📞

Giới trẻ Trung Quốc chi bộn tiền để nhận lời khen ảo trên mạng

18:19 | 21/03/2019
Quá chán nản với những lời bình luận tiêu cực trên mạng xã hội, giới trẻ Trung Quốc đang đổ xô đi tìm những nhóm chat trên mạng – nơi chỉ cần bỏ tiền họ sẽ nhận được những lời ca ngợi “tận mây xanh”.  

Cơn sốt đang thịnh hành nhất tại Trung Quốc chủ yếu diễn ra trên mạng xã hội WeChat - ứng dụng nhắn tin lớn nhất Trung Quốc và QQ. Cả 2 đều thuộc “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Tencent.

Trào lưu thịnh hành

Để tìm hiểu sâu về trào lưu này, trang CNBC đã có những cuộc phỏng vấn ngắn với một vài cư dân mạng đang tham gia các nhóm chat này, thậm chí tự đăng ký tham gia vào một nhóm chat – còn được gọi là “kuakuaqun”, có nghĩa là “nhóm người chuyên khen ngợi”.

Người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm các nhóm như vậy trên Taobao – một trang thương mại điện tử phổ biến thuộc Alibaba với nhiều mức giá khác nhau, khởi điểm từ 35 Nhân dân tệ (5.21 USD).

Sau khi đặt mua một “gói” khen tặng trên Taobao, người bán sẽ liên lạc trực tiếp với bạn và mời tham gia vào một nhóm chat trên WeChat. Tại đây, bạn sẽ đắm chìm trong những lời khen tặng, tâng bốc từ rất nhiều thành viên trong nhóm chat.

Cơn sốt đang thịnh hành nhất tại Trung Quốc chủ yếu diễn ra trên mạng xã hội WeChat - ứng dụng nhắn tin lớn nhất Trung Quốc. (Nguồn: CNBC)

Dù là trào lưu mới nhưng dịch vụ này đang phát triển khá nhanh với nhiều mô hình kinh doanh khác nhau. Một quản trị viên của nhóm tiết lộ với CNBC, họ thường cung cấp các dịch vụ mà ở đó bạn có thể mời một người khác tham gia nhóm chat, người dùng sẽ nhận được những lời khen tuỳ theo ý thích của họ.  

Người này cho biết, họ thường tính phí 15 Nhân dân tệ cho 3 phút, 25 Nhân dân tệ cho 5 phút khen ngợi trong nhóm WeChat. Người dùng có thể gửi thêm thông tin như chi tiết về mối quan hệ của bạn với một người và những điều họ thích và không thích. Sau đó, họ sẽ được mời đến một trong các nhóm chat gồm danh sách những người họ đã nêu tên và rồi “cơn lốc” lời khen bắt đầu. Quản trị viên này cho hay, đây là công việc phụ và anh thường làm trong lúc rỗi rãi.

Bên cạnh các nhóm mất phí, vẫn có những nhóm miễn phí. Các phóng viên của CNBC đã tìm thấy một số bài đăng trên mạng xã hội Douban dành cho những nhóm cung cấp “dịch vụ khen”. Họ quyết định truy cập vào một nhóm có tên “Abelard” trên WeChat để thử nghiệm dịch vụ kỳ lạ này.

Phóng viên này mở đầu bằng một tin nhắn: “Chào buổi sáng. Tôi mới chuyển đến một nơi mới và có khá nhiều thời gian một mình”. Ngay lập tức, một người trong nhóm WeChat trả lời: “Tuyệt quá! Bây giờ bạn đã có nhiều thời gian rảnh hơn. Hãy nhân cơ hội này để tận hưởng khoảng thời gian của riêng bạn. Khi một mình, bạn vẫn có thể hạnh phúc. Và bạn có chúng tôi ở đây”.

Sau đó, anh này chia sẻ với nhóm chat rằng, anh đang nỗ lực học tiếng Trung. “Bạn thật là một người chăm chỉ. Tôi tin bạn sẽ thành thạo tiếng Trung trong tương lai”, một người dùng trong nhóm chat động viên.

Số lượng người trong một nhóm chat khá lớn. Nhóm mà phóng viên CNBC tham gia có khoảng 500 người và một nhóm khác có hơn 240 người.

Giải pháp cân bằng

Xu hướng kỳ lạ này dường như ngày càng được ưa chuộng tại Trung Quốc khi chỉ trong vài tuần qua, các nhóm và chủ đề thảo luận với nội dung tương tự xuất hiện đều đặn trên khắp các diễn đàn mạng. Một bài đăng trên Zhihu, tương tự như trang Quora, đã trích dẫn lại một bài đăng từ ngày 7/3 từ một nhóm khen ngợi của một trường đại học.

Xu hướng kỳ lạ này dường như ngày càng được ưa chuộng tại Trung Quốc. (Nguồn: SCMP)

Theo đó, khi một người dùng phàn nàn về việc không thể tập trung vào việc đọc sách, ngay lập tức một người khác sẽ trả lời: “Điều này có nghĩa là vốn kiến thức của bạn còn hơn cả cuốn sách đó”.

Thời gian vừa qua, các trang mạng xã hội thường xuyên bị chỉ trích vì những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người dùng. Nhiều công ty công nghệ cũng bị cáo buộc lơ là và chưa có đủ các biện pháp mạnh tay để ngăn chặn những nội dung nhạy cảm xuất hiện trên nền tảng của mình.

Các chuyên gia xã hội học cho rằng, xu hướng trả tiền để nhận lại những lời khen ngợi trên các trang mạng xã hội rất có thể là một giải pháp cân bằng nhằm giảm bớt những nội dung, nhóm chat tiêu cực – hay còn gọi là “nhóm chửi rủa” – nơi người dùng thường truy cập để bài xích hoặc xúc phạm lẫn nhau –  xuất hiện khá phổ biến trên WeChat trước đó.

Theo quản trị viên của một nhóm chat, mọi người nên học cách cho đi và nhận lại những lời khen nhiều hơn. “Chúng ta thường ít khi khen ngợi chính mình và thường ngần ngại khi động viên người khác bằng những lời khen. Vì vậy, mục đích ban đầu của nhóm là giúp chúng ta học được cách khen ngợi người khác và tự tin chấp nhận lời khen ngợi của mọi người dành cho mình. Tại đây, chúng ta hoàn toàn có thể vứt bỏ mọi hiềm khích và động viên người khác xuất phát từ trái tim”, anh chia sẻ.

(theo CNBC)