📞

Giáo dục trực tuyến ở Arab

15:00 | 15/07/2016
Ở một khu vực luôn phải đối diện với các nguy cơ xung đột, giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong giáo dục không hề dễ dàng, trừ phi có một cách tiếp cận táo bạo và sáng tạo.

Từ lâu, giáo dục vẫn được xem là một thách thức đối với các nước Arab. Sự bất bình đẳng trong việc tạo cơ hội cho người dân ở khu vực này được tiếp cận với giáo dục chất lượng cao đã làm gia tăng khoảng cách về trình đó và khiến giới trẻ, thậm chí cả những sinh viên đã tốt nghiệp, rơi vào tình cảnh thất nghiệp và tuyệt vọng.

Theo bà Maysa Jalbout, CEO của Quỹ Giáo dục Abdulla Al Ghurair (gọi tắt là Quỹ AAG), để giải quyết bài toán “hóc búa” này, cần kết hợp nhiều giải pháp. Hoạt động từ tháng 4/2016 với nguồn tài chính lên tới 1,1 tỷ USD, nhiệm vụ của Quỹ AAG là tạo thêm nhiều cơ hội giúp giới trẻ ở các nước Arab được tiếp cận giáo dục thông qua hình thức trao tặng học bổng. Một trong những hướng đi được Quỹ đánh giá có tính khả thi chính là giáo dục trực tuyến (hay còn gọi là giáo dục từ xa).

Các số liệu thống kê cho thấy, internet ngày càng phổ biến tại các nước Arab. Dự kiến đến năm 2018, khoảng 226 triệu người dân Arab (chiếm trên 55% dân số các nước Arab và trên 7% dân số thế giới), sẽ được tiếp cận với internet. Tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết người sử dụng internet ở khu vực này hiện nay dùng công cụ này để truy cập các mạng xã hội, phục vụ giải trí, thay vì cho mục đích kinh tế hay giáo dục. Chính thói quen này khiến nhiều người dân Arab đánh mất cơ hội lớn để nâng cao kiến thức qua việc tham gia các khóa học trực tuyến-một mô hình giáo dục đang thu hút sự quan tâm nhờ những cải tiến về chất lượng, hiệu quả về mặt kinh phí, linh hoạt về thời gian, lại phù hợp với nhiều loại đối tượng.

Hiện nay, nhiều trường đại học hàng đầu thế giới đã áp dụng giảng dạy trực tuyến. Thay vì những bài giảng nhàm chán kéo dài hàng giờ, thiếu kiến thức thực tế, nội dung giáo dục trực tuyến bao gồm việc sử dụng bài giảng qua video ngắn gọn kết hợp với sách điện tử, các hoạt động tương tác, thảo luận trực tuyến, tham gia giải đáp câu đố và một phần quan trọng là đánh giá, góp ý của các giáo viên sau khi kết thúc khóa học.

Thách thức giáo dục truyền thống

Những đặc tính ưu việt đã khiến loại hình giáo dục trực tuyến ngày càng phát triển và dĩ nhiên, nó được xem là “đối thủ nặng ký” đối với loại hình giáo dục truyền thống, đồng thời góp phần giải quyết một số thách thức mà hệ thống giáo dục ở các nước Arab đang gặp phải.

Trước tiên, một bộ phận đông đảo giới trẻ ở các nước Arab chỉ có thể tiếp cận giáo dục với mức chi phí có thể đáp ứng được. Chính vì vậy, càng đông người tham gia các khóa học trực tuyến, trong đó có cả những người không đi học hoặc không được tiếp cận với các cơ sở giáo dục chất lượng cao, chi phí triển khai hình thức này càng thấp, kéo theo chi phí tham gia học trực tuyến càng giảm.

Thách thức thứ hai là chất lượng giáo dục truyền thống tại các nước Arab không được đề cao. Từ lâu nay, các trường cao đẳng ở khu vực này vẫn đang đào tạo mà không cần phải chứng minh rằng chất lượng đào tạo của họ tuân theo các tiêu chuẩn toàn cầu và đáp ứng mong đợi. Như vậy, với hình thức đào tạo trực tuyến, việc đánh giá tiến độ cũng như khả năng tiếp thu các kiến thức và kỹ năng để vận dụng trong thực tiễn của sinh viên sẽ dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, phương pháp giáo dục trực tuyến cũng mở ra khả năng phát triển thêm những phương thức giảng dạy và học tập mới và sáng tạo. Chẳng hạn như việc giảm hình thức giảng bài truyền thống và phương pháp học vẹt, thuộc lòng sẽ khuyến khích hình thức học self-paced (nghĩa là bạn có thể tham gia học các lớp trực tuyến bất kỳ thời điểm nào thuận lợi mà không bị gián đoạn bài giảng. Cách học này rất chủ động và phù hợp với khả năng tiếp thu của từng học viên).

Thách thức thứ ba là các nước Arab đang gặp khó khăn trong việc tổ chức các khóa học nâng cao. Để phát triển mạnh trong một môi trường thay đổi nhanh chóng như hiện nay, nơi mà công nghệ đang dần thay thế lao động chân tay và tăng cường tính chuyên môn hóa, người lao động phải luôn bổ sung, nâng cao hoặc mở rộng các kỹ năng chuyên môn cho mình. Yêu cầu  này không có nghĩa, chỉ những thanh niên Arab giàu có, không vướng bận chuyện gia đình hay công việc, mới có thể theo đuổi việc học và lấy bằng cấp tại các trường đại học hàng đầu khu vực và quốc tế. Các khóa học trực tuyến cùng với việc được cấp các chứng chỉ đào tạo có giá trị pháp lý sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng cũng như mở ra viễn cảnh nghề nghiệp cho tất cả mọi người ở các nước Arab.

Quỹ AAG và bài toán giáo dục trực tuyến

Quỹ AAG có nhiệm vụ cung cấp cho giới trẻ Arab một số chương trình giáo dục tốt nhất thế giới thông qua các khóa học trực tuyến. Vừa qua, Quỹ đã hợp tác với Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ, một đơn vị hàng đầu trong việc cung cấp các chương trình đào tạo trực tuyến.

Dự kiến MIT và Chương trình Open Learning Scholars sẽ mở hai chương trình "MicroMasters" mới gồm 5 khoá học kéo dài 12 tuần/khóa với các môn học hiện không được giảng dạy tại các trường đại học ở các nước Arab gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. CEO của Quỹ AAG hy vọng các chương trình này - có thể tiếp cận giới trẻ ở các nước Arab hoặc ngoài khu vực - sẽ thu hút sự quan tâm từ các sinh viên và nhận được hỗ trợ mạnh mẽ từ các nhà tuyển dụng.

Tuy nhiên, để đầu tư có hiệu quả, cần phải thay đổi nhận thức đối với loại hình giáo dục trực tuyến này. Và điều này đòi hỏi nỗ lực chung của các tổ chức giáo dục, chính phủ và khu vực tư nhân. Về phần mình, CEO của Quỹ AAG cam kết, AAG sẽ hợp tác để giúp cho ngày càng nhiều giới trẻ Arab được tiếp cận với giáo dục, vì nếu không làm như vậy, theo CEO này, rất có thể phần lớn giới trẻ ở các nước Arab sẽ bị tụt hậu.