📞

Giải mã sức mạnh của Ấn Độ - 'ngôi sao sáng' trên bầu trời kinh tế thế giới

Hoàng Châu 13:25 | 19/09/2023
Bài viết của tác giả Federico Rampini đăng trên mạng Corriere della Sera (Italy) mới đây phân tích bối cảnh địa chính trị thuận lợi cho phép Ấn Độ tập trung thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và gia tăng lợi thế quốc tế, nhất là trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc hiện nay.

Theo tác giả, với việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa qua, Ấn Độ đã chứng minh rằng nước này có thể kết hợp chủ nghĩa dân tộc với một sứ mệnh toàn cầu mới.

Với việc đăng cai thành công G20 vừa qua, Ấn Độ đã chứng minh rằng nước này có thể kết hợp chủ nghĩa dân tộc với một sứ mệnh toàn cầu mới. (Nguồn: Reuters)

Phát triển bùng nổ trong sự cạnh tranh với Trung Quốc

Ấn Độ được cho là quốc gia duy nhất có tầm vóc và vị thế quan trọng mà trong một giai đoạn được đánh dấu bởi nhiều căng thẳng địa chính trị vẫn tìm cách thu được lợi ích tối đa: thông qua việc mua dầu khí với giá thấp nhất từ Nga và thu hút các nhà đầu tư phương Tây.

Khả năng xuất sắc về duy trì trạng thái cân bằng đã giúp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trở thành "ngôi sao sáng" trong thời điểm hiện tại. Ông Modi vừa được Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá cao, đồng thời nhận được những lời mời chào nồng nhiệt từ ông chủ Nhà Trắng Joe Biden, trong khi Nam bán cầu cũng dành cho ông sự tôn trọng với tư cách là nhà lãnh đạo của các nước mới nổi.

Trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, Ấn Độ và Trung Quốc là hai thành viên quan trọng nhất. Trong năm 2023, với tỷ lệ 7%, Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Trung Quốc về tăng trưởng GDP. Nhiều doanh nghiệp phương Tây đang chuyển ít nhất một phần đầu tư sang quốc gia Nam Á này để tự bảo vệ mình trước những rủi ro địa chính trị.

Ông Modi là nhân vật đặc biệt trong nhóm BRICS về khả năng giữ thế cân bằng giữa hai khối: vừa không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, đồng thời vẫn tăng cường được quan hệ với Mỹ. Trong suốt 20 năm nay, khả năng Ấn Độ vượt qua Trung Quốc nhiều lần được nói tới.

Về mặt nhân khẩu học, điều này đã trở thành hiện thực trong một vài tháng trước. Tuy nhiên, về mặt kinh tế, sự trì trệ của Ấn Độ vẫn rất lớn bởi nhiều yếu tố, trong đó có hạ tầng không đồng bộ, sản xuất năng lượng chưa đủ đáp ứng.

Bù lại, Ấn Độ sở hữu những nguồn lực mà Trung Quốc không có là lực lượng lao động trẻ, tiếng Anh được sử dụng rộng rãi và đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị gần đây, New Delhi nhận được đánh giá thuận lợi từ phía các nhà đầu tư phương Tây.

Tham vọng trở thành một cường quốc công nghiệp

Kể từ khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đưa ra khẩu hiệu tái dịch chuyển đến các nước thân thiện, niềm hy vọng của New Delhi đã càng gần hơn với thực tế.

Giấc mơ của Ấn Độ trong việc cạnh tranh với Trung Quốc chưa lớn đến mức muốn thay thế quốc gia Đông Bắc Á về vai trò “công xưởng của thế giới”, điều dường như viển vông hoặc ít nhất là quá sớm vào thời điểm hiện nay. Một cách khiêm tốn hơn, đó là niềm hy vọng trở thành một cường quốc công nghiệp, nhất là về điện tử, có tầm ảnh hưởng đáng kể với tư cách là nhà xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới.

Đó là một kế hoạch được ông Modi rất mong muốn và tương tự con đường mà nhiều "con hổ" châu Á khác đã đi qua trước đó. Các số liệu cho thấy Ấn Độ đang làm được điều này. Trong 8 năm qua, sản lượng hàng điện tử của nước này đã tăng gần gấp 4 lần và đạt 105 tỷ USD.

Các nguồn đầu tư nước ngoài đóng vai trò động lực thúc đẩy trong chiến dịch “Make in India” của ông Modi. (Nguồn: Bloomberg)

Ngành công nghiệp điện tử là lĩnh vực mà Thủ tướng Modi đang tập trung thúc đẩy trong quá trình chuyển đổi từ đồng ruộng sang nhà máy. Trong một số dự báo được chính phủ Ấn Độ sử dụng, khoảng 60% lực lượng lao động rời khỏi lĩnh vực nông nghiệp sẽ được ngành công nghiệp điện tử tiếp nhận. Đó chính là sự tái lập những gì đã xảy ra, ở những thời điểm và quy mô khác nhau, tại nhiều quốc gia châu Á, từ Nhật Bản đến Hàn Quốc và từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đến chính Trung Quốc.

Các nguồn đầu tư nước ngoài đóng vai trò động lực thúc đẩy trong chiến dịch “Make in India” của ông Modi. Quốc gia đứng đầu về vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện tử của Ấn Độ là Singapore. Nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ hai là Mỹ. Trường hợp điển hình về đầu tư của Mỹ là Apple, tập đoàn đang gia tăng tỷ trọng sản xuất được thực hiện ở Ấn Độ.

Apple là trường hợp thú vị khi tập đoàn này huy động hàng loạt đối tác, từ Foxconn (Đài Loan) cho đến Tata, "gã khổng lồ" ở trong nước của Ấn Độ. Chính phủ của ông Modi ưu tiên thúc đẩy các liên doanh giữa công ty nước ngoài và đối tác địa phương, nhưng ngày càng cởi mở hơn với vai trò dẫn dắt của các công ty đa quốc gia nước ngoài, kể cả các doanh nghiệp Trung Quốc.

Ấn Độ đã trở thành một trong những chặng kết nối bắt buộc trong giai đoạn mới về đa dạng hóa, tái toàn cầu hóa và tái dịch chuyển đến các nước thân thiện. Đó là một sự thay đổi chịu nhiều ảnh hưởng bởi các tiêu chí địa chính trị, không chỉ là việc giảm thiểu nguy cơ xung đột giữa phương Tây và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Ấn Độ còn thể hiện sức hấp dẫn ngày càng tăng với một thị trường nội địa rộng lớn, yếu tố gợi nhớ đến Trung Quốc vào buổi bình minh của thời kỳ bùng nổ cách đây 30 năm.

Một đặc điểm mà các nhà đầu tư nước ngoài phải tính đến là ảnh hưởng của chủ nghĩa liên bang rất rõ tại quốc gia Nam Á. Điều này cũng tác động đến xu hướng hình thành và áp dụng các chính sách công nghiệp của từng địa phương. Một số bang của Ấn Độ rất tích cực đưa ra các ưu đãi và lợi ích nhằm thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến hoạt động (như Karnataka, Tamil Nadu, Maharashtra, Gujarat).

Trong khi đó, nhiều bang khác lại duy trì các quy định nhằm bảo vệ lực lượng lao động, dẫn đến gia tăng chi phí sản xuất. Đối mặt với những trở ngại cố hữu do bộ máy quan liêu gây ra, Thủ tướng Modi đang cố gắng can thiệp thông qua nhiều sáng kiến, bao gồm những chính sách khuyến khích và ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp.

(tổng hợp)