📞

Giáo dục con trong thế giới đang thay đổi

18:53 | 22/06/2016
Ngày 22/6, Công đoàn Bộ Ngoại giao đã tổ chức buổi nói chuyện thú vị với chuyên đề “Nghệ thuật làm cha mẹ - Giáo dục con trong một thế giới đang thay đổi” hướng tới ngày Gia đình Việt Nam (28/6).

Tại đây, diễn giả PGS. TS Lê Văn Hảo đến từ Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam định nghĩa: “Nuôi dạy và giáo dục trẻ là công việc kéo dài suốt đời và không được trả công xứng đáng”. Theo ông, mối quan hệ cha mẹ - con cái không thể dừng lại. Ngoài hiểu con thì cha mẹ cũng phải hiểu mình, biết được giới hạn kiểm soát và quyền lực của mình đến đâu trong việc nuôi dạy con cái.

Làm cha mẹ thời nay thật khó!

Mở đầu buổi nói chuyện, PGS.TS Lê Văn Hảo đặt câu hỏi: “Làm cha mẹ bây giờ khác gì so với cách đây 20, 30 năm?”. Đa phần ý kiến của phụ huynh băn khoăn về việc làm cha mẹ thời nay có nhiều áp lực, khó hơn rất nhiều do môi trường xã hội thay đổi, cách thức nuôi dạy của cha mẹ đôi khi “lạc điệu” với con. Nhất là khi con ở độ tuổi 12, 13 đã có khả năng “bật lại” bố mẹ. Nếu xét trên lý thuyết thì cha mẹ thường vui vì đó là hành động chứng tỏ con có tư duy, biết nhìn nhận mọi việc và biết phê phán khi cần. Nhưng ở một khía cạnh khác, không ít phụ huynh tỏ ra buồn lòng vì đứa con cứng đầu, không nghe lời và ương bướng.

PGS. TS Lê Văn Hảo tại buổi nói chuyện. (Ảnh: Minh Tuấn/TG&VN)

Với áp lực của cuộc sống ngày nay có thể làm cha mẹ gặp nhiều khó khăn trong nuôi dạy con cái, thậm chí bị cô lập và đôi bên cùng không hiểu nhau. Một phụ huynh cho rằng: “Hiện nay con cái chúng ta được tiếp cận với rất nhiều thông tin từ nhiều kênh khác nhau. Do vậy nuôi dạy con trong thời hiện đại khó hơn rất nhiều, không còn cách nào khác cha mẹ nên đi học để dạy con hiệu quả hơn”.

PGS.TS Lê Văn Hảo đưa ra bằng chứng không phải chỉ những đứa trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên mới sống dựa dẫm, phụ thuộc. Hiện nay có một bộ phận giới trẻ vẫn “kí sinh” vào cha mẹ cả về vật chất lẫn tinh thần. Nếu một đứa trẻ ngoan sẽ nghe lời răm rắp, sẽ báo cáo chi tiết với bố mẹ về việc đi đâu, làm gì, với ai. Còn những đứa trẻ độc lập lại tự xử lý mọi tình huống, phân biệt đúng sai và tất nhiên không phải lúc nào cũng nghe lời bố mẹ. Như vậy, vấn đề được đặt ra là làm sao để hiểu con, giúp con nhận ra những mặt trái của xã hội, kể cả phân biệt những người lớn “an toàn” và người lớn “không an toàn”?

Đa số ý kiến của các ông bố, bà mẹ trong buổi nói chuyện đều muốn hướng con mình là đứa trẻ ngoan nhưng vẫn sáng tạo. Một người mẹ bộc bạch: “Con tôi đang học cấp 3 nhưng tỏ ra hời hợt, vô tâm lắm. Bố mẹ đi công tác hay đi làm về không hỏi nhưng chỉ hỏi con mèo của nó thế nào? Tôi phải sao để con biết chia sẻ với bố mẹ hơn?”.

Hiểu con và hiểu mình

Hàng loạt những trăn trở của các bậc phụ huynh được giãi bày như con ngày càng khó bảo, bướng bỉnh, không biết con đang nghĩ gì, muốn gì… Diễn giả đã giúp các phụ huynh tìm hiểu và nhận ra “Những khó khăn, trở ngại của bạn trong việc nuôi dạy con là gì?”.

PGS.TS Lê Văn Hảo cho rằng, tùy vào từng lứa tuổi cụ thể mà cha mẹ có những phương pháp giáo dục tương ứng, phù hợp. Tuy nhiên, phụ huynh thường gặp những khó khăn trong việc nuôi dạy con ở lứa tuổi teen vì lúc đó các con đang dần hình thành tính độc lập, có xu hướng tách dần bố mẹ, tâm sinh lý thay đổi, không thích bị kiểm soát, ưa khám phá, mạo hiểm.

Nhiều phụ huynh chia sẻ tại buổi nói chuyện. (Ảnh: Minh Tuấn/TG&VN)

Diễn giả cũng phân tích, khi con thành công hay thất bại thì công và lỗi của cha mẹ không nhiều như chúng ta tưởng. Như vậy, yếu tố “sống còn” trong sự thành công của một đứa trẻ chính là bản thân nó. Còn gọt giũa, thêm thắt của cha mẹ chỉ tác động vào con với hy vọng có kết quả tốt nhất chứ không có tính quyết định. Như vậy, hiểu con và hiểu mình là yếu tố quan trọng giúp con trưởng thành.

Hãy là “người làm vườn” trong dạy con

Nuôi dạy con cũng giống công việc của một người làm vườn như làm đất, cung cấp ánh sáng, tưới nước, nhưng tính quyết định vẫn là do cái cây. Đứa trẻ cũng vậy, nếu như cha mẹ chuyển từ phán xét sang hỗ trợ, biết lắng nghe thì chắc hẳn kết quả sẽ tích cực hơn. Chúng ta nên phân biệt giữa kỷ luật và trừng phạt, đây là hai yếu tố hoàn toàn khác nhau. Để một đứa trẻ sợ thì dễ nhưng để chúng tâm phục khẩu phục mới khó. Yếu tố nền tảng quan trọng chính là mối quan hệ tốt giữa cha mẹ và con cái, đó là sự an toàn, yêu thương, tôn trọng và tin cậy.

Diễn giả đúc kết: “Cha mẹ luôn bên cạnh con suốt đời nhưng đứa con phải sống cuộc đời của mình chứ không phải sống cuộc đời của người khác”. Sự mềm dẻo của phụ huynh trong nuôi dạy con cái chính là liều thuốc bổ, có ý nghĩa lớn đối với con. Hãy là người làm vườn tích cực và kỷ luật phi bạo lực, dẫn dắt và định hướng cho con chứ không ra “chỉ thị”, “khế ước”... “Đừng than vãn đứa con ương bướng, không nghe lời, bởi lẽ những đứa trẻ khó tính ấy là cơ hội để huấn luyện chúng ta trở thành một phụ huynh tốt”, PGS.TS Lê Văn Hảo khẳng định.

Bên cạnh việc lồng ghép những tình huống thực tế, diễn giả còn phân tích và giải phẫu những câu hỏi, vấn đề mà nhiều gia đình đang mắc phải như cha mẹ chưa hiểu con và chưa biết được giới hạn quyền lực của mình đến đâu. Ngạn ngữ châu Âu có câu: “Trẻ con thường không giỏi trong việc nghe lời người lớn nhưng ít khi thất vọng trong việc bắt chước người lớn”. Vì vậy, làm cha mẹ đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi cần nâng cao kỹ năng nuôi dạy con cái trong một thế giới đang thay đổi.