Giáo sư Toán học người Trung Quốc Trương Ích Đường. (Nguồn: Baidu) |
Thiên tài Toán học
Ông Trương Ích Đường (sinh năm 1955) xuất thân trong một gia đình trí thức ở Thượng Hải (Trung Quốc). Bố ông từng là Giáo sư ngành Kỹ thuật Điện tại Đại học Thanh Hoa, mẹ là công chức nhà nước.
Lên 4 tuổi, ông nhớ được thủ đô của 100 quốc gia và tên hoàng đế các triều đại. Năm tuổi, ông bộc lộ sở thích học Toán, đến 9 tuổi chứng minh được Định lý Pythagore. Năm 12 tuổi, ông Đường học giải tích.
Với tài năng Toán xuất chúng, ông Đường từng là học sinh Trường Trung học Thanh Hoa (trực thuộc Đại học Thanh Hoa). Tuy nhiên, vì cuốn vào cuộc vận động 'lên núi về làng' năm 1968 (thanh niên tri thức thành phố về quê hòa mình với cuộc sống nông thôn) nên ông chỉ học hết cấp 2.
Năm 1977, Trung Quốc nối lại kỳ thi tuyển sinh đại học, ông Đường đã mượn sách giáo khoa cấp 3 để tự học. Nhờ sự chăm chỉ và thông minh cùng năng lực tự học tốt, sau mấy tháng ông nắm vững kiến thức phổ thông, đặc biệt là môn Toán. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 1978, ông Đường đạt điểm cao nên đỗ vào khoa Toán của Đại học Bắc Kinh.
Vào đại học, điểm các môn của ông đạt mức xuất sắc. Do đó, giáo sư Toán Phan Thừa Động có nhiều ấn tượng với ông Đường. Giáo sư không chỉ hướng dẫn nghiên cứu khoa học, còn giúp ông Đường củng cố kiến thức thiếu sót. Ngoài ra, hiệu trưởng lúc bấy giờ của Đại học Bắc Kinh là giáo sư Đinh Thạch Tôn cũng đánh giá cao ông Đường.
Từ chối về nước, ở Mỹ làm bồi bàn suốt 7 năm
Năm 1985, sau khi nhận bằng thạc sĩ, nhờ sự giúp đỡ của nhà Toán học Mạc Tôn Kiên, ông Đường có 1 suất đi du học tiến sĩ tại Đại học Purdue (Mỹ) bằng chi phí công. Sau khi nghiên cứu, ông Đường chọn 'Phỏng đoán Jacobi' làm đề tài luận án tiến sĩ. Để hoàn thành luận án, ông Đường mất 2 năm, quá trình chứng minh sẽ dựa trên kết quả nghiên cứu của nhà Toán học Mạc Tôn Kiên.
Khi tiến hành nghiên cứu, ông Đường nhận định kết luận trong 'Phỏng đoán Jacobi' của giáo sư Mạc Tôn Kiên sai. Điều này khiến giáo sư tức giận nên từ chối gửi thư giới thiệu việc làm để ngăn cản chỗ đứng trong giới học thuật và các tổ chức nghiên cứu không chấp nhận ông Đường.
Nắm được tình hình, Đại học Bắc Kinh lúc đó đề xuất ông Đường về trường làm giáo sư. Nhưng ông từ chối quyết tâm ở lại Mỹ làm bồi bàn suốt 7 năm để có tiền hoàn thành chương trình tiến sĩ. Ông phải làm từ rửa bát, bưng bê đến chuyển phát nhanh. Không thể chi trả tiền sinh hoạt phí, ông Đường mượn tầng hầm của nhà bạn ngủ qua đêm.
Dù cuộc sống khó khăn nhưng ông không bỏ cuộc, quyết tâm chứng minh điều bản thân làm là đúng. Thời gian đó, ông nghĩ đến việc về Trung Quốc, nhưng nhanh chóng từ bỏ ý định vì chưa đạt được thành tựu ở Mỹ. Cuối cùng, đến năm 1992, ông mới hoàn thành việc bảo vệ luận án tiến sĩ ở tuổi 37.
Thành công ở tuổi xế chiều
Sau khi nhận được bằng tiến sĩ, ông Đường luôn tìm kiếm cơ hội vào đại học giảng dạy để chứng minh năng lực bản thân. Năm 1999, nhờ sự giới thiệu của bạn bè ông Đường được mời làm giảng viên thỉnh giảng tại Đại học New Hampshire (Mỹ). Mặc dù thu nhập thấp nhưng ông có công việc ổn định không phải lao động chân tay. Tại đây, ông trở nên nổi tiếng bởi tài năng giảng dạy xuất sắc.
Nhờ sự cố gắng không ngừng, ở tuổi 50, ông Đường trở thành giảng viên chính thức của Đại học New Hampshire (Mỹ). Năm 2008, ông Đường bắt đầu nghiên cứu lý thuyết số 'Phỏng đoán số nguyên tố kép'. Nghiên cứu kéo dài 5 năm, đến năm 2013, ông thành công đưa ra kết luận và viết bài đăng trên tạp chí khoa học.
Ở tuổi 58, tên tuổi của ông chính thức bước vào giới học thuật và trở thành nhà Toán học nổi tiếng. Ngoài ra, ông còn xuất bản thêm bài báo về 'Khoảng cách giữa các số nguyên tố', chứng minh sự tồn tại của vô số cặp nguyên tố có khoảng cách nhỏ hơn 70 triệu.
Loạt thành công trên giúp ông có cơ hội đứng tại giảng đường khoa Toán của Đại học Harvard tự hào giới thiệu những kết quả nghiên cứu của bản thân và giành được nhiều giải thưởng như: Nhà khoa học xuất sắc, Giải thưởng Shaw, Giải Sao mai dành cho nhà nghiên cứu xuất sắc…
Ở tuổi 60, ông Đường được Đại học California (Santa Barbara, Mỹ) mời về làm giáo sư Toán học. Khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, năm 2018, ông quyết định về nước để cống hiến cuộc đời còn lại cho quê hương.
Hiện tại, giáo sư Đường đảm nhận vị trí Viện trưởng Viện Toán học Phan Thừa Động của Đại học Sơn Đông. Về nước để cống hiến ở tuổi xế chiều, nhà Toán học Trương Ích Đường cam kết sẽ phá vỡ tư duy truyền thống đưa nền Toán học Trung Quốc phát triển sánh ngang với các quốc gia trên thế giới.