Ảnh chụp tàu Trung Quốc tập kết tại Đá Ba Đầu ngày 23/3. (Nguồn: Maxar) |
Tận dụng triệt để chiến lược "vùng xám"
Cách đây 3 tuần, nhà chức trách Philippines thông báo, khoảng 220 tàu của Trung Quốc đã neo đậu tại Đá Ba Đầu trên Biển Đông.
Các tàu của Trung Quốc có kích thước rất lớn, vỏ bằng thép, với chiều dài từ 30 đến 100m. Các con tàu này không thực hiện công việc đánh bắt cá. Chúng xếp thành hàng dài, chiếu đèn sáng vào ban đêm nhưng không di chuyển.
Trung Quốc cho biết, đây là những con tàu đánh cá đang tìm chỗ trú ẩn do điều kiện thời tiết xấu, song Philippines cho rằng, đó là tàu của dân quân biển.
Theo Philippines, vào thời điểm các tàu cá Trung Quốc tập kết, điều kiện thời tiết tương đối ổn định, nhiều nắng ở khu vực biển xung quanh cụm Sinh Tồn và không có cảnh báo bão.
Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Hermogenes Esperon cho biết, những con tàu này đã neo đậu trong khu vực với số lượng ngày càng gia tăng kể từ tháng 11/2020, không có dấu hiệu đánh bắt cá và cũng chưa có dấu hiệu sắp rời đi.
Mặc dù Trung Quốc khẳng định các con tàu đó do tư nhân sở hữu và không có bất cứ hệ thống vũ khí nào, nhưng chuyên gia Andrew Erickson thuộc Trường chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng, bản thân các con tàu này chính là vũ khí.
Chuyên gia Andrew nêu rõ: “Chúng lớn hơn và mạnh hơn rất nhiều so với các tàu cá thông thường của các nước láng giềng, với khung thân vững chắc, có nhiều đường ván được gắn ở phần thân để gia cố dây buộc và có vòi rồng áp lực nước phun xa. Những điểm mạnh này khiến chúng trở thành vũ khí mạnh mẽ trong các trường hợp xảy ra đụng độ, với khả năng tấn công tàu thuyền dân sự hoặc tàu cảnh sát biển của nước khác”.
Cây bút Peter Hartcher của tờ The Sydney Morning Herald nhận định, không phải ngẫu nhiên Trung Quốc chọn Đá Ba Đầu làm nơi neo đậu tàu.
Đá Ba Đầu nằm trên tuyến vận tải quốc tế quan trọng, vốn là một phần của huyết mạch thương mại có giá trị nhất trên thế giới. Vì thế, Bắc Kinh có thể đang nuôi ý định chiếm giữ trái phép khu vực này.
Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông thông qua yêu sách "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò", bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép trên tất cả mặt trận đối với các nước liên quan cho đến khi đạt được mục đích”, Richard McGregor, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Lowy cho biết.
Ngay cả khi không thành công, Trung Quốc vẫn có ý đồ làm thay đổi hiện trạng Đá Ba Đầu, chuyên gia này nhận xét thêm.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã bồi lấp thêm hơn 1.300 hecta đất trên 7 thực thể mà nước này chiếm giữ trái phép ở Biển Đông, xây dựng đường băng, cảng, nhà chứa máy bay và triển khai thiết bị liên lạc tại các khu vực này.
Để từng bước hiện thức hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đang tận dụng triệt để chiến lược “vùng xám”, hay còn gọi là chiến lược “cắt lát salami”. Nói cách khác, Bắc Kinh muốn vẽ lại bản đồ chính trị mà không cần tốn một viên đạn nào.
Chiến thuật "vùng xám" được định nghĩa là hành động gây căng thẳng nhưng dưới mức chiến tranh, không tạo cớ cho xung đột xảy ra, để các nước khác không có cớ can thiệp quân sự chính thức.
Với chiến thuật này, các nước có thể dùng lực lượng quân sự núp bóng các lực lượng dân sự hoạt động. Ở đây, lực lượng đắc lực mà Trung Quốc triển khai là dân quân biển.
Trong khi đó, nhà báo Gotcha của tờ Philippine Star cho rằng, nếu Trung Quốc triển khai lực lượng hải quân thì đây sẽ là hành động “khiêu khích trực tiếp” có thể dẫn tới xung đột. Do đó, việc huy động các con tàu núp bóng dưới danh nghĩa tàu cá sẽ giúp Bắc Kinh che lấp ý đồ của họ. Kết hợp động thái này với việc Trung Quốc thông qua luật hải cảnh hồi tháng 1/2021 cho phép lực lượng hải cảnh bắn vào tàu nước ngoài, có thể thấy hành động của Bắc Kinh là “cực kỳ nguy hiểm và táo tợn”.
Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế
Theo giới phân tích, việc Trung Quốc điều tàu cá tập kết tại Đá Ba Đầu đã vi phạm luật pháp quốc tế và các công ước.
Thứ nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Theo công ước này, tàu thuyền của các quốc gia khác được quyền "đi qua không gây hại" trong lãnh hải của quốc gia ven biển, với những quy định kiểm soát chặt chẽ của quốc gia ven biển.
Đi qua lãnh hải ở đây được hiểu là tàu thuyền nước khác có quyền đi ngang qua lãnh hải của quốc gia ven biển mà không vào nội thuỷ, không đậu lại tại các công trình cảng hay một vũng tàu ở bên ngoài nội thủy.
Như vậy, việc Trung Quốc cho tàu thuyền tập kết tại Đá Ba Đầu đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 25/3 đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành vi vi phạm và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. |
Thứ hai, Bắc Kinh đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).
DOC nêu rõ: “Các bên cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định”.
Tuyên bố đặc biệt nhấn mạnh việc kiềm chế không đưa người lên các đảo, bãi hiện nay không có người ở và giải quyết bất đồng thông qua các động thái mang tính xây dựng. Tuy vậy, Trung Quốc lại đang làm trái với những cam kết này.
Thứ ba là phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế năm 2016.
Phán quyết của Tòa trọng tài PCA đã bác bỏ những yêu sách phi lý của Trung Quốc với cái gọi là “chủ quyền ở Biển Đông”. Điều này cũng có nghĩa là những yêu sách của Bắc Kinh đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hoàn toàn phi pháp.