📞

Giới trẻ và góc tối của nghề Streamer

Duy Quang 15:51 | 17/09/2020
TGVN. Giới trẻ hiện nay rất đam mê với nghề Streamer, một công việc tưởng chừng như nhàn hạ mà lại đem về nguồn thu nhập khá lớn. Thế nhưng, đằng sau đó là những khó khăn mà không phải ai cũng biết...
Streamer - một công việc tưởng chừng như nhàn hạ mà lại đem về nguồn thu nhập khá lớn. Đằng sau đó là những khó khăn mà không phải ai cũng biết...

Streamer được hiểu là những người phát sóng trực tiếp (streaming) các hoạt động của mình cho khán giả xem, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube hay Twitch... Hầu hết các streamer đều truyền trực tiếp bản thân đang chơi những trò chơi điện tử, từ đơn giản tới phức tạp và đòi hỏi kỹ năng cao.

Ngoài ra, streamer còn được hiểu là công việc giống như bình luận viên nhưng chủ yếu bình luận cho các trò chơi điện tử. Trên thực tế, những nội dung của streamer đang ngày càng được mở rộng hơn, từ MV ca nhạc, phim ảnh, cho tới mỹ phẩm, làm đẹp…

Thu nhập “khủng”

Với sự phát triển mạnh mẽ và không ngừng của công nghệ, nhất là Internet, mạng xã hội, nghề streaming đem lại một nguồn khu nhập khá tốt. Ví dụ trên Twitch, nền tảng streaming số một thế giới hiện nay, cho phép các streamer truyền phát rất nhiều nội dung khác nhau từ game, trò chuyện, vlogs, nấu ăn… miễn đó là nội dung lành mạnh không gây ảnh hưởng xấu đến người xem.

Ở trên Twitch, mỗi lần đăng ký theo dõi (Sub) kênh của một streamer, người xem sẽ phải bỏ ra 5 USD/ tháng để nhận được những đặc quyền trên kênh chat và nhận được nhiều ưu đãi riêng trong các dịp sự kiện. Các streamer phải chia 70/30 với Twitch từ mỗi lượt sub, nên thu nhập thực sẽ là 3,5 USD/ người mỗi tháng. Và giả sử một streamer có 30.000 người theo dõi thì thu nhập của người đó mỗi tháng sẽ là 105.000 USD.

Ngoài ra, các streamer có thể mở rộng quảng bá hình ảnh và nội dung mình sáng tạo qua các kênh khác như Youtube, Facebook… và nhiều nền tảng mạng xã hội khác. Mục đích là thu hút thêm thu nhập từ quảng cáo và thậm chí có thể tạo nên những sản phẩm, cơ sở kinh doanh riêng mang thương hiệu của chính mình.

Với những nguồn thu đa dạng như vậy, các streamer Twitch từ tầm trung đều có thể kiếm được khoảng 600.000 đến 1 triệu USD mỗi năm, còn đối với các streamer tầm cỡ thế giới thì nguồn thu của họ còn đa dạng hơn rất nhiều và khó có thể ước đoán được.

Ngày trước, streaming chỉ đơn giản là một sở thích và đôi khi mang lại chút lợi nhuận để kiếm thêm. Câu chuyện ngày nay đã khác. Streaming đang trở thành một nghề trong mơ của nhiều người. Các streamer được trả tiền để chơi game, làm việc tại nhà, tự chủ thời gian, tự làm chủ bản thân trong khi vẫn có thu nhập tốt. Công việc có vẻ rất đơn giản, lên sóng đủ giờ, thu hút nhiều người xem và... nhận tiền.

Thật không may, streaming không dễ như người ta nghĩ.

Không như là mơ

Trên thực tế, để trở thành một streamer chân chính cũng cần phải có kiến thức, phải có độ hiểu biết sâu sắc về một hoặc nhiều lĩnh vực nào đó.

Streamer có thể tự gọi mình là người sáng tạo nội dung, nghệ sĩ giải trí hay bất cứ gì chăng nữa, nhưng cuối cùng thu nhập của họ vẫn phụ thuộc vào khán giả, những người mà họ phục vụ. Ví dụ, một streamer chuyên về game cần phải có kỹ năng chơi game thật tốt, hoặc tính cách vui nhộn, tương tác với khán giả tốt, thu hút được nhiều người xem thì mới có thể gọi là thành công trong công việc này.

Thu nhập của các streamer tuy nghe chừng là cao, nhưng chỉ ít người có thể đạt được con số đó. Thực chất, đây là một nghề rất khốc liệt, có tính cạnh tranh cao. Phần lớn những kênh Twitch của các streamer mới vào nghề chỉ được vài chục lượt người xem trực tiếp. Nếu không thực sự xuất sắc, đa phần streamer chỉ đủ kiếm ăn qua ngày, trong khi phải đầu tư khá lớn cho dàn máy tính, phụ kiện chơi game đắt đỏ. Khán giả chỉ chọn xem kênh của những streamer nổi tiếng mà thôi.

Quan trọng nhất, muốn trở thành một streamer thực thụ yêu cầu sự lao động nghiêm túc, kỷ luật. Hầu hết streamer hiện nay đều phải hoạt động ít nhất bảy - tám tiếng một ngày, từ chiều tới đêm muộn, một tuần bảy ngày, không có ngày nghỉ. Họ luôn phải cập nhật các xu hướng mới nhất trên Internet, luôn phải sáng tạo để người xem không cảm thấy nhàm chán. Chỉ cần một chút lơ là cũng đủ để khán giả lãng quên.

Phần lớn các streamer vào nghề đều vì đam mê, nhưng khi đam mê mất đi, con người ta được thúc đẩy bởi mục đích. Và khi không tìm thấy mục đích sống của mình, họ sẽ dần đánh mất bản thân. Điều này có thể dẫn đến một số kết quả tiêu cực, bao gồm đình trệ tinh thần, trầm cảm và kiệt sức về cảm xúc.

Lý Giai Kỳ - streamer, beauty blogger từng giành kỷ lục Guinness “người đánh son cho nhiều người nhất trong vòng 30 giây” và được mệnh danh là “ông hoàng son môi” ở Trung Quốc từng có lần chia sẻ, bởi vì phải online thường xuyên nên anh không thể sống một cuộc sống bình thường như trước. Streamer sinh năm 1992 đã bị mất rất nhiều mối quan hệ, bạn bè ngày càng ít đi, số lần ra ngoài giao lưu với xã hội cũng thưa thớt dần. Tuy thành đạt, anh vẫn không được hưởng thụ cảm giác thành tựu, thay vào đó là áp lực nặng nề. Đó là lý do Lý Giai Kỳ từng có thời kỳ phải tạm dừng công việc để điều chỉnh cuộc sống.

Suy cho cùng, cuộc sống của các streamer không phải lúc nào cũng được tô hồng mà đằng sau đó là không ít công ức, mồ hôi và nước mắt. Nghề streamer có thể là nghề nghiệp đáng mơ ước của nhiều bạn trẻ, nhưng chớ bị đánh lừa bởi vẻ ngoài quyến rũ của nó mà quên đi rằng, đã là nghề thì đòi hỏi rất nhiều thứ, từ tư duy, kiến thức, kỹ năng... cho đến kỷ luật.

(theo Salty Media)