Đồng Ruble đã tăng giá mạnh mẽ và trở thành tiền tệ hoạt động tốt nhất thế giới trong tháng 3/2022. (Nguồn: Reuters) |
Số liệu của cơ quan thống kê Rosstat cho thấy, tháng 4/2022, lạm phát của Nga đã đạt mức cao nhất trong hai thập kỷ là 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng từ mức 16,7% trong tháng 3/2022.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng chậm lại từ mức 7,6% trong tháng 3/2022 xuống 1,6% trong tháng 4/2022 và giá hàng hóa phi thực phẩm chỉ tăng 0,5% so với mức 11,3% trong tháng 3/2022. Số liệu này cho thấy, đà tăng giá đang bắt đầu có dấu hiệu chậm lại.
Thị trường cũng đang ủng hộ Ngân hàng trung ương Nga (CBR) tiếp tục cắt giảm lãi suất, có thể với mức 200 điểm cơ bản vào tháng 6/2022.
Cuối tháng 2/2022, vài ngày sau chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine, CBR thực hiện một đợt tăng lãi suất khẩn cấp khiến lãi suất chủ chốt của nước này từ 9,5% lên 20% vào cuối tháng 2/2022, trong nỗ lực giải cứu đồng Ruble.
Đến tháng 4/2022, Ngân hàng này đã hạ 300 điểm lãi suất chủ chốt, xuống còn 17 điểm phần trăm. Công ty nghiên cứu vĩ mô Capital Economics nhận định, thời gian tới sẽ có những thay đổi trong lãi suất.
Nhà kinh tế học Liam Peach dự đoán: “Tín hiệu đà tăng giá chậm lại sẽ củng cố thêm cho đánh giá của CBR rằng, giai đoạn ‘cấp tính’ của cuộc khủng hoảng tài chính ở Nga đã qua. Tháng 5/2022, có thể chỉ số giá tiêu dùng tăng ít hơn 1% so với tháng trước và lạm phát sẽ ở mức dưới 20% vào cuối năm nay”.
Khả năng phục hồi nhờ đồng Ruble
Sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và phương Tây ồ ạt giáng “cơn mưa” trừng phạt đến Nga và đã khiến đồng Ruble rơi tự do. Thậm chí, đến ngày 7/3, Ruble đạt mốc thấp kỷ lục, gần 140 Ruble/USD, giảm gần một nửa giá trị so với hồi đầu tháng 2/2022.
Tuy nhiên, đồng Ruble đã tăng giá mạnh mẽ và trở thành tiền tệ hoạt động tốt nhất thế giới trong tháng 3/2022 khi CBR cắt giảm lãi suất. Đến ngày 17/5, đồng Ruble được giao dịch ở mức hơn 62 Ruble/USD.
CBR đã “mạnh tay” kiểm soát vốn để ngăn chặn xu hướng mất giá của đồng Ruble. Ngân hàng này có kế hoạch giải phóng hàng trăm tỷ Ruble trong dự trữ của các ngân hàng địa phương, giới hạn số lượng ngoại tệ mà người dân nước này có thể rút từ tài khoản ngân hàng ở mức 10.000 USD/tháng đến cuối năm 2022.
Điện Kremlin cũng ban hành sắc lệnh cấm các nhà môi giới Nga bán chứng khoán do người nước ngoài sở hữu. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phiếu công ty và trái phiếu chính phủ Nga. Bằng cách cấm những giao dịch này, chính phủ Nga muốn củng cố thị trường cổ phiếu và trái phiếu, đồng thời giữ tiền ở trong nước, nhằm nâng đỡ đồng Ruble.
Ngoài ra, chính phủ Nga cũng hướng tới kiểm soát hành vi chuyển tiền ra nước ngoài của các công dân Nga, giúp giữ ngoại tệ ở trong nước và không khuyến khích người Nga bán đồng Ruble lấy USD hay Euro, làm giảm đáng kể áp lực lên đồng nội tệ.
