Giáo hoàng Francis và nữ vũ công với điệu nhảy truyền thống chào mừng ông tới thăm Papua New Guinea ngày 7/9. (Nguồn: AP) |
Ngày 7/9, ngày đầu tiên trong chuyến thăm Papua New Guinea, Giáo hoàng Francis đã tận mắt chứng kiến hoàn cảnh khốn khổ của những người phụ nữ tại quốc gia Nam Thái Bình Dương. Một nữ tu đã kể với Giáo hoàng về công việc của nhà thờ, bao gồm việc chăm sóc những người phụ nữ bị tấn công và bị buộc tội là phù thủy và ma thuật, sau đó bị gia đình xa lánh.
Trước thực trạng này, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi Giáo hội Công giáo tại Papua New Guinea gần gũi hơn với phụ nữ bị lạm dụng và bị gạt ra ngoài lề tại một quốc gia mà tình trạng bạo lực đối với phụ nữ được báo cáo là cao gấp đôi mức trung bình toàn cầu.
Giáo hoàng Francis nói: “Tôi nghĩ đến những người bị gạt ra ngoài lề và bị tổn thương, cả về mặt đạo đức lẫn thể chất, do định kiến và mê tín dị đoan, đôi khi đến mức phải liều mạng sống của mình”. Đồng thời, Giáo hoàng thúc giục nhà thờ đặc biệt gần gũi với những người như vậy, với "sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng".
Trong bài phát biểu với các nhà lãnh đạo chính trị và nhà ngoại giao Papua New Guinea, người đứng đầu Vatican nhấn mạnh rằng, phụ nữ "là những người đưa đất nước tiến lên, họ mang lại sức sống, xây dựng và phát triển đất nước”.
Theo Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), 60% phụ nữ Papua New Guinea đã từng trải qua bạo lực thể xác hoặc tình dục từ bạn tình vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Những cáo buộc về ma thuật đối với phụ nữ là phổ biến.
Papua New Guinea xếp hạng 151/166 quốc gia về chỉ số bất bình đẳng giới của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) năm 2022.