Trung Quốc cấm thi viết đối với học sinh 6 và 7 tuổi như một phần của cải cách giáo dục sâu rộng nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh và phụ huynh. (Nguồn: That mags) |
Trẻ em Trung Quốc sinh ra ở quốc gia đông dân nhất thế giới và luôn phải đối mặt với những áp lực to lớn - cũng như cha mẹ mình.
Mọi lựa chọn của cha mẹ đều được coi là ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp và địa vị xã hội trong tương lai của con họ. Nhiều bậc cha mẹ dành phần lớn thu nhập của họ cho giáo dục mẫu giáo để con họ được tiếp cận với các nguồn lực tiềm năng tương tự như trẻ em từ các gia đình giàu có.
Một số gia đình trung lưu chi tới 15.400 USD (tương đương 383 triệu đồng) mỗi năm cho việc học thêm để con họ có cơ hội đỗ vào các trường hàng đầu.
Một trung tâm gia sư từng gây xôn xao với khẩu hiệu tiếp thị rằng: "Nếu chúng tôi không dạy kèm cho con bạn, chúng tôi sẽ dạy kèm cho các đối thủ cạnh tranh của con bạn". Một khẩu hiệu đơn giản nhưng đã gây ra cho khách hàng biết bao nhiêu căng thẳng.
Sự cạnh tranh gay gắt dường như là không thể tránh khỏi trong cuộc đấu tranh giành cơ hội hạn chế tại một xã hội đông dân như ở Trung Quốc. Trong hoàn cảnh này, nhiều chính sách mới đã được đưa ra nhằm giảm bớt áp lực từ gia đình và bạn bè cho mỗi học sinh.
Các chính sách mới của Trung Quốc yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục từ bỏ chương trình dạy học chỉ nhằm mục đích vượt qua các kỳ thi và các trường học hạn chế khối lượng bài vở cho học sinh từ tiểu học tới trung học cơ sở.
Trung Quốc cấm thi viết đối với học sinh 6 và 7 tuổi như một phần của cải cách giáo dục sâu rộng nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh và phụ huynh.
Ngoài ra đất nước này cũng yêu cầu trung tâm gia sư không dạy các môn học vào cuối tuần và ngày lễ. Bài tập viết về nhà cũng đã bị cấm đối với học sinh lớp một và lớp hai. Các bài tập dành cho học sinh trung học cơ sở được yêu cầu không quá nhiều để các em không phải học quá một tiếng rưỡi mỗi tối.
Sự cạnh tranh của hệ thống giáo dục Trung Quốc chủ yếu là do dân số đông, giáo dục đại học cũng như cơ hội nghề nghiệp hạn chế.
Tỷ lệ đỗ vào trường trung học phổ thông là khoảng 50% trên toàn quốc và những học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học ở trường đào tạo nghề, hoặc bắt đầu đi làm ít có cơ hội tìm được việc làm có thu nhập cao hoặc học lên cao.
Cuộc cạnh tranh tương tự lại bắt đầu cho những học sinh tốt nghiệp trung học vì tỷ lệ vào đại học, một lần nữa, chỉ 50% hoặc thấp hơn.
Các công ty danh giá hầu như luôn tìm kiếm sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu Trung Quốc. Do đó, gốc rễ của áp lực đồng trang lứa giữa các học sinh, sinh viên Trung Quốc nằm ở sự hạn chế của cơ hội giáo dục và các yêu cầu không linh hoạt khi đánh giá một ứng viên hoàn toàn dựa trên kết quả kỳ thi của họ.
Mặc dù việc cấm các dịch vụ gia sư vì lợi nhuận sẽ tạm thời giảm thiểu mức độ căng thẳng của thanh thiếu niên nhưng học sinh sẽ tìm thấy các "kênh thay thế" nếu nhu cầu về một tương lai đầy hứa hẹn tiếp tục phụ thuộc hoàn toàn vào bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa.