Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESCO Lazare Eloundou Assomo trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Nhận lời mời của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc, ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESCO đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 24-27/3.
Nhân chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên này, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo đã có cuộc trò chuyện với Báo Thế giới & Việt Nam.
Chào mừng ông đến thăm Việt Nam, xin ông chia sẻ ấn tượng của mình về chuyến thăm đất nước chúng tôi lần này?
Tôi rất vui khi được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, thông qua Bộ Ngoại giao, mời đến và tham quan các di sản của đất nước. Tôi có cơ hội đi thăm 3 di sản thế giới là Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội, Vịnh Hạ Long, Quần thể Danh thắng Tràng An.
Tôi vô cùng ấn tượng trước những cam kết của người dân và Chính phủ Việt Nam trong việc bảo tồn những di sản thế giới này. Đó là cách cộng đồng địa phương và chính quyền cấp tỉnh cùng vào cuộc với chính quyền để bảo tồn di sản.
Thông qua chuyến đi này, tôi đã hiểu những di sản quan trọng như thế nào đối với con người. Ví dụ như Hoàng thành Thăng Long không chỉ là di sản của người dân Hà Nội, mà còn là của cả nước Việt Nam, vì nó là biểu tượng của quốc gia, là thánh địa của người dân Việt Nam. Di sản này đóng một vai trò quan trọng không chỉ vì đó là niềm tự hào dân tộc, mà còn là cách giáo dục, quảng bá cho tất cả những ai muốn tìm hiểu về lịch sử của Việt Nam.
Tôi cũng rất xúc động khi chứng kiến các di sản của Việt Nam thực sự là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Chẳng hạn như Quần thể Danh thắng Tràng An đã góp phần trao quyền cho phụ nữ và đóng góp vào sinh kế của cộng đồng. Nhờ đó, di sản đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Bình và cả nước.
Bên cạnh đó, tôi cũng quan tâm đến cách tiếp cận dựa vào cộng đồng, cụ thể là sự tham gia chung sức của cộng đồng, chính phủ, chính quyền địa phương, khu vực tư nhân và các nhà đầu tư. Ở Vịnh Hạ Long, tôi đã chứng kiến cách tổ chức, quản lý du lịch như thế nào để du khách có thể tham quan, trải nghiệm mà thông qua đó du khách hiểu rõ được tầm quan trọng của di sản thiên nhiên thế giới này.
"Việt Nam luôn coi trọng văn hóa và xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực, động lực cho sự phát triển. Các di sản thế giới tại Việt Nam đã và đang đóng góp hết sức tích cực cho việc nâng cao đời sống của cộng đồng địa phương có di sản nói riêng, cũng như sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của đất nước nói chung”, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi tiếp ông Lazare Eloundou Assomo ngày 27/3. |
Như ông vừa chia sẻ rằng ông rất ấn tượng khi đến thăm tất cả các di sản thế giới ở Việt Nam và cho đến nay, chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản. Sau chuyến đi và hoạt động trải nghiệm thực tế ở Việt Nam, ông có những góp ý gì cho công tác này đạt hiệu quả hơn nữa theo các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc?
Chúng ta đã có cơ hội thảo luận về vấn đề này tại hội thảo quốc tế “Phát huy vai trò của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam” ngày 24/3 với tất cả các nhà quản lý di sản thế giới. Mỗi người trong số họ đã chia sẻ kinh nghiệm và ý kiến của họ. Qua đó, tôi có thể quan sát và bổ sung những quan điểm khác nhau về bảo tồn di sản thế giới.
Một trong những bài học quan trọng về bảo tồn di sản là bảo đảm nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cần phải bảo đảm sự cân bằng giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội để sự phát triển kinh tế - xã hội không tác động, ảnh hưởng đến các giá trị của khu di sản thế giới.
Khuyến nghị của tôi cho công tác bảo tồn di sản là việc lập kế hoạch. Điều này cực kỳ quan trọng nhằm bảo đảm rằng các dự án đều đã tính đến sự phát triển kinh tế - xã hội khi tiến hành bảo tồn các di sản thế giới. Việc lập kế hoạch cân bằng không chỉ giúp trao quyền cho cộng đồng địa phương mà còn giúp bảo vệ môi trường, giống như những gì tôi đã thấy ở Quần thể Danh thắng Tràng An bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sự cân bằng và hài hoà trong bảo tồn di sản là rất quan trọng, vì vậy việc lập kế hoạch với các hoạt động cụ thể và cân nhắc tới sự cân bằng và hài hoà là điều rất cần thiết.
