📞

Giải mã cơn sốt 'đào' Pi

Linh Chi 10:52 | 25/02/2021
TGVN. Với ưu điểm có thể khai thác trên điện thoại thông minh, thông qua ứng dụng miễn phí Pi Network, tiền điện tử Pi đang tạo nên cơn sốt đối với cộng đồng "đào" tiền điện tử khắp thế giới.
Giao diện của ứng dụng Pi Network. (Ảnh: Lưu Quý)

Dự án Pi Network khởi động từ ngày 14/3/2019. Nhóm phát triển Pi bao gồm tiến sĩ Nicolas Kokkalis, đang nghiên cứu về Blockchain tại Đại học Stanford, chịu trách nhiệm kỹ thuật; TS. Chengdiao Fan - chịu trách nhiệm sản phẩm và Vincent McPhillip, quản lý cộng đồng Pi Network.

Theo giới thiệu trên trang minepi.com, Pi Network được tạo ra với mục đích lấy con người làm trung tâm, đặt sức mạnh của tiền điện tử vào tay người dùng, khác với tiền điện tử hàng đầu thế giới Bitcoin - vốn khó sử dụng và khó truy cập.

Pi là gì?

Pi là một loại tiền điện tử mới, người dùng có thể hàng ngày khai thác từ điện thoại của mình. Pi được duy trì và bảo mật bởi một cộng đồng, thay vì bởi các chính phủ hoặc ngân hàng.

Ứng dụng yêu cầu một số quyền truy cập cá nhân như truy cập danh bạ, nhận dữ liệu từ Internet... Để sử dụng, người dùng cần đăng ký tài khoản bằng số điện thoại hoặc Facebook cá nhân chính chủ, đồng thời có mã giới thiệu của người dùng trước.

Theo trang minepi.com, Pi là tiền điện tử đầu tiên và duy nhất cung cấp cơ hội khai thác trên điện thoại thông minh. Khác với việc "đào" Electroneum (ETN), thường tiêu tốn tài nguyên thiết bị của người dùng để giải mã thuật toán, nhưng việc "đào" Pi không ảnh hưởng đến hiệu suất điện thoại, ảnh hưởng đến pin hay dữ liệu mạng.

Người dùng cũng có thể tắt ứng dụng hay tắt mạng mà vẫn "đào" được Pi. Do đó, người đứng sau dự án Pi Network đã mạnh dạn tuyên bố rằng, tiền điện tử của họ có mục đích vượt xa Bitcoin.

"Đào" Pi thế nào?

Việc khai thác Pi không yêu cầu công sức hay chi phí. Người dùng chỉ cần trong 24h vào ứng dụng một lần để "điểm danh".

Ngay khi đăng ký thành công, mỗi tài khoản sẽ được khuyến mại 1 đồng Pi. Số đồng Pi sẽ tăng theo thời gian. Tốc độ tăng mặc định ở giai đoạn đầu là 0,1 Pi/giờ; sau đó sẽ tăng thêm mỗi khi người dùng mời thêm người khác cùng tham gia.

Người dùng có thể gia tăng tỷ lệ nhận Pi bằng cách mời thêm bạn bè tham gia cộng đồng và tăng thu nhập bằng cách xây dựng vòng tròn bảo mật. Vòng tròn bảo mật là nhóm gồm 3-5 người đáng tin cậy cùng tham gia "đào" Pi, giúp ngăn chặn các hành vi gian lận trên ứng dụng.

Giá trị hiện tại của Pi

Hiện tại, Pi có giá trị khoảng 0 USD/Euro... tương tự như Bitcoin vào năm 2008.

Dự án Pi Network bao gồm 3 giai đoạn: Beta, Testnet (mạng thử nghiệm) và Mainnet (mạng chính thức). Dự án này hiện ở giai đoạn Testnet, bắt đầu từ tháng 3/2020, do đó đồng tiền này chưa thể đổi ra tiền, người đào cũng chưa thể rút Pi.

Người dùng cũng chưa thể giao dịch, mua bán, trao đổi hàng hóa bằng tiền điện tử này.

Vì sao Pi gây "sốt"?

Năm 2008, giá trị của Bitcoin cũng giống như Pi thời điểm hiện tại. Khi đó, nhiều người vẫn chưa thực sự tin tưởng giá trị của đồng tiền điện tử giá trị nhất thế giới hiện nay. Sau 13 năm, Bitcoin đã có giá trị tới hơn 50.000 USD/đồng.

Bên cạnh đó, việc "đào" Pi cũng có nhiều lợi thế đáng kể hơn so với "đào" Bitcoin. Ứng dụng Pi Network hoàn toàn miễn phí và việc khai thác đồng Pi có thể dễ dàng thực hiện trên điện thoại.

Sau sự thành công của Bitcoin, với tâm lý sợ nhỡ cơ hội (FOMO), cộng đồng "đào" tiền ảo lại quan tâm đến Pi, với hy vọng tiền điện tử này có thể trở thành "Bitcoin thứ hai".

Chuyên gia nói gì về Pi?

Trên trang The Coins Post, chuyên gia M. Ali đánh giá, Pi Network giống một mô hình lừa đảo đa cấp.

Vị chuyên gia này cho biết, người dùng không thể tự vào mạng lưới khai thác Pi, mà phải thông qua mã giới thiệu. Đây là biểu hiện của một mô hình kinh doanh theo kiểu kim tự tháp, thu hút mọi người bằng lời hứa về lợi nhuận nếu tuyển được thêm thành viên.

Chuyên gia M. Ali cũng nghi ngờ khi Pi Network không mở mã nguồn, đồng thời ứng dụng nhận hàng trăm nghìn đánh giá, nhưng phần nhiều là đánh giá "ảo".

"Lời khẳng định 'ứng dụng đào tiền điện tử đầu tiên trên điện thoại thông minh' cũng không chính xác, khi trước đó có uPlexa và Electroneum khai thác trên điện thoại thông minh rồi", chuyên gia M. Ali cảnh báo.

Cem Dilmegani, nhà sáng lập Al Multiple, cựu cố vấn công nghệ của những công ty tư vấn quả lý McKinsey cũng nhận xét rằng, ứng dụng Pi Network hoạt động chẳng khác nào "một hệ thống tiếp thị đa cấp, hứa hẹn phần thưởng tương lai khi thành viên bỏ thời gian và công sức để thu hút người dùng mới".

Còn theo chuyên gia toán học và công nghệ thông tin TS. Nguyễn Lê Anh, Pi chỉ là một chiếc đồng hồ chạy giờ, nó tạo ra cảm giác là dùng điện thoại đào tiền.

"Hệ thống lừa đảo sẽ cho ra sàn giao dịch Pi mà giá tăng lên hàng ngày và các bạn sẽ được khuyến cáo là trả thêm một ít tiền Việt thì sẽ mua được rất nhiều tiền Pi. Khi ấy, các bạn sẽ bị rút tiền, bởi các bạn đã cung cấp cho kẻ lừa đảo đầy đủ các thông tin cần thiết để lấy hết tiền của các bạn.

Hệ thống lừa đảo này, chưa lừa các bạn ngay đâu, sẽ nuôi các bạn một thời gian và sẽ tính toán rất chính xác thời điểm lừa tất cả các bạn", TS. Nguyễn Lê Anh nhấn mạnh.

Sáng 23/2, Pi Network lọt top 10 ứng dụng được tải nhiều nhất trên hệ điều hành iOS tại Việt Nam. Nhiều hội nhóm của những người quan tâm đến đồng tiền Pi tại Việt Nam cũng sở hữu thành viên "khủng".

Trang fanpage của Pi Network cũng vừa công bố đạt 13 triệu người dùng trên toàn thế giới.

(theo The Coin Post, The Money Mountain)