📞

Giới thiệu sách: Ngoại giao Việt Nam 2001-2015

Nguyễn Đắc Thành - Nguyễn Cẩm Tú 13:54 | 03/04/2020
TGVN. Tiếp nối những ấn phẩm về lịch sử truyền thống ngoại giao, đặc biệt là cuốn sách Ngoại giao Việt Nam 1945-2000 xuất bản năm 2002 và cuốn sách Bộ Ngoại giao: 70 năm xây dựng và phát triển 1945-2015 xuất bản năm 2015, tháng 3/2020, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Ngoại giao Việt Nam 2001-2015.     
Sách Ngoại giao Việt Nam 2001-2015 là công trình nghiên cứu công phu do những nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, đứng đầu là nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan thực hiện.

Cuốn sách là một công trình nghiên cứu công phu thực hiện bởi tập thể những nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, đứng đầu là nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan, với sự đóng góp ý kiến của các đồng chí Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các cán bộ ngoại giao lão thành cùng các đơn vị, chuyên gia trong và ngoài Bộ Ngoại giao.

Với độ dày gần 450 trang, cuốn sách đã phân tích đầy đủ, sâu sắc tất cả các góc cạnh của đối ngoại Việt Nam trong 15 năm đầu thế kỷ XXI (2001-2015), một thời kỳ chứng kiến những chuyển biến cơ bản của thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như những bước chuyển mình quan trọng của đất nước.

Từ ý tưởng ban đầu…

Cuốn sách Ngoại giao Việt Nam 2001-2015 là thành quả công sức sau gần 3 năm nỗ lực của tập thể tác giả biên soạn và đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật mà Vụ Thi đua-khen thưởng và Truyền thống ngoại giao đóng vai trò thư ký biên tập.

Ý tưởng cho ra đời cuốn sách xuất phát từ nhu cầu cần thiết có một công trình nghiên cứu tổng thể, toàn diện về Ngoại giao Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XXI. Ý tưởng được đưa ra từ năm 2016 nhưng gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Mãi đến cuối năm 2017, việc biên soạn cuốn sách mới thực sự được khởi động, tiếp theo đó là những nỗ lực không mệt mỏi chạy đua với thời gian để hoàn thành việc xuất bản đưa đến tay bạn đọc.

Công trình công phu về đối ngoại Việt Nam 15 năm đầu thế kỷ XXI

Cuốn sách tuy phản ánh một giai đoạn ngắn hơn nhiều so với cuốn Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, nhưng đã miêu tả vô cùng đầy đủ và có chiều sâu về tất cả những góc cạnh của hoạt động đối ngoại thời kỳ đổi mới và hội nhập, kể cả những vấn đề vốn được coi là nhạy cảm.

Đây là một thời kỳ mà thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương có những chuyển biến sâu sắc; đó là khi những tiến bộ vượt bậc về khoa học – công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu 2007-2008, đặc biệt sự kiện ngày 11/9/2001… đã tác động mạnh mẽ tới cục diện thế giới, quan hệ quốc tế, và tương quan lực lượng trong thế giới đa cực, đa trung tâm, đồng thời làm nổi lên những thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống và những vấn đề toàn cầu mới.

Tuy nhiên trong 15 năm đầu đầy biến động của thế kỷ XXI này, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn tiếp tục là xu thế lớn, là nguyện vọng và lợi ích chung của toàn nhân loại. Toàn cầu hóa, dù gặp nhiều cản trở vẫn tiếp tục được thúc đẩy, cùng với đó là xu thế liên kết quốc tế, đặc biệt là liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực. Việt Nam đã nắm bắt, tận dụng hiệu quả và khẳng định mình là một phần của những xu thế tiến bộ đó.

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực đầy biến động này, việc triển khai hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong 15 năm đầu của thế kỷ XXI đã có nhiều nét mới, theo hướng ngày càng rộng hơn về đối tác và khu vực, toàn diện hơn về lĩnh vực và sâu sắc hơn về nội dung.

Về quan hệ song phương, trong giai đoạn này, Việt Nam đã thiết lập nhiều nhất các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã có những bước tiến cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2006 đánh dấu sự hội nhập hoàn toàn và đầy đủ của Việt Nam với nền kinh tế thế giới.

Về quan hệ đa phương, Việt Nam luôn thể hiện rõ là một “đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009; đảm nhiệm vị trí lãnh đạo quan trọng trong các tổ chức quốc tế như Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN (ASC) nhiệm kỳ 2000-2001, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC nhiệm kỳ 2005-2006, Chủ tịch ASEAN năm 2010, Tổng Thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013-2017…

Giai đoạn 2001-2015 cũng là giai đoạn của những bước phát triển vững chắc trong tư duy đối ngoại qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, X và XI, được thể hiện qua một loạt văn kiện, nghị quyết, văn bản về đối ngoại được xây dựng trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, thời kỳ này cũng chứng kiến sự phát triển vượt bậc và toàn diện của các trụ cột ngoại giao từ ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế đến ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại, công tác cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân và biên giới – hải đảo… Các hoạt động ngoại giao Nhà nước có sự phối kết hợp chặt chẽ với các hoạt động đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trên mặt trận đối ngoại.

Sách Ngoại giao Việt Nam 2001-2015

Phản ánh sâu sắc những hoạt động đối ngoại sôi động trong giai đoạn 15 năm đầu thế kỷ XXI đầy biến động, cuốn sách được phân chia thành những vấn đề lớn như sau:

  • Bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế;
  • Đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước;
  • Các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương; công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và thông tin – tuyên truyền đối ngoại; đối ngoại Đảng, ngoại giao nghị viện và đối ngoại nhân dân; công tác biên giới lãnh thổ; công tác cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân;
  • Lời kết.

Để tiện cho người đọc tra cứu, cuối cuốn sách cũng có kèm theo phụ lục hơn 120 trang Đại sự ký ghi lại các sự kiện quan trọng trong quan hệ đối ngoại của nước ta.

Ra đời đúng năm kỷ niệm 75 năm thành lập Ngành Ngoại giao (28/8/1945-28/8/2020), với lượng thông tin cung cấp phong phú, đáng tin cậy, cuốn sách là một tài liệu chính thống, có giá trị tham khảo cho đông đảo bạn đọc; đồng thời giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về chính sách ngoại giao của Việt Nam vì sự nghiệp dân tộc, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đây cũng là một sự tri ân đối với các thế hệ cán bộ ngoại giao và những chiến sĩ trên các “binh chủng” của mặt trận đối ngoại.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!

"Có thể nói, công tác đối ngoại giai đoạn 2001-2015 là sự tiếp nối, kế thừa những thành tựu đối ngoại của thời kỳ trước, đồng thời đây cũng là giai đoạn của sự phát triển, thăng hoa, có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử đối ngoại Việt Nam, đặc biệt từ sau khi thực hiện công cuộc đổi mới. Đối ngoại đã khẳng định vai trò quan trọng trong bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Những thành tựu đối ngoại ở giai đoạn này đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được bạn bè thế giới đánh giá cao".

(Trích lời giới thiệu cho cuốn sách của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh)

Vụ Thi đua khen thưởng và Truyền thống ngoại giao