Lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người sống sót sau trận động đất ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6/2. (Nguồn: Reuters) |
Một trận động đất với cường độ siêu mạnh 7,8 độ richter đã tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria vào sáng sớm ngày thứ Hai (6/2), phá hủy hàng ngàn tòa nhà, các khu dân cư, nhiều viện, khiến hàng ngàn người thương vong và mất nhà cửa.
Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết, tổng số người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên 3.419 người, 20.534 người khác bị thương. Nếu tính cả con số 1.602 người được xác nhận thiệt mạng ở khu vực biên giới Syria, con số tử vong tính đến thời điểm hiện tại đã lên tới hơn 5.000 người.
Trận động đất xảy ra ở độ sâu 18km (11 dặm) và có tâm chấn nằm ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới phía Bắc của Syria, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ. Alex Hatem, một nhà nghiên cứu địa chất của USGS, cho biết trong 11 giờ đầu tiên, khu vực này đã hứng chịu 13 dư chấn đáng kể với cường độ ít nhất là 5 độ richter.
Chín giờ sau trận động đất chính, một trận động đất mạnh khác với cường độ 7,5 độ richter tiếp tục tấn công Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù các nhà khoa học đang nghiên cứu xem đó có phải là một dư chấn hay không, nhưng họ nhất trí rằng hai trận động đất có liên quan với nhau.
“Chắc chắn sẽ có thêm nhiều dư chấn, với sức công phá của trận động đất đầu tiên như vậy. Dư chấn có thể sẽ tiếp tục trong vài ngày, vài tuần, thậm chí tháng tới", ông Hatem dự báo.
Đây là kiểu động đất gì?
Các nhà khoa học cho rằng, trận động đất lần này là dạng đứt gãy trượt ngang, tức là hai mảng kiến tạo sẽ trượt qua nhau theo chiều ngang. Eric Sandvol, nhà địa chấn học tại Đại học Missouri (Mỹ) lưu ý, "Trái đất của chúng ta vốn được chia thành nhiều mảnh khác nhau, giống như một trò chơi ghép hình.
Những mảnh ghép này thường gặp nhau ở các đường đứt gãy, nơi các mảng kiến tạo cọ sát vào nhau một cách từ từ. Nhưng một khi đủ sức căng, hai mảng kiến tạo có thể cọ sát với tốc độ nhanh hơn, giải phóng một năng lượng vô cùng lớn. Với trường hợp vụ động đất của Thổ Nhĩ Kỳ, một mảng di chuyển về phía Tây trong khi mảng kia di chuyển về phía Đông, tốc độ giật mạnh qua nhau gây nên những cơn địa chấn", Hatem nói.
Vì sao trận động đất lại tàn khốc như vậy?
"Trận động đất lần này được đánh giá là có cường độ rất mạnh, điều này là hiếm gặp vì thường các trận động đất có cường độ như vậy hay xảy ra dưới lòng biển", chuyên gia địa chấn học thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh cho biết.
Đáng chú ý, trận động đất lại xảy ra ngay ở khu vực đông dân cư nên tỷ lệ thương vong không ngừng tăng lên, tâm chấn nằm ngay gần Gaziantep, một thành phố lớn và các tỉnh lỵ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Kishor Jaiswal, kỹ sư kết cấu của USGS, các khu vực bị ảnh hưởng cũng là nơi có các tòa nhà dễ bị tổn thương. Trong khi các tòa nhà mới ở các thành phố như Istanbul được thiết kế theo tiêu chuẩn động đất hiện đại thì khu vực phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn nhiều tòa nhà cao tầng cũ hơn. Ngoài ra, tốc độ xây dựng nhanh chóng cộng thêm với với nhiều năm trải qua chiến tranh cũng có thể khiến các công trình dễ bị tổn thương.
Một phụ nữ khóc ngất bên người thân giữa đống đổ nát sau động đất tại Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Reuters) |
Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, hàng ngàn tòa nhà đã hoàn toàn sụp đổ sau trận động đất. Kỹ sư Jaiswal cho biết, rất vụ sập kiểu “bánh crepe”, khi các tầng trên của một tòa nhà rơi thẳng xuống các tầng dưới – một dấu hiệu cho thấy các tòa nhà không thể hấp thụ rung lắc. Các nỗ lực cứu hộ bị cản trở bởi nhiệt độ quá lạnh và tắc nghẽn giao thông do người dân cố gắng rời khỏi các khu vực bị động đất.
Ilan Kelman, chuyên gia về thảm họa và sức khỏe tại Đại học College London (Anh) bình luận: “Trận động đất đã cho thấy mức độ tàn phá và hủy diệt khủng khiếp khi tấn công vào khu vực có các tòa nhà không được che chắn".
Động đất có phổ biến ở khu vực này?
Trận động đất xảy ra ở khu vực hoạt động địa chấn được gọi là hệ thống đứt gãy Đông Anatolia, nơi đã từng gây ra các trận động đất có thiệt hại nặng nề trong quá khứ.
“Gần như toàn bộ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ đang nằm trong khu vực của các hoạt động địa chấn. Đây không phải là hiện tượng mới", ông Sandvol nói.
Thổ Nhĩ Kỳ từng hứng chịu một trận động đất lớn khác vào tháng 1/2020 với cường độ 6,7 độ richter gây thiệt hại đáng kể ở khu vực phía Đông của đất nước. Năm 1999, một trận động đất mạnh 7,4 độ richter xảy ra gần Istanbul và giết chết khoảng 18.000 người.