Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc. |
Trong cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc ngày 4/12, ngay sau khi đến thủ đô Seoul bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước Hàn Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ mong muốn cộng đồng người Việt Nam sở tại tiếp tục đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau hội nhập, phát huy trí tuệ của người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp phát triển nước sở tại cũng như hướng về xây dựng quê hương, đất nước.
Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) là một tổ chức của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, chuyên gia, trí thức và những đơn vị, tổ chức có mục đích giao thương không chỉ giữa Việt Nam - Hàn Quốc mà phát triển cả các thị trường khác trên thế giới. Thông qua đó, Hiệp hội huy động năng lực cá nhân, tập thể vì lợi ích chung của doanh nghiệp, doanh nhân và cộng đồng, giao lưu hợp tác và phát triển với các hiệp hội, cơ quan tổ chức tại Hàn Quốc, Việt Nam và các nước khác. Các hoạt động của Hiệp hội thúc đẩy mối quan hệ hợp tác-cùng phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ, văn hóa và giáo dục…. đã góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của hai đất nước Việt Nam và Hàn Quốc. |
Chủ tịch nước nhấn mạnh việc nâng tầm trí tuệ của người Việt Nam tại một đất nước phát triển như Hàn Quốc. Thời kỳ công nghiệp 4.0, vấn đề đổi mới sáng tạo, học hành tử tế, lao động chất lượng cao là các vấn đề rất lớn cần phấn đấu. Số sinh viên cần tăng lên, số người đổi mới sáng tạo, start-up phải nhiều hơn, xuất hiện những kỳ lân Việt Nam phải có mặt ở đây…
Những chia sẻ thân tình của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khiến Chủ tịch VKBIA Trần Hải Linh vô cùng tâm đắc. Trả lời phỏng vấn báo TG&VN, anh Trần Hải Linh cho biết, Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã tiếp tục đề cập đến 6 nhiệm vụ - giải pháp trong thời gian tới, đây là điều hết sức quan trọng và cấp thiết cho công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Việt Nam đã và đang tiếp tục tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, làm trọng tâm và lấy sản phẩm công nghệ cao và giá trị thặng dự kinh tế là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, có phương thức quản trị hiện đại, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Chính vì vậy, chuyến thăm cấp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được giới doanh nghiệp, doanh nhân hai nước kỳ vọng sẽ mang đến những bước tiến mới trong hợp tác, giúp tạo động lực cho hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước diễn ra ngày càng sôi nổi.
Việt Nam-Hàn Quốc đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau. Tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển, hợp tác kinh tế, xúc tiến đầu tư và giao thương luôn là trụ cột quan trọng và là điểm sáng trong bức tranh tổng thể quan hệ hợp tác song phương.
TS. Trần Hải Linh hiện là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA). |
Hiện cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc lên tới 250.000 người và số người Hàn Quốc tại Việt Nam cũng lên tới 200.000 người. Tại Hàn Quốc đang có 65.000 gia đình đa văn hóa Việt – Hàn. Đây đều là những gia đình “cộng đồng trẻ” về số năm hình thành, lại có tiềm lực tài chính, trí tuệ, có khả năng đóng góp quan trọng thúc đẩy Đối tác chiến lược toàn diện hai nước. Và số lượng đông đảo cộng động người Việt sinh sống tại đất nước phát triển như Hàn Quốc cũng chính là cơ hội để trí tuệ người Việt ngày càng được phát huy.
Và theo Chủ tịch VKBIA Trần Hải Linh, để phát huy trí tuệ, tinh thần hơn nữa, từ đó nâng cao vị thế của người Việt ở nước phát triển như Hàn Quốc, các doanh nghiệp, kiều bào Việt Nam tại Hàn Quốc, trước hết cần tăng cường thu hút, phát huy nguồn lực đầu tư, thương mại, chất xám, mối quan hệ từ các trí thức, doanh nhân... phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước.
