Giáo viên trường Tiểu học Vietschool (Thanh Xuân, Hà Nội) hàng ngày phải kiểm tra, chấm điểm học sinh trên Google Form. (Nguồn: Dân trí) |
Thời gian vừa qua, với phương châm “không bỏ sót học sinh, không bỏ qua kiến thức”, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt việc dạy học qua mạng Internet. Các thầy cô giáo tích cực tìm tòi, hỗ trợ, động viên, giúp đỡ học sinh học trực tuyến qua phần mềm zoom, zalo, viber, qua các video clip hướng dẫn cụ thể được đăng tải trên website, fanpage và facebook nhà trường.
Trong quá trình dạy học, các thầy cô giáo gặp không ít khó khăn, nhưng với sự ủng hộ của các phụ huynh học sinh, sự quyết tâm và lòng yêu nghề, đội ngũ giáo viên nhà trường luôn tâm nguyện sẽ biến thách thức thành cơ hội, tìm hiểu mọi phương pháp dạy học tối ưu để kiến thức được truyền tải đến tất cả các em học sinh, truyền cảm hứng cho các em say mê học tập và mong mỏi được tham gia những tiết học trực tuyến.
Sau khi hoàn thành những tiết dạy trực tuyến trong buổi sáng ngày 10/4, gần 70 cán bộ giáo viên khối Tiểu học trường Liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội tiếp tục hào hứng tham gia vào buổi tập huấn online mang chủ đề “Chia sẻ về sử dụng nâng cao một số phần mềm hỗ trợ việc dạy học trực tuyến”.
Nội dung chính của buổi tập huấn đi sâu vào việc hướng dẫn và giải thích những những tính năng trên 6 ứng dụng cơ bản, mà các thầy cô giáo Ngôi Sao Hà Nội thường xuyên sử dụng cho việc dạy học trực tuyến từ đầu mùa dịch đến nay như: Zoom, Mentimeter, Flipgrid, Quizizz, Google Forms, Nearpod.
Theo đó, nếu bố cục của một bài giảng online đi theo tiến trình 5 bước gồm: Điểm danh đầu giờ, Khởi động, Bài mới, Củng cố bài, Dặn dò và giao nhiệm vụ; thì các thầy cô có thể tích hợp những ứng dụng theo thứ tự trong hình minh họa dưới đây để dễ dàng hơn trong việc quản lý lớp cũng như truyền đạt kiến thức.
Cô Vũ Thị Huyền Trang (giáo viên tiếng Anh) chia sẻ: “Công cụ giảng dạy thì có rất nhiều và đa dạng, phong phú. Tuy nhiên để việc dạy học có hiệu quả, đòi hỏi giáo viên phải biết tìm tòi, khám phá và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết kế bài giảng của mình nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong giảng dạy.
“Chúng tôi mong muốn các thầy cô không những là người truyền cảm hứng cho các con mà còn khuyến khích các con trở thành “nhà khám phá công nghệ” trong thời đại 4.0 này”, cô Trang cho hay.
Tại trường Tiểu học Vietschool (Thanh Xuân, Hà Nội) hiện nay đã có tỷ lệ học sinh tham gia học online đạt hơn 90%. Trường đã áp dụng việc học online từ 2 tháng trước đây. Học sinh học trực tuyến theo thời khóa biểu đã gửi từ đầu tuần, đảm bảo thời lượng không quá 5 tiết/ ngày, 35 phút/ tiết.
Hàng ngày, giáo viên kiểm tra, đánh giá học sinh bằng nhiều hình thức như gửi bài tập trên Google Form, chấm điểm dựa vào video/clip học sinh đã thực hiện. Ngoài ra, thầy cô vẫn thường xuyên kết nối với các em bằng Zalo, điện thoại để giải đáp thắc mắc trong quá trình học.
Các giáo viên phải liên tục trau dồi kỹ năng để tạo cho học sinh những tiết học thú vị. (Nguồn: Dân trí) |
“Tính đến nay, chúng tôi đã triển khai chương trình học online đến toàn bộ các môn học, thay vì chỉ 3 môn chính là Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh như trước. Các ca học được phân bố hợp lý, có cả ca tối để phụ huynh dễ dàng theo dõi quá trình học của con.
Ngoài giảng bài qua các tiết học online, giáo viên cũng đầu tư công sức ghi hình, dựng bài, gửi tới các em các video bài học hàng tuần. Nhờ đa dạng hình thức dạy học, học sinh không cảm thấy nhàm chán mà thích thú học tập”, cô Vũ Hồng Loan, hiệu trưởng trường Vietschool đánh giá.
Chị Hương Giang, phụ huynh đang có con học tại trường Vietschool cho biết, lớp học của con thường có 1 giáo viên và 1 trợ giảng hỗ trợ các con kịp thời. Ngoài ra, các môn học hàng tuần vẫn được các cô gửi video bài giảng và thường xuyên liên lạc với phụ huynh qua Zalo, chat để nắm bắt tình hình học tập của con nên tôi rất yên tâm.
Bộ GD&ĐT đã quy định, trong quá trình tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học qua Internet.
Kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên này được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ GD&ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Bộ cũng yêu cầu, cơ sở giáo dục phổ thông quản lý, theo dõi, giám sát việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh qua internet, trên truyền hình, bảo đảm công bằng, khách quan, trung thực.