📞

Giải Gấu Vàng 2020 – chiến thắng mạo hiểm của nhà làm phim Iran

13:53 | 02/03/2020
TGVN. Với một nền điện ảnh gặt hái hàng nghìn giải thưởng quốc tế, thì việc bộ phim của Iran There Is No Evil giành giải Gấu Vàng tại Liên hoan Phim quốc tế Berlin năm nay cũng không phải là điều gì quá ngạc nhiên với nhiều người.
Đoàn làm phim There Is No Evil nhận giải Gấu Vàng ngày 29/2 mà không có sự hiện diện của đạo diễn Mohammad Rasoulof (Nguồn: EPA)

Tuy nhiên, điều đặc biệt là There Is No Evil (tạm dịch Không có quỷ dữ) được vinh danh khi đạo diễn Mohammad Rasoulof vẫn đang chịu thi hành án từ tháng 7/2019 tại Iran và ông không thể có mặt tại Lễ trao giải vào ngày 29/2 vừa qua.

Không phải chưa có tiền lệ

Nổi tiếng với một nền điện ảnh khắc nghiệt nhưng các nhà làm phim Iran luôn có cách để đối diện với những thách thức và hiểm nguy. Còn nhớ vào năm 2006, bộ phim Offside kể về một nhóm phụ nữ muốn xem thể thao đã giành giải Gấu Bạc Liên hoan Phim quốc tế Berlin, nhưng đạo diễn Jafar Panahi đã bị chính quyền kết án 6 năm tù giam và 20 năm không được quay phim hay sáng tác.

Hay như, nữ diễn viên nổi tiếng Leila Hatami tham gia phim A Seperation (Giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất 2012) đã từng bị chính quyền và dư luận bảo thủ tại quê hương cô yêu cầu truy tố với hình phạt quật 50 roi và bỏ tù chỉ vì tội… hôn má xã giao với ông Gilles Jacob - Chủ tịch Liên hoan phim Cannes năm 2014.

Và tại buổi lễ trao giải Gấu vàng trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Berlin lần thứ 70 tại thủ đô của Đức tối ngày 29/2, khi xướng tên tác phẩm There Is No Evil giành giải Phim xuất sắc nhất, thay vì đạo diễn xuất hiện thì ê-kíp làm phim đã tiến lên sân khấu cùng nâng tượng vàng danh giá.

Lý do là Iran đã cấm đạo diễn Mohammad Rasoulof làm phim, không cho ông rời khỏi đất nước để sang nước khác tham gia các lễ trao giải phim ảnh. Đồng thời, ông bị cấm thêm hai năm không cho tham gia các hoạt động xã hội vì tác phẩm điện ảnh trong quá khứ.

Cũng trong ngày 29/2, tạp chí Variety đã cho đăng tải bức thư hỏa tốc gây xúc động của Mohammad Rasoulof gửi đến Liên hoan phim Berlin khi bộ phim của ông được chiếu ra mắt: "Tôi rất lấy làm tiếc là không có mặt ở Berlin để cùng khán giả xem tác phẩm do tôi đạo diễn. Tuy nhiên, việc chọn để được có mặt ở buổi lễ hay không có mặt không thuộc quyết định của tôi".

Một cảnh trong phim There Is No Evil. (Nguồn: Indie Wire)
Nhà làm phim tài liệu Maziar Bahari từng nói với The Guardian rằng, kiểm duyệt là một tác hại lớn đối với các nghệ sĩ của Iran. Thế nhưng, cũng không hẳn vậy, bởi trong sự khắc nghiệt ấy, Iran lại tạo ra một thế hệ những người làm phim với đam mê lớn và luôn tìm mọi cách để vượt qua thử thách.

Vượt qua rào cản và cái giá phải trả

There Is No Evil nổi bật với 4 câu chuyện về những người đàn ông được giao nhiệm vụ xử tử. Họ vật lộn đấu tranh với các lựa chọn và chứng kiến ​​tác động đối với những người gần gũi nhất của mình. Một số chấp nhận điều đó, một số lại từ chối, nhưng tất cả đều bị mắc kẹt trong một tình huống khó khăn với cùng câu hỏi bao trùm: “Làm theo mệnh lệnh hay chạy trốn? Chống lại và tuân theo ý muốn?”...

Đạo diễn Mohammad Rasoulof đã bị Chính phủ Iran tịch thu hộ chiếu vào năm 2017 sau khi trở về Iran từ Liên hoan phim Cannes. "Mọi người hỏi tôi, tại sao lại quay trở lại. Nhưng đó là điều hiển nhiên đối với tôi. Đây là nhà của tôi. Không bao giờ có bất kỳ câu hỏi về việc tôi rời khỏi đất nước của tôi vĩnh viễn”, Mohammad Rasoulof tâm sự.

Để thực hiện There Is No Evil bất chấp lệnh cấm của chính phủ, ông Rasoulof đã nhờ bạn bè nộp đơn xin giấy phép thay cho ông. Bởi vậy, tên ông đã không xuất hiện bất cứ nơi nào trên giấy tờ và Mohammad Rasoulof đã dựng phim thành bốn phim ngắn, mỗi phim có đạo diễn riêng, đơn vị sản xuất riêng, giống như bốn phim riêng biệt. Chính phủ Iran không chú ý nhiều đến các phim ngắn nên bộ phim này đã vượt qua các cửa ải để sản xuất.

Đối với những cảnh quay ở những nơi công cộng như sân bay Tehran, Rasoulof ở nhà và gửi cho trợ lý đạo diễn một danh sách đã được phê duyệt trước. "Chỉ trong những cảnh ngoài thành phố, nơi có thể cảm thấy tự do hơn, tôi mới có thể có mặt trên phim trường và làm việc trực tiếp với các diễn viên", ông kể.

Đạo diễn Mohammad Rasoulof. (Nguồn: Getty Image)

Thực tế, There Is No Evil là các câu chuyện liên quan trực tiếp đến vấn đề tử hình Iran và Mohammad Rasoulof nói rằng đây là một sự phê phán trực tiếp chính phủ nhiều hơn những gì ông dám làm trong các bộ phim của mình trong quá khứ. Phần lớn tác phẩm của ông trước đó thường mô tả các cuộc đấu tranh chính trị của người Iran thông thường qua phương thức ngụ ngôn điển hình trong điện ảnh Iran.

"Phong cách ngụ ngôn này có nguồn gốc từ văn hóa của chúng tôi, xuất hiện từ nhiều thế kỷ, trong thơ ca, nghệ thuật có xu hướng không thể hiện trực tiếp. Nhưng tôi muốn phá vỡ điều đó, bởi vì tôi nghĩ thẩm mỹ ngụ ngôn này đã trở thành một hình thức phục tùng, một cách chấp nhận sự áp bức của chế độ”, ông nói.

Mohammad Rasoulof hiểu rằng bộ phim mới của ông dù được vinh danh ở Berlin, nhưng cũng có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn với ông. Giống như một "cái giá phải trả" nhưng ông đã quyết định làm bất kể hậu quả ra sao.

Dù vậy, vị đạo diễn 48 tuổi vẫn tin rằng nhiều người ở Iran đồng cảm với ý kiến ​​của ông về chế độ và dường như đang "có một sự tức giận phổ biến trong người dân Iran mà ngay cả chính phủ cũng không thể bỏ qua".

(theo Indie Wire, Hollywood Reporter)