TIN LIÊN QUAN | |
Người Việt ngày càng chịu chi khi đi du lịch nước ngoài | |
Những tín hiệu vui cho ngành du lịch |
Đó là nhận định của các nhà quản lý, các diễn giả tại phiên khai mạc Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 với chủ đề "Sự cần thiết cơ cấu lại ngành và phát triển du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng bền vững", ngày 5/12, tại Hà Nội.
Xây dựng đề án tái cơ cấu ngành
Trong những năm qua, du lịch trong phạm vi toàn cầu tăng trưởng liên tục, trở thành ngành kinh tế hàng đầu, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tổ chức Du lịch Thế giới dự kiến, đến năm 2020 có 7,8 tỷ du khách trên toàn cầu, trong đó, châu Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
Ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: QD) |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, Việt Nam có nhiều tiềm năng du lịch. Đây là ngành góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, nhất là từ sau năm 1986. Từ năm 1990 đến 2017, ngành Du lịch nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu. Năm 1990, Việt Nam đón 250.000 khách quốc tế, năm 2017 đón trên 13 triệu khách quốc tế, 73 triệu khách nội địa. Từ 1990 đến 2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, nội địa 72 lần.
Tuy nhiên, theo báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia toàn cầu, Việt Nam xếp 67/136 nền kinh tế, đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á. Một số hạn chế mà du lịch Việt Nam gặp phải là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, cần tái cơ cấu du lịch là cần thiết để nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá.
Thứ trưởng Lê Quang Tùng cũng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch thực hiện một số đề án phát triển du lịch, trong đó xây dựng đề án cơ cấu lại ngành du lịch đến năm 2025 là nhiệm vụ đầu tiên phải làm.
"Sáng nay, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua đề án cơ cấu lại ngành du lịch. Đây là đề án được tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp với nội dung chính là tập trung cơ cấu lại thị trường, phát triển nguồn nhân lực..." - ông Lê Quang Tùng nhấn mạnh.
Cũng tại diễn đàn, ông Trần Trọng Kiên - Thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế Tư nhân nhận định, 10 năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng, nhất là 3 năm gần đây, lượng khách du lịch đến nước ta đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên du lịch vẫn còn vướng phải nhiều khó khăn như năng suất lao động ngành thấp, tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc gia chưa cao. Đó là những thách thức lớn trong việc tái cơ cấu và phát triển ngành một cách bền vững.
Thấu hiểu hành vi khách hàng trong thời đại số
Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, bà Tuyết Vũ - Đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG) tin rằng, đối với ngành Du lịch, trong tương lai gần, chúng ta cần hiểu nhu cầu tiêu dùng của người dân. Việt Nam đến nay đã thấy sự tăng trưởng ấn tượng trong ngành Du lịch và đạt nhiều thành tựu tự hào. Đơn cử, tốc độ tăng trưởng lượt khách quốc tế hàng năm là 30% trong 3 năm qua - con số rất nhiều quốc gia mong muốn; xếp thứ 6 trong top 10 điểm đến phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới trong năm 2017. Việt Nam đồng thời thu hút 15 tỷ USD dòng vốn FDI đầu tư vào du lịch tại thời điểm cuối năm 2017, tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho trên 2 triệu người...
Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam thu hút đông đảo đại biểu tham gia. (Ảnh: QD) |
"Có thể nói, Việt Nam đã rất thành công, ít nhất trong thập kỷ vừa qua. Mặt khác, ngành Du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển mà quốc gia này vẫn chưa khai thác hết. Vì thế chúng tôi nhờ đến nhiều đối tác công nghệ lớn để tìm hiểu những tìm kiếm về Việt Nam và thấy có sự tăng trưởng lớn nhưng vẫn có một khoảng trống thiếu hụt cần khoả lấp", bà Tuyết Vũ nhận định.
Trong hành trình thấu hiểu khách hàng, bà Tuyết Vũ cho biết đã cố tìm hiểu xem đâu là xu hướng chính nổi bật hiện nay của người du lịch cũng như trong tương lai.
Từ nghiên cứu của mình, bà Tuyết Vũ chỉ ra 3 xu hướng. Thứ nhất là số hoá: Sự phổ biến của số hoá trong toàn chuỗi điểm: điểm đến tiếp theo là gì, điểm đặt vé khách sạn, việc khách quay lại và chia sẻ trải nghiệm. Thứ hai là họ chi tiền thế nào, chi nhiều cho chuyến bay, cho khách sạn hay cái khác. Thứ ba là trải nghiệm họ tìm kiếm: Du khách muốn trải nghiệm nhiều hơn văn hoá địa phương, điểm đến mới...
"Khách du lịch hiện tại sử dụng công nghệ kỹ thuật số rất nhiều. Trước khi đi du lịch, du khách lên Google để tìm kiếm thông tin qua các nền tảng. Sau đó, sử dụng di động để đặt vé máy bay, khách sạn, kết nối với bạn bè qua mạng xã hội... Theo đó, cách du lịch của người dân đã thay đổi. 58% sử dụng tìm kiếm qua giọng nói để tìm hiểu về chuyến đi, 81% đọc bình luận, các bài viết quảng bá trước khi quyết định du lịch hay không...
