Dáng người gầy, khắc khổ nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi bà chủ cửa hàng Chu-đi. Tay thoăn thoắt tráng bánh, cuốn bánh trên chiếc khay rải sẵn lá chuối. Ai đến với cửa hàng của bà cũng tấm tắc khen ngợi những món ăn Việt Nam do tay bà chế biến. Nào là bánh bột lọc, bánh bèo, bánh lá, bánh nậm, bánh cuốn...
Bà Đinh Thị Chu gắn bó với nghề này đã hơn 30 năm. Bà kể: Bố mẹ bà là người Việt, sang Lào làm ăn sinh sống từ thời Pháp thuộc. Bà sinh ra và lớn lên ở tỉnh Pakse. Nghề làm bánh cuốn, giò chả mà mẹ bà học được ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã theo chân sang đất Lào, và bà học lại từ người mẹ tự lúc nào không hay.
Do cuộc sống chật vật, khó khăn, bà rời Pakse, đưa cả gia đình lên thủ đô Vientiane sinh sống và gắn bó với nghề từ đó. Để có được cửa hàng nằm trên khu phố người Việt là cả một chuỗi thời gian vất vả. Nhớ lại thời kỳ đã qua, bà Chu không ngăn nổi dòng nước mắt: “Vì tình cảm gia đình, mình phải phấn đấu cho cuộc sống tương lai của các con, thành ra không nề hà việc gì”.
Một ngày làm việc của bà Chu bắt đầu từ 3 giờ sáng. Nhóm bếp, bắc nước, xào nhân, pha bột, soạn cửa hàng. 6 giờ sáng bày biện xong là bán hàng. Cửa hàng bà Chu lúc nào cũng đông khách bởi các món vừa dễ ăn lại vừa ngon miệng. Bà kể: “Đài của Lào cũng tới phỏng vấn. Hỏi tôi là làm sao làm ngon thế, được lòng khách vậy? Tôi bảo các món ăn của tôi đều phải thức khuya dậy sớm, làm sớm làm tươi, làm vừa lòng khách nên họ mến, ai họ cũng đến ăn dùm. Cái nghề bánh tráng nói thật là ai cũng làm được. Nhưng mẹ tôi đã truyền lại bí quyết pha bột cho tôi: bột mềm, dai, không chua”.
Chỉ với một cửa hàng ăn, bà Chu đã lo cho cả 4 người con trai ăn học thành tài. Các con đều tốt nghiệp đại học ở Lào và ở Trung Quốc, có công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá. Bà Chu mừng lắm: “Ơn trời, con cái được học hành tốt. Tôi cảm động lắm, thương mà mừng. Đôi lúc ngồi nghĩ lại, nước mắt vẫn muốn chảy ra, vì cuộc đời mình vượt qua bao khó khăn để nuôi con trưởng thành. Ngày nay nó trưởng thành, thành đạt hết, mình cũng hãnh diện. Nghề của tôi không giàu vì mình không buôn to bán lớn, đủ nuôi con ăn học đàng hoàng, thành ra mừng vậy thôi”.
Không chỉ học giỏi, các con bà Chu còn rất chịu khó, luôn tranh thủ thời gian rỗi để giúp mẹ bán hàng. Nguyễn Văn Phúc, 31 tuổi, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa chuyên ngành xây dựng tâm sự: “Hồi trước làm ở công ty Sa-miu-siu của Hà Nội. Lúc đó chưa lập gia đình, thỉnh thoảng phải dậy sớm giúp mẹ, xong việc mới ra công trường làm việc”.
Bận rộn với công việc ở cửa hàng là thế, nhưng bà Chu luôn coi trọng việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ bằng cách dạy các con phải nói tiếng Việt khi bước chân vào nhà. “Bố tôi là con nhà nho, năm nay ông 90 tuổi, chữ nho ông giỏi lắm. Ông nói bằng giá nào cũng phải giữ tiếng mẹ đẻ. Dạy con dù nó đi học tiếng Lào, nhưng về nhà vẫn nói tiếng Việt với nhau. Tôi dạy con trước mắt con phải lễ phép, người đáng bằng ba bằng mẹ con phải chào bằng bác, nhỏ hơn phải chào bằng chú bằng cô. Người ta nói gì mặc kệ con vẫn phải vâng ạ , dạ ạ. Tôi dạy các cháu như vậy”, bà cho biết.
Sống ở Lào ngót 60 năm. Chưa có điều kiện về thăm lại nguồn cội, nhưng truyền thống Việt Nam, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam vẫn thấm đượm trong tâm khảm bà. Mỗi khi nhớ quê hương, bà lại thầm ngâm ngợi bài thơ Người con gái Việt Nam như để trải bớt nỗi lòng: Em là ai, cô gái hay nàng tiên? Em có tuổi hay không có tuổi? Mái tóc em đây hay là mây là suối? Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông...
Lan Phương