giai đoạn then chốt nhất. Sự hình thành kỳ vọng của các nhà đầu tư và công chúng được “nuôi dưỡng” từ chính các dòng tweet lạc quan của Tổng thống Trump - người đã nhắc đi nhắc lại về những tiến bộ đã đạt được trong quá trình giải quyết nhiều vấn đề và thậm chí nói về khả năng kéo dài thêm hai tháng sau thời hạn chót (1/3), để hoàn tất đàm phán. Tuy nhiên, đó là chỉ trong trường hợp nếu hai bên mở ra được triển vọng ký kết một thỏa thuận toàn diện.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng đã từng tuyên bố, cần phải có cuộc gặp mặt trực tiếp lãnh đạo cấp cao hai nước trước khi ký kết thỏa thuận cuối cùng. Và tất nhiên, hai yếu nhân ấy càng không thể nói là có thể gặp ngay lập tức, trước ngày 1/3.
Tuy nhiên, đến nay, dù cuộc chiến thương mại được cho là đã đi vào giai đoạn then chốt thì trong giới chuyên gia, nhiều người vẫn tỏ rõ không tin tưởng vào cái gọi là thời hạn đình chiến, bởi những mâu thuẫn sâu xa hơn giữa hai nền kinh tế khổng lồ. Sự nhượng bộ nếu có chỉ mang tính nhất thời, bởi câu chuyện phức tạp hơn những gì người ta có thể thấy ở bề nổi. Vì thế, nếu hai nước có đạt một số đồng thuận sau những ngày nhóm họp, thì dư luận cũng chưa nên vội mừng.
Giấc mơ đình chiến còn xa vời
Thực tế, cho đến nay hai bên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về các vấn đề nan giải nhất. Trung Quốc đề xuất tăng mạnh việc mua hàng hoá của Mỹ, bao gồm hàng nông sản, nguyên liệu thô và các sản phẩm công nghệ cao. Bắc Kinh cam kết trong vòng 6 năm sẽ cân bằng cán cân thương mại với Mỹ. Trung Quốc cũng hứa hẹn sẽ tiếp tục thực hiện cuộc cải cách để mở cửa các thị trường tài chính và hoạt động sản xuất. Trung Quốc đồng thời đảm bảo với phía Mỹ rằng, họ sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ tài sản trí tuệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, Mỹ yêu cầu Bắc Kinh nên từ bỏ chính sách trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước để cân bằng cơ hội với các đối thủ nước ngoài trên thị trường Trung Quốc. Washington cũng cho rằng, Bắc Kinh cần phải chấm dứt thực trạng ép buộc chuyển giao công nghệ để cho các công ty nước ngoài có thể tiếp cận được thị trường nước này; Trung Quốc nên xoá bỏ mọi rào cản phi thuế quan, cũng như ngừng thao túng tỷ giá hối đoái của nhân dân tệ. Ngoài ra, Washington đề xuất xây dựng cơ chế kiểm soát. Trong trường hợp Trung Quốc không tuân thủ bất kỳ thỏa thuận nào, cơ chế này sẽ tự động hoàn lại tiền thuế "bảo vệ".
Báo chí Mỹ dẫn lời các nhà đàm phán lưu ý rằng, Trung Quốc không đồng ý với các yêu cầu trên. Trước hết, Trung Quốc tuyên bố chính sách công nghiệp là vấn đề nội bộ mà các quốc gia khác không thể can thiệp. Phía Trung Quốc đưa ra lập luận tương tự chống lại đề xuất xây dựng cơ chế kiểm soát, bởi cơ chế này sẽ hạn chế nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc.
Bản tuyên bố chính thức của Nhà Trắng sau cuộc đàm phán thứ ba không có gì ngoài nhận định, “vẫn còn nhiều việc phải làm”. Và những việc phải làm đó thật sự rất khó thực hiện về mặt kỹ thuật. Chẳng hạn, ngay việc khắc phục mất cân bằng thương mại đòi hỏi phải có thời gian dài để tái cấu trúc cả một chuỗi cung ứng... Trong khi đó, tham vọng “Made in China 2025” mới là “cái gai" thực sự trong mắt Mỹ và các nước.
Đặt trường hợp sau vòng đàm phán thứ 4 lần này, hai bên có thể đi đến một thỏa thuận tạm thời, chủ yếu là vì Tổng thống Trump đang cần đến những tiến bộ chính trị nào đó, thì quá trình phê chuẩn văn kiện này tại Quốc hội Mỹ cũng còn rất khó khăn, chưa thể nói trước điều gì.
Trên thực tế, giới chuyên gia Mỹ vẫn khá hoài nghi về triển vọng đàm phán. Họ cho rằng, việc kéo dài thêm hai tháng sau hạn chót 1/3 để hoàn tất đàm phán không giúp giải quyết mâu thuẫn cơ bản. Vì hầu hết các yêu cầu của Mỹ đã được đưa ra từ 9 tháng trước, thậm chí nhiều năm trước mà đến nay, Bắc Kinh vẫn không thể đáp ứng các yêu cầu đó. Bởi vậy, kỳ vọng giải quyết các vấn đề trong vòng 90 ngày là không thể thành hiện thực.
Việc kéo dài quá trình đàm phán hiện có lợi cho Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ có thêm thời gian để củng cố vị thế của mình trong cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo. Ngoài ra, trước thềm chiến dịch bầu cử của Tổng thống Trump, đây là một công cụ tốt có thể dùng gây áp lực, để hai bên ký kết một thỏa thuận với các điều khoản có lợi cho Bắc Kinh.
Trong khi đó, tại Mỹ, điểm đồng thuận duy nhất giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa lại là đối sách cứng rắn với Bắc Kinh. Mỹ đang có thế mạnh để đòi hỏi Bắc Kinh cải cách theo yêu cầu. Vì lý do chính trị ngắn hạn, chính quyền Tổng thống Trump có thể ra vẻ tin tưởng vào nhượng bộ và cam kết của Trung Quốc, nhưng vẫn cần thời gian kiểm chứng và gia tăng sức ép.