Với việc này, thị trường du lịch trực tuyến trên toàn cầu cũng như khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng, tác động rất nhiều. Trong 10 quốc gia du lịch đến Việt Nam, nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn khách du lịch sử dụng di động để trải nghiệm hành trình.
Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng
Cũng đưa ra “lời giải” cho bài toàn phát triển ngành Du lịch Việt Nam, ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Điều hành Grant Thornton Việt Nam cho rằng, du lịch Việt Nam cần lựa chọn đúng phân khúc, đa dạng hóa thị trường, tập trung vào chất lượng kết hợp bảo vệ môi trường.
Ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Điều hành Grant Thornton Việt Nam phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: QD) |
Thái Lan mất hơn 20 năm để tăng trưởng đạt 30 triệu lượt khách như hiện tại. Do đó, Chủ tịch điều hành Grant Thornton Việt Nam nhận định việc Việt Nam tăng trưởng từ 12,6 triệu lượt năm 2017 lên 16 triệu lượt năm 2018 là tín hiệu khả quan.
"Nếu có sự phối hợp tốt để đầu tư vào hạ tầng du lịch, Việt Nam có khả năng tăng nhiều hơn và có thể chỉ mất 7 năm để đạt lượng khách như Thái Lan hiện tại", ông dự báo.
Tuy vậy, ông nêu một số bất cập khi nói về tính bền vững trong du lịch, như vịnh Hạ Long bị ô nhiễm từ các cửa xả và tàu thuyền hay Sapa gặp một số vấn đề về xây dựng ảnh hưởng đến cảnh quan.
Cũng tại diễn đàn, các diễn giả nhấn mạnh, bên cạnh đầu tư hạ tầng, Việt Nam cần tập trung giải quyết một số vấn đề, đó là chọn đúng phân khúc, đa dạng hóa thị trường (nguồn khách); xây dựng cụm, tổ hợp, hướng tới tương lai (chân thực hơn, số hóa hơn); tập trung vào chất lượng chứ không chỉ tập trung vào số lượng; tận dụng cơ hội từ những nền kinh tế mới, kênh phân phối mới; bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa việc phá vỡ cảnh quan.
Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 (Travel & Tourism Submmit 2018) do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng) phối hợp cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), Báo VnExpress và Hiệp hội Du lịch tổ chức, diễn ra vào ngày 5 và 6/12, tại Hà Nội. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ViEF do Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo. Có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với gần 1.500 khách, diễn đàn về du lịch được tổ chức dưới sự chỉ đạo và tham dự của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và các Bộ, ngành liên quan. Sự kiện còn có sự góp mặt của các CEO tập đoàn lớn trên thế giới, chuyên gia trong nước và quốc tế trong ngành du lịch và gần 1.000 doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan. Diễn đàn có 8 bài tham luận, báo cáo từ chuyên gia, lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn trong ngành du lịch như ông Tony Fernandes - Tổng giám đốc AirAsia; bà Sunita Rajan - Phó Chủ tịch Cấp cao, phụ trách quảng cáo, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Kênh CNN Quốc tế; ông John Lindquist - Chuyên gia du lịch toàn cầu và cố vấn cấp cao của BCG; ông Olivier Muehlstein - Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành BCG Singapore; ông Brent Hill - Giám đốc Marketing, Ủy ban Du lịch Nam Úc và nhiều diễn giả khác. Diễn đàn bao gồm 2 phiên thảo luận. Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Sự cần thiết cơ cấu lại ngành và phát triển Du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng, bền vững” (ngày 5/12). Phiên cấp cao với chủ đề “Phát triển Du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững - tầm nhìn 2030” sẽ diễn ra từ sáng ngày 6/12. Mục tiêu của Diễn đàn là tìm ra các giải pháp giải quyết các vấn đề cốt lõi của ngành du lịch như phát triển hạ tầng và những sản phẩm du lịch thu hút. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Nâng cao năng lực quản lý điểm đến, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về du lịch so với các nước trong khu vực, quảng bá du lịch quốc gia, cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch trong nước, ứng dụng công nghệ để quản lý du lịch và dịch vụ du lịch, quản lý môi trường… |
Bất động sản du lịch biển: Tiềm năng đan xen thách thức Làm sao để quản trị hoạt động đầu tư phù hợp các quy hoạch phát triển chung, từ đó kinh doanh có hiệu quả, phát triển ... |
Lần đầu tiên vinh danh nghệ nhân ẩm thực ngành du lịch Việt 27 cá nhân và 111 tập thể doanh nghiệp du lịch tiêu biểu, đạt thành tích xuất sắc đã được vinh danh trong khuôn khổ ... |
Cơ hội cho các startup ngành du lịch, khách sạn, lữ hành Dự án Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI) và Destination Mekong vừa bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký ... |