Cùng với đó, cần tăng cường vai trò của các đại diện kiều bào tiêu biểu trong công tác hỗ trợ các cơ quan chức năng của Việt Nam thu hút đầu tư và phối hợp đầu tư có hiệu quả. Đây là những người có những góc nhìn đa chiều, hiểu được mong muốn của các quỹ đầu tư, tập đoàn và quy định thu hút đầu tư của Việt Nam, của cả trung ương và địa phương để có những khuyến nghị tốt nhất cho những nhà đầu tư tiềm năng đến từ Hàn Quốc nói riêng và của các nước nói chung.
Thứ hai, cần có cơ quan đầu mối có thẩm quyền của Việt Nam để trực tiếp hỗ trợ, kết nối trí thức, doanh nhân kiều bào, giúp kết nối doanh nghiệp kiều bào với doanh nghiệp trong nước để trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, làm cầu nối đưa hàng hóa Việt Nam phát triển và đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu… Có thể ứng dụng linh hoạt mô hình hay kinh nghiệm của Hàn Quốc đã áp dụng như KOTRA hay KOICA.
Thứ ba, tận dụng thế mạnh liên kết doanh nhân kiều bào, doanh nghiệp Việt-Hàn để thúc đẩy việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nông nghiệp... sang Hàn Quốc và các thị trường quốc tế khác qua cửa ngõ là Hàn Quốc. Nếu việc phối hợp diễn ra tốt đẹp thì các sản phẩm Việt Nam có thể dễ dàng vượt qua hơn các "rào cản kỹ thuật" giúp tăng cường xuất khẩu sản phẩm Việt đến Hàn Quốc và ra thế giới. Từ đó, tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, tận dụng lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Thứ tư, cần nghiên cứu và xem xét việc trọng dụng hơn nữa các kiều bào tiêu biểu, người đủ uy tín và khả năng, trình độ để tham gia trực tiếp vào các cơ quan, tổ chức ở Việt Nam mà vẫn đảm bảo phù hợp theo quy định Nhà nước.
Việt Nam-Hàn Quốc đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau, tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển, hợp tác kinh tế, xúc tiến đầu tư và giao thương luôn là trụ cột quan trọng và là điểm sáng trong bức tranh tổng thể quan hệ hợp tác song phương.
Chủ tịch VKBIA kỳ vọng, hai bên sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2023 và hướng tới mục tiêu đạt 150 tỷ USD vào năm 2030, trong đó có cân bằng thương mại song phương.
Ngoài các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư và mở rộng quy mô đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới, thì các quỹ đầu tư, nhà đầu tư quốc tế khác thông qua “cửa ngõ” là Hàn Quốc cũng đã và đang giành sự quan tâm rất lớn cho Việt Nam.
“VKBIA luôn sẵn sàng là cầu nối để phát triển những dư địa lớn đó, tiếp tục là cánh tay nối dài của Việt Nam và sẽ nỗ lực hết sức của mình để đồng hành, hướng tới sự phát triển của Việt Nam ngày càng thịnh vượng, góp phần thúc đẩy quan hệ 2 nước Việt Nam-Hàn Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ và thành công”, Chủ tịch VKBIA Trần Hải Linh nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có 12 cuộc tiếp xúc với gần 30 lãnh đạo các tập đoàn, các ngân hàng và tổ chức tài chính, nhà đầu tư hàng đầu của Hàn Quốc (Samsung Electronics, Lotte, Hyosung, LG, Hyundai Motor, CJ, Daewoo E&C, GS E&C, Doosan, Ngân hàng KDB,...) đang có hoạt động đầu tư quy mô hàng chục tỷ USD tại Việt Nam. Trong chuyến thăm, với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Yoon Suk Yeol và Lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, các cơ quan, doanh nghiệp hai bên đã ký kết 24 văn kiện hợp tác, trong đó có 16 thỏa thuận hợp tác, cam kết giao ước, đề xuất đầu tư mới và mở rộng với tổng giá trị ước tính khoảng 15 tỷ USD. |