Mối quan hệ đối tác đặc biệt và sâu rộng
Nhiều chuyên gia cảm thấy vui mừng khi bà Theresa May ủng hộ “một mối quan hệ đối tác đặc biệt và sâu rộng” giữa nước Anh thời hậu Brexit và Liên minh châu Âu (EU). Tương tự, họ cũng tỏ ra phấn khởi trước giọng điệu mang tính xây dựng trong bản thảo phương hướng mà chính phủ 27 nước còn lại trong EU vạch ra để đưa vào các cuộc thảo luận liên quan đến việc Anh rời khỏi khối này.
Để một "Brexit khó khăn" trở thành một "Brexit thân châu Âu” cần phải đạt được các thỏa thuận trong 4 vấn đề. (Nguồn: The Guardian) |
Theo một bảng danh sách các thuật ngữ chuyên môn về Brexit trong Thư viện của Hạ Nghị viện Anh, “Brexit khó khăn” có nghĩa là sự ra đi một cách đau đớn của Anh khỏi EU, có thể là với một thỏa thuận thương mại tự do nhưng Anh sẽ không có tư cách thành viên trong thị trường chung và liên minh thuế quan. Như vậy, một “Brexit khó khăn” sẽ đồng nghĩa với việc không có thỏa thuận thương mại tự do và quay trở lại các hoạt động thương mại không mấy thuận lợi theo các điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo Simon Hix, giảng viên chính trị học và cũng là chuyên gia về các vấn đề châu Âu tại Trường Kinh tế London (LSE), để một "Brexit khó khăn" trở thành một "Brexit thân châu Âu” cần phải đạt được các thỏa thuận trong 4 vấn đề, bao gồm quyền của công dân EU và Anh, mối quan hệ thương mại và kinh tế, sự bồi thường của Anh cho ngân sách EU và một loạt vấn đề về phòng thủ, an ninh và thể chế.
Liên quan đến vấn đề các quyền của công dân, ông Hix thừa nhận, việc tự do di chuyển không hạn chế là không khả thi. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng có thể có một thỏa thuận về quyền lợi chung để làm việc và định cư giữa các nước, cũng như quyền tiếp cận các lợi ích sau khi đóng thuế trong nhiều năm. Ông nhắc đến ý tưởng liên quan đến kế hoạch định cư lâu dài với thẻ xanh chung của EU-Anh, phỏng theo mẫu thẻ xanh của Mỹ.
Ông Hix cũng cho rằng các mối quan hệ kinh tế trong tương lai cũng nên bao gồm tự do thương mại về hàng hóa và càng nhiều lĩnh vực dịch vụ càng tốt, với điểm nhấn là sự kiểm soát thuế nhẹ. Quan điểm này phù hợp với nghiên cứu của chuyên gia Michael Emerson thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu, một cơ quan tư vấn tại Brussel (Bỉ). Ông này cho rằng lời kêu gọi về một thỏa thuận thương mại tự do mạnh mẽ và toàn diện hẳn sẽ đi kèm với một nghị quyết mới đây của Nghị viện châu Âu, trong đó nhắc đến khả năng của một “thỏa thuận liên kết” EU-Anh. Kết quả có thể là một thỏa thuận rất giống với thỏa thuận mà EU và Ukraine đã ký năm 2014: thỏa thuận liên kết bao gồm một khu vực thương mại tự do sâu rộng và toàn diện.
Vấn đề ngân sách EU cũng khá nhạy cảm bởi nó có thể bị vướng vào những tranh chấp xung quanh cái gọi là “hóa đơn khi ra đi” của Anh. Theo ông Hix, cần phải bố trí một nhóm hội thảo độc lập, với các chuyên gia từ cả hai phía, để quyết định một con số mà EU và Anh không thể không chấp nhận. Về lâu dài, Anh sẽ phải trả tiền để có thể duy trì ở các chương trình nghiên cứu và giáo dục của EU, những lĩnh vực mà họ đã được hưởng lợi rất nhiều trong những năm qua.
Anh và EU nên duy trì không chỉ một mối quan hệ an ninh và phòng thủ mật thiết, mà nên xây dựng những thể chế mới như các nhóm đối thoại để giải quyết xung đột, các ủy ban để giám sát sự cân bằng pháp quy, thậm chỉ là tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên EU-Anh. Andrew Duff, một cựu nghị sĩ quốc hội thuộc đảng Dân chủ Tự do, nhấn mạnh Anh cũng cần phải thể hiện sự tôn trọng đối với bổn phận trong các hiệp ước quốc tế mà EU có liên quan, chẳng hạn như hiệp ước về chống biến đổi khí hậu.
Tài liệu về các ưu tiên trong đàm phán Brexit của Anh. (Nguồn: Reuters) |
Những mối lo ngại
Liệu Thủ tướng Anh Theresa May và chính phủ của bà có cho ra đời một loại hình “Brexit khó khăn và thân châu Âu” như trên hay không còn là một dấu hỏi. Kịch bản này tồn tại một rủi ro rõ ràng nhất chính là những “Brexiter” (những người ủng hộ Anh rời khỏi EU) cứng rắn, vốn cáo buộc đây là một sự phản bội lại kết quả của cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6/2016. Vì vậy, họ có thể sẽ tìm cách tiêu diệt kế hoạch này từ trong trứng nước.
Cảnh giác với tác động do Brexit gây ra, giới doanh nghiệp thực phẩm bán lẻ đang tìm các phương án sáng tạo để tránh phải tăng giá đối với khách hàng. Theo Bloomberg, để đối phó với sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả với các cửa hàng đại hạ giá, các siêu thị đang lặng lẽ tăng giá các mặt hàng ít phổ biến như nến, chỉ nha khoa hay bóng đèn…, chứ không dám tăng giá các mặt hàng chủ chốt khác.
Mối lo ngại Brexit làm nảy sinh sự sợ hãi và hiểu lầm rằng tiến trình Brexit đồng nghĩa với việc các công ty và các nhà quản lý Anh vốn đang thu hút các tài năng từ khắp châu Âu nay có nguy cơ mất đi nhân công của mình do những người này lo ngại Brexit sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Các điều chỉnh hiện nay của EU đối với việc cấp phép làm việc cho lao động tay nghề cao hiện vẫn chưa hoàn tất hay vẫn còn chìm trong mớ hỗn độn của sự khác biệt giữa các nhà nước thành viên. Hiện vẫn không rõ những lao động có tay nghề cao nhưng không phải công dân EU sẽ được sắp xếp như thế nào khi Anh rời khỏi EU.
Trong khi đó, quý đầu của năm 2017 đã ghi nhận sự sụt giảm lớn nhất trong gần 6 năm qua về kinh doanh bán lẻ tại các trung tâm đô thị lớn của Anh, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm. Liên hiệp Bán lẻ Anh Quốc mới đây đưa ra các số liệu cho thấy giá trị kinh doanh bán lẻ các mặt hàng không phải thực phẩm cũng sụt giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.