Tính đến năm 2011, 180 trong tổng số 800 giải thưởng Nobel của thế giới thuộc về người gốc Do Thái; ở Mỹ trên 30% triệu phú, 20% giáo sư hàng đầu là người gốc Do Thái.
Đó là những thông tin được các diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm “Giáo dục định hình nên lịch sử Do Thái như thế nào” do Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Sách Thái Hà, Sách điện tử Alezaa và Không gian văn hóa Heritage Space phối hợp tổ chức sáng 3/10 nhân dịp ra mắt cuốn sách “Số ít được lựa chọn” (Chosen Few).
Tham dự buổi tọa đàm có bà Meirav Eilon Shahar - Đại sứ Israel tại Việt Nam, TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Sách Thái Hà, ông Trần Trọng Thành – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến Vinapo, sách điện tử Alezaa và ông Đặng Hoàng Xa - Kĩ sư điện tử vi tính tại Thung lũng Silicon đồng thời là một nhà nghiên cứu lâu năm về tôn giáo.
Israel - một đất nước đặc biệt
Ông Trần Trọng Thành chia sẻ, là người đã từng đi qua 41 quốc gia, Israel làm cho ông có cảm giác “khác hẳn 40 quốc gia còn lại”, và đi đâu ông cũng thấy “sự hiện diện của trí tuệ của người Do Thái ở khắp nơi. Ông Thành cũng rất tâm đắc với việc gần 2000 năm trước, người Do Thái đã coi “việc sinh con không phải là dịp ăn mừng hay lý do để uống rượu thỏa thích. Luật pháp quy định họ phải được dạy học, sẽ học cả pháp luật lẫn việc làm của cha ông mình để có thể theo gương cha ông, và với nền tảng kiến thức pháp luật, họ sẽ không phạm tội, không bào chữa chữa cho việc mình không hiểu biết pháp luật”, (Flavius Josephus, khoảng năm 96 sau CN).
Ông Nguyễn Mạnh Hùng thì ấn tượng với việc mọi người dân Do Thái ngay từ khi còn nhỏ đã phải thuộc nằm lòng “10 điều răn” (tôn kính cha mẹ, không làm điều xấu, không trộm cắp…). Họ phải đọc chúng ngày 3 - 4 lần, và qua 2.000 năm như thế đã ngấm vào máu, giúp mỗi người ngay từ khi còn bé đã biết phần biết điều gì đúng, điều gì sai. Cũng theo ông Hùng, do đặc thù lịch sử, người Do Thái di chuyển liên tục, tiền bạc hay đất đai không phải là thứ họ có thể mang theo mình, mà chỉ có trí tuệ, và đó chính là lý do họ coi trọng và đầu tư vào giáo dục.
Đại sứ Meirav Shahar thì cho biết, ở Israel có rất nhiều thư viện. Kể cả các trường mầm non đã lập ra một hệ thống thư viện riêng để mỗi tuần các thầy cô đưa học sinh đến đọc sách 1-2 lần. Thư viện là nơi học sinh có thể đến đọc sách hoặc mượn sách về đọc. Không những hệ thống thư viện được “thể chế hóa từ mẫu giáo”, mà ở Israel, đi đọc sách tại thư viện trở thành thói quen mà nước này còn có hẳn một “Ngày Thư viện”.
Những chia sẻ trên chỉ phần nào trả lời được câu hỏi mà nhiều người vẫn đặt ra: Tại sao người Israel lại đặc biệt thông minh và trí tuệ? Nền giáo dục đặc sắc Do Thái có được ngày nay đã bắt đầu từ khi nào, dựa trên triết lý giáo dục và nền tảng tôn giáo nào? Lý do nào giúp người Do Thái làm nghề nông suốt cho đến thế kỷ thứ 6 lại chuyển dần thành công sang lái buôn, doanh nghiệp, ngân hàng, tài chính, luật sư, bác sỹ, học giả ở khắp các miền đất trên thế giới – nơi họ cư ngụ trong những thế kỷ sau đó?... Và cuốn sách “Số ít được lựa chọn” chính là lựa chọn thích hợp cho những ai muốn tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử và sự phát triển của Israel, cũng như tìm câu trả lời tại sao người Do Thái lại trở thành “Số ít được lựa chọn”?
“Số ít được lựa chọn”
Trong lời tựa của cuốn sách, Đại sứ Meirav Eilon Shahar nhấn mạnh: “Số ít được lựa chọn cung cấp những kiến thức đặc sắc về lịch sử Do Thái trên khía cạnh kinh tế và sự chuyển đổi trong nghề nghiệp chuyên môn của người Do Thái, từ những nông dân thành những cư dân thành thị làm việc trong các lĩnh vực tài chính, thương mại, ngân hàng, luật và nghiên cứu khoa học”.
Trong tác phẩm “Số ít được lựa chọn”, của hai tác giả Maristella Botticini và Zvi Eckstein sẽ dẫn người đọc trở lại thời kỳ từ năm 70, tức từ thời điểm Đền thờ Jerusalem bị Đế quốc La Mã san bằng lần thứ 2 khi người Do Thái còn làm nghề nông và mù chữ, cho đến năm 1492 khi các cộng đồng Do Thái đã biết đọc, biết viết và có thể đứng vững tại các đô thị rải rác khắp châu Âu, châu Phi, và châu Á.
Theo hai tác giả đồng thời là hai giáo sư ĐH Prince, việc Ngôi Đền thứ 2 bị phá hủy dẫn đến sự thay đổi sâu sắc tại Israel, biến Do Thái giáo từ một tín ngưỡng dựa trên nghi lễ hiến sinh trong đền thờ thành một tôn giáo với giáo dục là chuẩn mực chính, yêu cầu tất cả người Do Thái phải đọc và nghiên cứu Kinh Torah bằng tiếng Hebrew, gửi con trai của mình từ 6 đến 7 tuổi tới trường tiểu học hoặc giáo đường để học Kinh Torah.
Có thể nói, chính giáo dục đã định hình lịch sử Do Thái trong giai đoạn 70-1492 và trong những thế kỷ tiếp theo. Cũng từ thời điểm này, dân tộc Do Thái và Do Thái giáo đã có được được một nền tảng trí tuệ vững chắc, giúp họ những bước tiếp theo cho đến khi quốc gia Israel được Liên hợp quốc chấp nhận thành lập vào năm 1948, rồi kéo dài cho đến ngày nay.
Qua lăng kính kinh tế, các tác giả cũng đã phân tích những yếu tố then chốt trong 15 thế kỷ hình thành của lịch sử Do Thái, giúp người đọc hiểu được cách cộng đồng người Do Thái tận dụng những lợi thế tương đối của mình để tìm kiếm các cơ hội phát triển nền kinh tế của riêng mình.
Nguyên Khôi