Có đến 69% doanh nghiệp FDI không thực hiện quy trình giảm phát thải nếu như đó không phải là yêu cầu bắt buộc. (Ảnh minh họa) |
Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Giảm thiểu các tác động môi trường liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phối hợp với Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP), diễn ra ngày 30/3, tại Hà Nội.
Nhiều doanh nghiệp ngoại gây ô nhiễm
Nghiên cứu của CIEM cho thấy, có đến 67% doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở Việt Nam thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp. Các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng công nghệ thấp, tiêu thụ năng lượng và khả năng phát thải cao. Khảo sát một số ngành sản xuất tiêu biểu như dệt may, da giày, hóa chất, máy móc, chỉ 5% doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại là sử dụng công nghệ thấp. Trong khi đó, các lĩnh vực môi trường như cấp nước và xử lý nước thải lại không được các nhà đầu tư ngoại quan tâm, xử lý.
Dẫn báo cáo của Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2011, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng CIEM thông tin, kết quả điều tra 150 doanh nghiệp FDI cho thấy, có đến 45% doanh nghiệp chưa áp dụng quy trình sản xuất ít phát thải, 18% doanh nghiệp áp dụng các biện pháp giảm phát thải cũng thấp. Khoảng 69% doanh nghiệp không thực hiện quy trình giảm phát thải nếu như đó không phải là yêu cầu bắt buộc, 57,5% cho rằng không đầu tư vì chi phí cao
Trên thực tế, nhiều khu công nghiệp đi vào hoạt động nhưng chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ hoặc có nhưng không vận hành, hay vận hành không hiệu quả hoặc xuống cấp… Đặc biệt, tại Đồng bằng Sông Cửu Long có 75% khu và 85% cụm công nghiệp chưa có xử lý nước thải tập trung.
Bà Tuệ Anh cảnh báo, đang có sự khác biệt trong ứng xử với con người và tuân thủ pháp luật về môi trường giữa doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất ở những nước phát triển so với các nước đang phát triển.
“Việt Nam và các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều có những Luật về môi trường nhưng cùng một doanh nghiệp đầu tư, nếu đầu tư tại Nhật, Hàn Quốc, họ sẽ thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ hơn là đầu tư và làm ăn tại Việt Nam. Khả năng các doanh nghiệp ngoại đưa công nghệ lạc hậu và ô nhiễm vào Việt Nam nhiều hơn so với các nước trên”, bà Tuệ Anh cho biết.
Bà Tuệ Anh khẳng định, doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, thể hiện ở việc chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu, tạo ra nhiều việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng để phát triển bền vững, Việt Nam cần phải biết nói không với những dự án FDI có tác động xấu đến môi trường. Việc thu hút đầu tư nước ngoài phải giảm thiểu tác động tới môi trường.
Hạn chế trong thực thi pháp luật
Bên cạnh chính sách khuyến khích đầu tư, Việt Nam đã đưa ra nhiều thể chế, cơ chế để bảo vệ môi trường tương đối hoàn chỉnh và phù hợp với luật pháp quốc tế. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có quy định liên quan đến đánh giá tác động môi trường khá phù hợp với quy định trong luật pháp của Liên minh châu Âu (EU), cung cấp cơ chế chính cho việc đánh giá và giảm thiểu tác động môi trường từ các hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tuy nhiên, năng lực thể chế của Việt Nam trong việc thực hiện có hiệu quả các khía cạnh pháp luật về môi trường còn nhiều hạn chế, đặc biệt là những quy định đã được giới thiệu gần đây (ví dụ như đánh giá tác động môi trường và giám sát sau đánh giá tác động môi trường). Vì vậy, yêu cầu trước mắt và cấp bách là định lượng và giải quyết những thiếu hụt năng lực thể chế của các tổ chức quản lý môi trường tại Việt Nam.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng Ban Chính sách dịch vụ công CIEM, việc thực thi pháp luật về môi trường cũng đang có nhiều hạn chế, đặc biệt là về thể chế và nhân lực. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, họ thiếu kênh chính thống tiếp cận quy định về môi trường. Chính quyền địa phương bị động trong cung cấp thông tin chính sách trong khi văn bản pháp luật quy định về môi trường phức tạp, chồng chéo, thay đổi quá nhanh làm đội chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.
Bà Dương Thị Tơ, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng - Hội Bảo vệ Thiên nhiên Việt Nam cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp được thanh tra và kiểm tra rất ít, trung bình khoảng chục năm mới bị kiểm tra trở lại trong khi biện pháp quản lý dựa vào cộng đồng chưa được phát huy mạnh mẽ là hạn chế lớn, cần khắc phục.
Trong giai đoạn năm 2011-2015, có hơn 50% đối tượng thuộc diện thanh tra và kiểm tra bị phát hiện có vi phạm về bảo vệ môi trường. Nguyên nhân vi phạm nhiều là do mức nộp phạt thấp hơn so với chi phí đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn hạn chế về năng lực và tài chính, nếu có đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường cũng mang tính đối phó và chỉ vận hành khi bị kiểm tra.