Theo các chuyên gia, thời công nghệ, trí tuệ nhân tạo AI lên ngôi, càng cần thiết giáo dục sự tử tế cho trẻ. (Ảnh: Nguyễn Yến) |
Tại Mỹ, kết quả từ cuộc khảo sát về điều cha mẹ muốn làm với con cho thấy, hơn 90% coi chăm sóc con cái là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, 82% trẻ em Mỹ chia sẻ, cha mẹ coi trọng thành tích và hạnh phúc hơn việc chăm sóc các con.
Một nghiên cứu về các khảo sát hằng năm được thực hiện trên những sinh viên đại học Mỹ cho thấy, sự đồng cảm và suy nghĩ về quan điểm của người khác đã sụt giảm đáng kể từ năm 1979 - 2009. Trong giai đoạn này, sinh viên ngày càng ít quan tâm đến những người kém may mắn hơn mình. Những người trẻ này cũng ngày càng ít bận tâm hơn khi thấy những người khác bị đối xử bất công.
Không chỉ ít quan tâm hơn, mọi người dường như cũng ít giúp đỡ hơn. Các nhà tâm lý học cho rằng, trẻ em sinh ra sau năm 1995 luôn tin rằng, những người đang gặp khó khăn cần được giúp đỡ. Tuy nhiên, họ không cảm thấy mình có trách nhiệm phải tự hành động.
Đây là thực trạng đang xảy ra không chỉ ở Mỹ, mà còn nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhiều phụ huynh vô tình quên rằng, điều quan trọng trong nuôi dạy con chính là giúp trẻ trở thành người tử tế. Trái lại, không ít người đặt nặng việc học lên vai con. Họ chú trọng làm sao để con đạt được điểm cao, làm thế nào để giúp con có thể vào được trường tốt và thành công trong tương lai. Nhiều phụ huynh thời hiện đại luôn trăn trở với những điều đó mà ít để tâm đến việc làm sao để giáo dục con em mình trở thành những người tử tế.
Trong cuộc trò chuyện với gần 5.000 tân cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tại lễ tốt nghiệp, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đã nhắn nhủ các nhà giáo tương lai: "Hãy sống tử tế, làm nghề chuyên nghiệp, sáng tạo không ngừng".
Theo GS, Huỳnh Văn Sơn, "nên người, sống tử tế là điều mà ai cũng cần đạt được. Phụ huynh hay người lớn nào cũng muốn con mình có được. Đó chính là kiểu sống có trước, có sau, kiểu ứng xử thấu tình đạt lý, văn minh". Bởi theo ông Sơn, "Nếu không là người tử tế, liệu chúng ta có thể dạy dỗ con cái, trẻ em thành người tử tế?".
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, dạy con học toán nhanh, viết chữ đẹp, làm văn hay không phải là điều quan trọng nhất. Giáo dục con trở thành người tử tế, biết tôn trọng người khác mới, biết yêu thương cũng người xung quanh chính là yếu tố then chốt, giúp con thành công trên đường đời cũng như trở thành người tử tế trong tương lai.
Bên cạnh đó, khi xã hội ngày càng phát triển, trẻ em được tiếp xúc nhiều với máy móc, công nghệ thông tin. Điều này khiến không ít phụ huynh băn khoăn, liệu có thể giáo dục con thành người tử tế khi trẻ đang tiếp xúc với nhiều thông tin sai lệch trên mạng xã hội và Internet?
Có thể nói, gia đình là một trong những môi trường có ảnh hưởng quan trọng nhất đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Thế nhưng, nhiều gia đình đang xem nhẹ giáo dục gia đình, thả nổi việc giáo dục con cái cho nhà trường. Nói đúng hơn, nhiều bậc phụ huynh đang "bán khoán" việc học của con cho giáo viên, nhà trường.
Việt Nam tự hào là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em. Thực tế hiện nay, trường học vẫn dạy các em những bài học làm người. Nhưng lý thuyết đang bị thử thách bởi chính hành động thực tế. Năng lực phân biệt tốt – xấu, đúng – sai, kỹ năng "gạn đục khơi trong" trong con trẻ còn tồn tại nhiều vấn đề. Bởi vậy, các con rất cần sự đồng hành, kiên nhẫn của cha mẹ, thầy cô trên con đường hình thành nhân cách cũng như cần "bộ lọc" thông minh của cha mẹ trên mạng xã hội cho con.
PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Tôi luôn nhìn một đứa trẻ với con mắt “nhân tri sơ tính bản thiện”. Có nghĩa, bản chất con người sinh ra là thiện và đáng được tin tưởng. Con người có năng lực và sự tự chủ để giải quyết các khó khăn của bản thân trong cuộc sống. Con người tự nhận ra những tiềm năng của mình và thay đổi theo hướng tích cực. Điều đó giống như hạt mầm, dẫu bị vùi trong đất, mầm cây vẫn cố gắng vươn lên đến ánh sáng. Do vậy, để dạy con thành người tử tế, chính cha mẹ và người lớn phải hành động để đứa trẻ cảm nhận mình được yêu thương, thấu hiểu, được tôn trọng và bảo vệ.
Trong một phát biểu, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn từng nhấn mạnh, giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ về đức, trí, thể, mỹ là mục tiêu quan trọng của giáo dục Việt Nam. Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng, thế hệ trẻ càng cần được giáo dục toàn diện và phát triển nhân cách, có đạo đức, có ý thức, có trách nhiệm, có năng lực để thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao trong mọi công việc và trở thành những công dân Việt Nam tốt, công dân toàn cầu.
Có thể nói, trong bối cảnh công nghệ số, cuộc sống số, chúng ta không thể dùng tư duy cũ để chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Vì vậy, cần phải có một tư duy mới, đúng đắn về các giải pháp công nghệ để hình thành và phát triển tư duy số, hành động số và hạnh phúc cho trẻ. Đồng thời, cần thiết cho trẻ thực hành thường xuyên, để các em tự soi chiếu và điều chỉnh hành vi của mình để hướng đến thành người tử tế trong tương lai.
Ai đó nói rằng, sự tử tế trong đứa trẻ giống như một "ly nước" đầy. Mỗi ngày đều phải rót cho con trẻ sự tử tế, lòng nhân ái, sự lễ phép, trung thực. Khi con bước ra khỏi vòng tay cha mẹ, thầy cô, thì "ly nước" ấy sẽ bị vơi đi ít nhiều bởi sự tác động của ngoại cảnh. Vậy nên, chúng ta phải tiếp tục rót thêm "nước" vào "ly" và cố gắng duy trì sự tử tế trong mỗi đứa trẻ.