Nếu bố mẹ đã từng rơi vào tình huống ấy, phản ứng, thái độ và câu trả lời ra sao?
Là một giáo viên mầm non, tôi đã nhiều lần chứng kiến khá nhiều chuyện giật mình. Chẳng hạn như một bé trai ngủ trưa, đắp chăn, cởi quần và nghịch "chim". Một bé gái thì hay nhòm phòng vệ sinh nam để xem "con trai tè bằng gì". Một bé nữa thì đè lên người bạn gái rồi bảo "đấy là yêu"...
Ban đầu thì tôi hoảng. Mắng ư? Phạt ư? Trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ. Vậy thì phải giải thích. Giải thích khéo léo thế nào để trẻ không còn tò mò.
Mà muốn được như thế, nếu tỏ ra ngại ngùng hay dè dặt quá thì coi như là hỏng việc.
Tôi nhớ bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tác giả nhiều sách giáo dục kỹ năng làm cha mẹ từng kể một câu chuyện như sau: Ông bố thấy con trai 15 tuổi nay đã lớn mới kêu lại nghiêm trang bảo "Hôm nay, bố có chuyện muốn trao đổi với con, đó là một chuyện khó nói, chuyện tình dục". Thằng bé nhanh nhảu đáp: "Bố có thắc mắc gì cứ mạnh dạn hỏi đi ạ!".
Rõ ràng là trò chuyện giới tính không phải là cái gì ghê gớm cần phải quan trọng hóa như thế. Khi mới thụ tinh một em bé thì đã tồn tại sẵn các nhiễm sắc thể X, Y, phân định giới tính cho đứa bé, dù thai nhi ba tháng mới có đầy đủ bộ phận sinh dục nam hay nữ... Do đó, có gì phải đắn đo khi dạy cho trẻ hiểu về giới tính từ sớm, đừng chờ đến lúc con dậy thì rồi mới dạy, có khi đã quá muộn!
Trẻ con là chúa thắc mắc, mà chuyện giới tính ít được các bậc phụ huynh cởi mở trò chuyện nên càng háo hức muốn biết. Vậy thì, hãy trả lời các câu hỏi một cách ngắn gọn, đúng và phù hợp với độ tuổi của con. Đối với một vài câu hỏi quá "nhạy cảm", không nhất thiết phải cung cấp đầy đủ thông tin mà hãy lý giải và đưa ra thí dụ dễ hiểu...
Tất nhiên, lý thuyết là thế còn vận dụng trong thực tiễn thế nào mới quan trọng. Ở lớp, tôi có kể cho các con chuyện Chú tinh trùng Willy để giải thích việc bé sinh ra từ đâu. Các con rất hào hứng và có vẻ như bớt phần tò mò về "bí ẩn muôn thủa" này.
Cũng chẳng có gì là sớm khi diễn giải sinh động cho các con thấy sự khác biệt về một số bộ phận trên cơ thể và điều quan trọng là các con cần bảo vệ "vùng khác biệt" bản thân mình.
Sai lầm của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ là tránh né vì sợ đề cập những chuyện đó chẳng khác nào vẽ đường cho hươu chạy. Cho nên, trẻ vừa chớm hỏi là bịt miệng rằng "cấm nói chuyện tục tĩu", "con hỏi làm gì", "lớn lên khắc biết". Hậu quả là các con đành tự bơi - lén lút tìm thông tin ngoài luồng, chẳng những không đáng tin cậy mà còn có thể nguy hiểm...
Những nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý giới tính cho thấy, trẻ có hiểu biết sớm về tình dục một cách toàn diện và đúng đắn thường không phạm phải những sai lầm đáng tiếc ở tuổi mới lớn. Một lời giải thích thành thật sẽ giúp trẻ hành động có trách nhiệm khi gặp phải những tình huống giới tính trong tương lai.
Trần Thị Hồng Minh (TP. Hồ Chí Minh)