📞

Giới trẻ 'phải lòng' mạng xã hội, trách nhiệm của cha mẹ đến đâu?

Tấn Khôi 10:42 | 31/03/2022
Đam mê mạng xã hội là một hiện tượng có thực ở giới trẻ. Vì quá đam mê mạng xã hội, người trẻ dành phần lớn thời gian để 'trầm mình' vào Facebook, Tiktok, sẵn sàng tương tác với bạn bè trên đó nhưng lại thiếu chia sẻ với gia đình.
Giới trẻ 'phải lòng' mạng xã hội, trách nhiệm của cha mẹ ở đâu? (Nguồn: TT)

Tôi vừa đọc được một bài báo, tác giả cho biết đã có một khảo sát với 98 bạn Gen Z (những cá nhân sinh trong giai đoạn 1995 - 2010), gần 80% số được hỏi thừa nhận thời gian dành cho mạng xã hội nhiều hơn cho gia đình.

Bài báo cũng lấy ý kiến một số phụ huynh có con trong độ tuổi nói trên, đa số phụ huynh có con mê mạng xã hội đều bày tỏ lo lắng và có phần trách móc con mình nghiện mạng xã hội hơn đời thực.

Tuy nhiên, tôi nghĩ để có một thế hệ “phải lòng” mạng xã hội đến mức quên hết mọi thứ như vậy không phải do chính Gen Z chủ động hình thành nên lối sống ấy. Ở đây, phụ huynh cũng có phần trách nhiệm trong quá trình “kiến tạo” nên thế hệ Gen Z như đang biểu hiện.

Các bạn trẻ thế hệ hiện nay lớn lên ngay thời điểm mà mạng xã hội, công nghệ phát triển với nhiều điều mới lạ. Điện thoại thông minh trở thành phương tiện sử dụng đại trà, từ thành thị tới nông thôn, ai cũng có thể sở hữu và sắm thêm cho con cái, các thành viên trong gia đình.

Chính phương tiện mới tích hợp quá nhiều công cụ đã khiến ngay cả phụ huynh cũng bị cuốn vào vòng xoáy của mạng xã hội, chụp ảnh khoe lên trên các trang cá nhân để thể hiện bản thân. Đã có không ít người lớn cũng không làm chủ được mình khi dành nhiều thời gian cho thế giới ảo và loay hoay, khó... rút chân ra.

Thêm nữa, khi con cái còn nhỏ, nhiều phụ huynh đã giao phó chiếc điện thoại cho con mỗi khi cần yên tĩnh làm việc hoặc khi đi đến nơi công cộng, uống cà phê với bạn bè. Chính cách đối trị tính hiếu động, thích khám phá của con nhỏ bằng điện thoại của phụ huynh là nguyên nhân tạo cho các bạn trẻ nghiện công nghệ ngay khi còn bé xíu.

Nếu phụ huynh không dễ dãi khi cho con tiếp cận điện thoại từ nhỏ, có những nguyên tắc nhất định trong khi cho con tham gia mạng xã hội - xem đó như bộ quy tắc chung mà mình cũng tuân thủ, thì có lẽ mọi chuyện đã khác.

Thực ra, nếu phụ huynh chịu khó cùng con tham gia các hoạt động mang tính hòa nhập với thiên nhiên, cùng các hoạt động cộng đồng, thiện nguyện bổ ích, nuôi dưỡng tinh thần từ đời sống thực, chắc chắn bạn trẻ sẽ bớt rất nhiều thời gian lên mạng.

Không ít nghiên cứu khoa học cho thấy, trẻ xem điện thoại sớm sẽ không thích sống thật và ít tương tác với người thân hơn. Do vậy, với những gì Gen Z biểu hiện hôm nay, cha mẹ không phải lo lắng hay trách con mình mà phải thấy mắt xích hình thành thói quen mê mạng xã hội có sự tham gia của chính mình để giúp trẻ có đời sống cân bằng hơn. Cụ thể, không cấm tiệt việc tham gia mạng xã hội bởi đây là phương tiện không xấu nếu biết sử dụng.

ThS Giáo dục Lê Trường An. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ với Thế giới và Việt Nam, ThS Giáo dục Lê Trường An, giảng viên Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh nói: “Hãy là người dùng mạng xã hội thông minh nhất là điều mà tôi luôn tự nói với bản thân mình và cũng là lời khuyên dành đến các bạn trẻ”.

Theo ThS An, việc lạm dụng mạng xã hội là cần tránh, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Ngoài ra, việc tiếp xúc với các thông tin mà phần lớn chưa được kiểm chứng tính đúng sai thì người dùng dễ bị nhiễu loạn và từ đó hình thành nên các quan điểm lệch lạc.

“Một điều nữa, người trẻ thường dễ so sánh bản thân với những hình mẫu lý tưởng mà các bạn xem được trên mạng xã hội. Tôi cho rằng, điều này là vô cùng nguy hại bởi lẽ khi so sánh và nhận ra bản thân mình thua thiệt các nhân vật ảo trên mạng, người trẻ dễ có tâm lý tự ti, mặc cảm. Từ các suy nghĩ tiêu cực này, người trẻ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc”, ThS Lê Trường An nhấn mạnh.

Thiết nghĩ, với những nguy hại từ nghiện mạng xã hội như phân tích của ThS. An, phụ huynh nên từng bước dắt con tham gia các hoạt động xã hội, gắn kết gia đình nhiều hơn bằng chính việc cùng con hình thành thói quen mới.

Trước tiên, cha mẹ phải hạn chế bớt thời gian ôm điện thoại, nhất là trong những giờ giấc cả nhà có mặt cho nhau như đầu ngày, bữa ăn gia đình, buổi tối quây quần bên nhau…

Sẽ thất bại nếu cha mẹ vẫn còn nghiện điện thoại, mỗi ngày vẫn “leo” lên mạng xã hội với phần lớn thời gian, nhất là thời gian dành cho gia đình, con cái như vừa kể.

Giáo dục nêu gương bao giờ cũng hiệu quả và giúp thay đổi tình trạng của người thụ hưởng nhất. Nói cách khác, khi chúng ta muốn con cái hay ai đó làm điều gì đó, thay đổi tích cực hơn thì chính mình phải làm được và làm tốt. Phần còn lại là kiên nhẫn sẻ chia, không áp đặt hoặc quá nôn nóng, nổi nóng với con mình khi các bạn đang tuổi lớn, có những sự mong muốn khẳng định mình trong gia đình và xã hội.