Nga cũng đã thực hiện một biện pháp khác để củng cố đồng tiền của mình. CBR tiếp tục mua vàng trên thị trường kim loại trong nước sau hai năm vắng bóng, với hy vọng tích trữ giá trị để bảo vệ sự giàu có của Nga trước lạm phát trong trường hợp thanh khoản trên thị trường ngoại hối có thêm cú sốc.
Theo chuyên gia Alexander Bakhtin tại tổ chức tài chính BCS Global Markets, nhu cầu du lịch quốc tế từ Nga bị giảm mạnh nên nhu cầu sử dụng ngoại tệ cũng giảm theo. Người dân Nga ít đổi Ruble sang USD và Euro, dẫn đến việc đồng Ruble mạnh lên.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cũng đang cho thấy sự cải thiện nhất định. Tháng 4/2022, chỉ số PMI tăng lên 48,2 điểm so với mức 44,1 điểm của tháng 3/2022.
Nhà kinh tế Clemens Grafe của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs cho hay: “Nền kinh tế Nga tiếp tục phục hồi sau cú sốc ban đầu vào cuối tháng 2/2022 và đầu tháng 3/2022. Những lo ngại về sự ổn định tài chính đang mờ dần, đồng Ruble đã mạnh lên trở lại mức đầu năm 2020”.
Chiến thắng tạm thời
Dữ liệu kinh tế cải thiện đã khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, các quốc gia phương Tây đã thất bại trong nỗ lực gây bất ổn cho nền kinh tế Nga bằng các lệnh trừng phạt.
Ngày 18/4, Tổng thống Nga nói: "Tình hình đang ổn định, tỷ giá đồng Ruble đã quay trở lại mức như nửa đầu tháng 2 và được hỗ trợ bởi cán cân thanh toán mạnh mẽ… Những dòng ngoại tệ đang quay trở lại hệ thống ngân hàng của Nga và khối lượng tiền gửi của người dân ngày càng tăng.
Đối với thị trường tiêu dùng, sau khoảng thời gian ngắn đổ xô mua một số mặt hàng, nhu cầu bán lẻ đã trở lại bình thường. Dự trữ hàng hóa trong các chuỗi bán lẻ đang phục hồi".
Tổng thống Putin thừa nhận, người Nga cũng cảm nhận tác động của các lệnh trừng phạt đối với ngân sách gia đình của họ, vì giá cả trong một tháng rưỡi qua tăng và lạm phát hàng năm cũng tăng lên. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho rằng, giá cả đang có dấu hiệu ổn định và ông cam kết sẽ đưa ra các biện pháp tiếp theo để hỗ trợ người dân.
Tuy nhiên, CNBC nhận định, trong khi Nga dường như đã chống đỡ được sự sụp đổ kinh tế sắp xảy ra, thì triển vọng dài hạn lại kém lạc quan hơn, do tác động trực tiếp từ các biện pháp ngăn chặn sự suy giảm của đồng Ruble và mối đe dọa từ các biện pháp trừng phạt tiếp theo vẫn còn.
Một cuộc khảo sát của CBR với hơn 13.000 doanh nghiệp gần đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn khi nhập khẩu hàng hóa vào nước này.
Cuộc khảo sát cho biết, phụ tùng xe hơi, bao bì và vi mạch và tình trạng thiếu nguyên liệu thô đang buộc một số công ty phải tạm dừng hoạt động của nhà máy hoặc tìm kiếm nguồn lực ở những quốc gia khác.
Trong khi đó, Phó kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) tại Washington Elina Ribakova nhận định, các chỉ số kinh tế “bề ngoài” sẽ không có ý nghĩa gì đối với thực tế khi tại Nga, vấn đề an ninh việc làm vẫn còn mơ hồ đối với nhiều người dân.
Bà nói với Grid News trong một cuộc phỏng vấn riêng trong tuần này: “Trong năm nay, nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng khi các công ty dần cạn kiệt các thiết bị phục vụ sản xuất và bắt đầu sa thải nhân viên hoặc cho họ nghỉ việc không lương”.