Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng ChatGPT ra đời cảnh báo người thầy cũng nên thay đổi để không bị đào thải. (Ảnh: NVCC) |
Thực ra, câu chuyện trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay đổi con người một ngày nào đó trong tương lai không phải quá mới. Câu chuyện này đã được bàn từ nhiều thập kỷ trước, nhưng với nhiều người vẫn giống như viễn cảnh xa xôi. Đặc biệt, giáo dục là ngành bị ảnh hưởng rất chậm bởi công nghệ.
Nghiêm túc nhìn nhận cách giáo dục
Nếu nhìn sang những ngành khác như tài chính, ngân hàng sẽ thấy, công nghệ tác động rất lớn và thay đổi cách mà những ngành này vận hành. Riêng giáo dục vẫn vận hành theo lối rất cổ điển, không khác nhiều so với nền giáo dục từ những thập kỷ trước.
Chỉ có "làn sóng" thay đổi gần đây nhất là giáo dục chuyển sang dạy học online do dịch Covid-19 gây ra. Đến khi hết dịch thì mọi thứ lại đâu trở về đó. Đáng nói, trong làn sóng Covid-19, chúng ta mới thay đổi giáo dục về mặt công cụ chứ bản chất, cách thức giảng dạy ở giai đoạn đó gần như không khác nhiều.
Nhưng làn sóng AI này thì khác, với những ảnh hưởng, tác động đến giáo dục một cách sâu sắc mà chúng ta chưa từng chứng kiến. AI - mà đại diện đầu tiên là ChatGPT khiến các nhà giáo dục cảm thấy không còn là tương lai nữa bởi nó mang đến cho chúng ta trải nghiệm quá trực quan.
Từ chuyện trí tuệ nhân tạo thông minh đến mức nào, nó có thể thay thế công việc con người ra sao? Vì thế, cách chúng ta tư duy lại giáo dục lần này sẽ không chỉ là thay đổi về mặt công cụ, cách làm như trong dịch Covid-19 nữa. Nó đòi hỏi sự tư duy lại nền giáo dục một cách toàn diện cả về mặt triết lý cho đến cách thức làm thế nào để đạt được triết lý đó.
Trả lời cho câu hỏi chúng ta muốn tạo ra những con người như thế nào với nền giáo dục của mình? ChatGPT khiến chúng ta thấy con người sẽ bị máy móc cạnh tranh cả về công việc trí óc.
Nếu ở những làn sóng trước đây, máy móc giải phóng con người khỏi công việc chân tay để có thể tập trung làm những công việc mang tính trí óc thì giờ đây, đến công việc trí óc, máy cũng có thể làm thay. Vậy chúng ta biết học gì, làm gì? Có thể thấy rõ, nếu nền giáo dục tạo ra những con người chỉ biết ghi nhớ, lặp lại và trình bày lại những kiến thức đó theo lối mòn, học vẹt, không có sáng tạo của riêng mình thì làm sao có chỗ đứng trong thế giới tương lai?
ChatGPT đã cho thấy khả năng vượt qua bài thi MBA của một trường đại học hàng đầu thế giới. Nếu như chúng ta không nghiêm túc nhìn nhận lại triết lý giáo dục của mình thì tương lai con người không có chỗ đứng, bị đào thải bởi máy móc là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
ChatGPT cho thấy con người sẽ bị máy móc cạnh tranh cả về công việc trí óc. (Nguồn: Reuters) |
Những điều cần tư duy lại
Tôi cho rằng, đã đến lúc cần phải tư duy lại, chúng ta không cần “đổ” đầy kiến thức cho học sinh. Bởi vì “đổ” đến cỡ nào, chúng ta cũng không thể ghi nhớ được hết kiến thức của nhân loại như một cỗ máy. Trong khi máy móc có tốc độ nhanh hơn con người.
Thay vào đó, chúng ta cần tập trung vào việc trang bị cho học sinh kỹ năng tự học. Làm sao để các em khi giải quyết một vấn đề, có kỹ năng tự tìm kiếm những nguồn lực, những công cụ để học hỏi và tự giải quyết vấn đề của mình, AI sẽ là một trong những công cụ đó.
Thứ hai, cần tư duy thiết kế để các em có khả năng sử dụng AI như một công cụ. Con người có khả năng sử dụng AI như một công cụ khi biết cách chỉ huy máy làm việc cho mình, giải quyết những vấn đề của mình.
Một điểm rất quan trọng nữa là tư duy phản biện. Chúng ta không thể nào dựa dẫm hoàn toàn vào máy móc và tin tưởng tất cả kết quả do máy móc tạo ra. Bởi máy móc chắc chắn sẽ bị sai lỗi cho dù thông minh tới đâu. Chúng ta cần có tư duy phản biện để có lựa chọn riêng. Tất cả điều đó là những kỹ năng tư duy bậc cao.
Tôi nghĩ, đã đến lúc nền giáo dục của chúng ta phải tạo ra những con người có kỹ năng bậc cao như vậy. Cách chúng ta hiện thực hóa triết lý mới đó như thế nào? Trong bất kỳ cuộc cách mạng giáo dục nào, giáo viên cũng là hạt nhân, nòng cốt. Chúng ta không thể thay đổi, không thể tạo ra một cuộc cách mạng giáo dục với những con người và “vũ khí” lạc hậu được. Vậy việc tái đào tạo giáo viên cho làn sóng mới như thế nào cũng phải được đặt vào trong trọng tâm của bài toán đó.
Chúng ta đã tạo ra cho giáo viên tầm nhìn tương lai chưa? Đã khiến cho giáo viên hiểu được rằng, bản thân giáo viên cũng có thể bị đào thải nếu như chỉ là “thợ dạy”, đổ đầy kiến thức chứ không thể hướng học sinh tới những kỹ năng bậc cao. Do vậy, cần phải có cuộc tái đào tạo giáo viên toàn diện.
Một điểm nữa, cách chúng ta đánh giá kết quả đầu ra, đo lường việc học của học sinh cũng phải thay đổi. Vừa qua, ở các trường cũng có cuộc thảo luận nên chăng cấm ChatGPT trong trường học vì nỗi lo học sinh, sinh viên có thể sử dụng công cụ này để làm thay bài tập cho mình.
Điều đó đặt ra vấn đề, nếu chúng ta chỉ đo lường và đánh giá kết quả của việc học thông qua lặp lại một câu trả lời mà nhiều người đã biết thì máy móc tốt hơn chúng ta. Làm sao để chúng ta có thể đánh giá được liệu học sinh có dùng tư duy của mình từ bài tập đó không? Có dùng tư duy thiết kế để kiến tạo câu trả lời cho bài tập không? Các em có sản phẩm độc đáo của riêng mình không?
Thay vì cấm ChatGPT, hay cấm các công cụ AI khác vốn là điều bất khả thi vì không thể đi ngược làn sóng công nghệ. Đã đến lúc ngành giáo dục cần tư duy lại cách đánh giá, cách ra đề thi của mình. Nếu như chỉ quanh quẩn kiểm tra những kỹ năng cũ mà máy có thể làm thay thì học sinh hoàn toàn có thể đối phó. Do vậy, cần phải có một cuộc tư duy lại toàn diện cả về triết lý giáo dục cho tới cách thực thi triết lý giáo dục đó.