TIN LIÊN QUAN | |
Điện ảnh và giấc mơ xuất khẩu văn hóa | |
Tìm cơ hội xuất khẩu văn hoá Việt |
Tìm kiếm trên Internet, có thể thấy, câu chuyện xuất khẩu văn hóa Việt qua các xuất bản phẩm dường như chưa được báo chí đề cập nhiều. Còn gặp gỡ các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành xuất bản phẩm hoặc có liên quan đến sản phẩm văn hóa… thì họ đều khá “e ngại” khi nhận được câu hỏi về vấn đề này.
Có doanh nghiệp chia sẻ, họ từng dự định xuất khẩu lịch năm mới với hình thức đặc biệt sang một số nước châu Á, nhưng cuối cùng lại không thành công. Trong khi đó, một số doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm khác thì thẳng thắn thừa nhận rằng, xuất khẩu xuất bản phẩm là vấn đề không đơn giản, mặc dù đó là những sản phẩm có thể truyền đạt rất tốt văn hóa Việt tới người tiêu dùng quốc tế.
Làm tỏa sáng giá trị Việt
Câu chuyện bắt đầu khi tôi mua một bộ lịch để bàn cho năm mới 2017 tặng một người bạn ở Ấn Độ. Bộ lịch là những bức tranh vẽ phong cảnh bốn mùa ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Mới nhìn thấy bộ lịch qua thư điện tử, anh bạn đã sốt sắng cảm ơn và nhờ tôi gửi thêm cho anh chục bộ nữa để tặng bạn bè ở Ấn Độ. Lý do đơn giản bởi anh đã đi du lịch Việt Nam và vô cùng ấn tượng trước cảnh sắc, văn hóa, con người nơi đây. Anh muốn bạn bè, người thân của mình cũng được thưởng thức những nét đẹp ấy.
Ảnh minh họa |
Mới đây, dư luận quan tâm nhiều đến bộ lịch Truyện Kiều do công ty TNHH An Hảo (TP. Hồ Chí Minh) phát hành, bởi sản phẩm này mang đậm nét văn hóa - lịch sử - đất nước và con người Việt Nam, cũng bởi sự kỳ công trong sản xuất bộ lịch.
Là người dành 20 tháng để vẽ 365 bức tranh minh họa cho lịch bloc Truyện Kiều, họa sỹ Nguyễn Hữu Hiếu chia sẻ: “Việc thể hiện 365 tranh minh họa là khối lượng công việc rất lớn, nên thời gian 20 tháng không phải là nhiều. Đối với tôi, việc thẩm thấu được ý nghĩa sâu xa của từng câu Kiều quan trọng và chiếm nhiều thời gian hơn so với việc vẽ tranh. Nhưng vấn đề lớn nhất chính là sự khó khăn khi thể hiện Truyện Kiều bằng hình ảnh”. Họa sỹ nói rằng cái làm nên giá trị cốt lõi của Truyện Kiều - Nguyễn Du chính là đã vượt ra khỏi giá trị nguyên bản, tạo nên một giá trị khác, thấm đẫm hồn cốt Việt – hay có thể gọi là giá trị Việt. Cụ Nguyễn Du trở thành Đại thi hào cả thế giới ngưỡng mộ vì đã làm được điều kỳ diệu này.
Có thể nói, Truyện Kiều như là một kho báu bất tận và mỗi người con nước Việt đều có cách khai thác riêng của mình. Càng khai thác thì kho báu chẳng những không bị vơi đi, mà mỗi ngày lại càng giàu có thêm... Họa sỹ Hữu Hiếu cho rằng, nếu biết cách làm cho giá trị Việt tỏa sáng thì những người nước ngoài chắc chắn sẽ cảm nhận được giá trị khác biệt đó của văn hóa Việt.
Không dành riêng cho người Việt
Trao đổi với TG&VN, ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Giám đốc Công ty chia sẻ: “Với mong muốn có được những bộ lịch bloc để lại dấu ấn qua mỗi năm, An Hảo đã xuất bản những bộ lịch bloc như Học tập và làm việc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Cuộc đời và sự nghiệp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lịch sử Việt Nam hay Biển đảo quê hương... và năm nay là lịch Truyện Kiều”.
Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng xuất khẩu bộ lịch ra nước ngoài, bởi tác phẩm Truyện Kiều đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới, ông Tuấn cho biết, xuất khẩu lịch ra nước ngoài là mong muốn của An Hảo nói riêng và nhiều công ty kinh doanh trong lĩnh vực xuất bản phẩm. Hiện An Hảo đang xuất khẩu lịch qua thị trường Mỹ cho cộng đồng người Việt nhưng đang còn giới hạn trong những đơn hàng theo yêu cầu hệ thống phân phối tại Mỹ để phục vụ cho người Việt tại Mỹ. Việc xuất khẩu lịch song ngữ nhằm vào người tiêu dùng nước ngoài có thể xem là dự án lớn và các công ty cần có sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ các đơn vị quản lý nhà nước mới có thể thực hiện được.
Truyện Kiều như là một kho báu bất tận và mỗi người con nước Việt đều có cách khai thác riêng của mình. |
Chính vì còn gặp nhiều khó khăn trong việc đưa các xuất bản phẩm ra thị trường quốc tế như vậy nên hiện các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này dường như vẫn đang “lừng chừng” trước thị trường lớn này. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, các thị trường tiềm năng cho xuất bản phẩm Việt Nam có thể kể đến như Mỹ, Pháp, Australia… Ở đây không chỉ có cộng đồng người Việt đông đảo mà người tiêu dùng sở tại cũng đặc biệt yêu thích các giá trị văn hóa Việt.
Có thể nói, đó chính là điều kiện cần cho mục tiêu xuất khẩu văn hóa Việt thông qua xuất bản phẩm, nhưng điều kiện đủ sẽ phụ thuộc vào sức bứt phá, dấn thân của doanh nghiệp Việt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng rất cần có sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ các cơ quan hữu quan trong nước, cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong nắm bắt thị hiếu, cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực này.
Đức: 300.000 trẻ em tị nạn được đến trường Thông báo được đưa ra tại Hội nghị các Bộ Văn hóa 16 bang nước Đức ngày 6/10. |
Tiếp viên hàng không chia sẻ những lưu ý của hành khách trên máy bay Máy bay đã trở thành phương tiện phổ biến với những người mê xê dịch và yêu du lịch. Tuy nhiên, không phải ai cũng ... |
Bộ ảnh độc đáo "nhân cách hóa" nón lá Việt Nam Các tác giả trẻ tạo những biểu tượng cảm xúc trên nón lá kết hợp cùng với giới thiệu đời sống, văn hoá Việt Nam. |