Kam Gin Kang, thanh niên trẻ 24 tuổi đã quyết định nghỉ việc tại một công ty bán đồ điện tử, rời Kuala Lumpur về sống cùng với ông bà mình ở một ngôi làng nhỏ thuộc bang Perak, cách thành phố 250km.
Cô Saloma Gugug (bên trái). (Nguồn: The Strait Times) |
Kam chia sẻ, sự ồn ào và náo nhiệt của cuộc sống nơi thị thành luôn khiến anh chán ngán. Kam muốn trải nghiệm cuộc sống yên bình nơi miền quê và lập nghiệp tại đây. “Ngay từ bé tôi đã có ước mơ kinh doanh nhà trọ nhưng cuộc sống bộn bề đã làm tôi xao lãng. Một người bạn đã khuyên tôi nên tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Và thế là tôi quyết định về quê khởi nghiệp”, anh tâm sự.
Ban đầu, Kam khá lo lắng vì chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng nhưng bất chấp sự hoài nghi của bản thân, anh vẫn quyết tâm bắt tay thực hiện dự án. Với sự trợ giúp của cha – một thợ mộc lành nghề, ngôi nhà gỗ cũ kỹ đã được tu sửa thành dãy nhà trọ độc đáo theo phong cách truyền thống. Các du khách đến nghỉ sẽ nằm nệm trúc trải dưới sàn nhà và tắm bằng gáo dừa.
Chính thức được hoàn thiện vào năm 2012, chỉ trong thời ngắn, dãy nhà trọ của Kam đã trở nên nổi tiếng và thu hút khá nhiều du khách tới nghỉ dưỡng bởi sự mộc mạc, đậm chất miền quê dân dã. Ngôi nhà là điểm đến yêu thích dành cho những du khách muốn rời xa sự huyên náo của các thành phố lớn, tìm đến những không gian trong lành, yên tĩnh.
Thay vì vất vả xin việc tại các công ty lớn, sau khi tốt nghiệp đại học ngành du lịch, Saloma Gugug (25 tuổi) lại về quê mình là làng Kampung Sadir (bang Sarawak) để mở công ty du lịch với sản phẩm chính là các tour homestay (du lịch nghỉ ở nhà dân). Kinh doanh rất thành công nên gia đình đã mở rộng ngôi nhà từ ba phòng ngủ thành sáu phòng với một ban công rộng để du khách có thể thư giãn và ngắm cảnh.
Khởi nghiệp nơi miền quê
Nhà trọ Kamo House của anh Kam Gin Kang hay công ty du lịch của cô Saloma Gugug là những ví dụ điển hình của làn sóng khởi nghiệp đang phát triển tại các bang miền quê Malaysia. Không chỉ nở rộ các mô hình nhà trọ, rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ du lịch cũng xuất hiện ngày càng nhiều tại các ngôi làng nhỏ như Kluang (bang Johor) hay Kajang (bang Selangor). Ngay đến ngôi làng chài Pulau Ketam (bang Selangor) cũng từng được lựa chọn là địa điểm để tổ chức một trong những lễ hội lớn nhất trong năm 2014 với ý tưởng biến vỉa hè thành nơi trưng bày nghệ thuật ngoài trời.
Nhờ những dự án khởi nghiệp của giới trẻ, bộ mặt của các ngôi làng ở Malaysia đang dần “thay da đổi thịt”, đời sống người dân được nâng cao khi lượng khách du lịch đổ về ngày càng đông.
Ông H.K Ng, chủ nhà trọ Ikan Kurau Homestay tại làng chài Kuala Kurau (bang Perak) cho biết, du khách rất thích thú khi được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang, quang cảnh bờ biển, ăn hải sản tươi được chế biến ngay tại nhà dân hay tham quan các nhà máy sản xuất trứng muối.
Anh Kam Gin Kang thừa nhận, dù mục đích ban đầu không phải là thay đổi quê hương nhưng những dự án khởi nghiệp đã mang đến những màu sắc mới cho cuộc sống nơi đây. “Sau 5 năm gắn bó với làng Sauk, tôi thấy người dân ở đây đã có cuộc sống tốt hơn”, anh Kam nói.
Vượt qua thử thách
Tuy nhiên, khởi nghiệp nơi miền quê cũng không hề dễ dàng khi thu nhập phần lớn của người dân đều không cao, cơ hội phát triển kinh tế thấp. Mặc dù chi phí sinh hoạt rẻ hơn nhưng những dự án khởi nghiệp thường đòi hỏi đầu tư sáng tạo, lòng kiên nhẫn và không ít công sức.
“Nhiều người bạn của tôi nói họ cũng muốn khởi nghiệp như tôi. Nhưng mọi thứ không chỉ toàn màu hồng”, Kam chia sẻ. Trên thực tế, những người trẻ khởi nghiệp thành công như anh không nhiều.
Saloma Gugug kể lại, thời gian đầu mới bắt tay vào khởi nghiệp tại quê hương, cô đã phải đối mặt với những lời gièm pha từ dân làng khi thấy rất nhiều người nước ngoài đến lưu lại nhà của mình. “Lúc đó dân làng vẫn chưa biết nhiều về du lịch và xì xào không biết chuyện gì đang diễn ra tại nhà tôi. Tôi buộc phải nói với bố mẹ rằng sẽ ngừng việc kinh doanh nếu người dân cảm thấy khó chịu”, Saloma kể.
Nhưng gia đình Saloma vẫn ủng hộ cô hết mình và dần dần người dân trong làng đã hiểu rõ hơn về công việc của cô. Nhiều người thậm chí đã tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch địa phương hay tài xế chuyên chở du khách cho công ty của Saloma.
Nỗ lực của Saloma trong việc khai thác vẻ đẹp tiềm ẩn của ngôi làng Kampung Sadir đã được đền đáp khi lượng du khách đổ về đây ngày càng tăng. Chính quyền của làng Kampung Sadir đã quyết định thành lập Ủy ban Phụ trách du lịch và thu phí tham quan 2,5 USD/du khách.
Chia sẻ bài học vượt qua thử thách, Saloma cho hay:” Sự thành bại của mỗi dự án khởi nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào niềm đam mê của từng người và mỗi người phải sẵn sàng trải nghiệm, học hỏi những điều mới”.