Việt Nam đã có kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản, và tôi tin rằng Việt Nam có thể tiếp tục đóng vai trò là hình mẫu để chia sẻ điều này với các nước khác trên thế giới.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO Lazare Eloundou Assomo ngày 27/2. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Ông đánh giá như thế nào về vai trò và đóng góp ngày càng tăng của Việt Nam đối với công tác của UNESCO gần đây, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia và phát huy tốt vai trò thành viên của ba cơ chế quan trọng của UNESCO: Hội đồng Chấp hành UNESCO, Ủy ban liên chính phủ Công ước bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa và Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, bên cạnh đó Việt Nam còn là thành viên Hội đồng tư vấn về Công viên địa chất toàn cầu nhiệm kỳ 2020-2024?
Việt Nam là một quốc gia thành viên rất quan trọng và đóng góp tích cực vào việc thực hiện Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972). Trước đây, Việt Nam cũng từng là thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2013 – 2017. Tôi cho rằng kinh nghiệm và thực tế đã thể hiện cam kết lớn của Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy di sản.
"Việt Nam đã có kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản, và tôi tin rằng Việt Nam có thể tiếp tục đóng vai trò là hình mẫu để chia sẻ điều này với các nước khác trên thế giới". |
Việt Nam là một hình mẫu trong việc thực hiện Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và Việt Nam đã thể hiện điều đó bằng cách tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm Công ước vào tháng 9/2022, quy tụ nhiều chuyên gia khác nhau từ các quốc gia thành viên, đặc biệt là sự hiện diện của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay.
Điều đó phản ánh thành tựu của Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, nhưng cũng phản ánh về tương lai tiếp tục được duy trì và phát huy của Công ước này.
Theo ông, những triển vọng và trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam với Trung tâm Di sản thế giới trong thời gian tới là gì?
Tôi tin rằng Việt Nam sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong việc bảo đảm nỗ lực bảo tồn các di sản thế giới. Để làm được điều này, điều quan trọng là phải duy trì uy tín của hệ thống di sản thế giới bằng cách đảm bảo tính bền vững trong mọi hành động. Chỉ bằng cách thể hiện tính bền vững của các di sản thế giới, chúng ta mới nhận được sự tín nhiệm để duy trì.
Bằng cách này, Việt Nam cũng đã và đang ứng phó với một số thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt, trong đó có biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh các di sản đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi cháy rừng, xói mòn biển, tẩy trắng san hô…, tất cả các quốc gia thành viên của Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới cần phải chung tay tìm ra giải pháp nhằm đối phó với tác động của biến đổi khí hậu trong những năm tới.
Trung tâm Di sản thế giới sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ hết sức Việt Nam trong công tác bảo tồn, phát huy các di sản thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Ông Asomo phát biểu tại hội thảo quốc tế “Phát huy vai trò của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam” ngày 24/3. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
| Câu chuyện phát triển ngôi nhà chung UNESCO tại Việt Nam Không đơn thuần chỉ là những báo cáo tổng kết hay triển khai phương hướng, các thành viên của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt ... |
| Mang triển lãm đậm văn hóa-tình người tới cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài Cuối tháng 4 tới, triển lãm "Dám sống một cuộc đời rực rỡ" của nhà báo-đạo diễn Nguyễn Bông Mai sẽ được giới thiệu tại ... |
| Tôn vinh hình tượng hoa Sen qua Triển lãm 'Nghệ thuật Sen Việt 2023 – Vẻ đẹp thuần khiết' Ngày 25/3, tại Chùa Quán Sứ (Hà Nội), Tổ chức Giáo dục, Khoa học, và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) sẽ phối hợp với ... |
| Thưởng lãm 75 bức tranh tôn vinh vẻ đẹp thuần khiết của hoa Sen Tối 25/3, tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Văn phòng Tổ chức Giáo dục, ... |
| Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tiếp Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh các di sản thế giới tại Việt Nam đã và đang đóng góp hết sức tích cực cho ... |