Nghệ nhân Then Nguyễn Văn Chự tại Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tối 3/9 tại Tuyên Quang. (Ảnh: Vinh Hà) |
Nghệ nhân Then Nguyễn Văn Chự, dân tộc Tày (xã Phương Độ, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang) “gảy” ngay nỗi tâm tư tự đáy lòng khi trả lời câu hỏi của phóng viên về cảm xúc của ông tại Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tối 3/9 tại thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.
Đắm say cùng Then
Xã Phương Độ hiện có 5 dân tộc cùng sinh sống, trong đó chiếm phần lớn là đồng bào Tày (hơn 75%). Các thôn tập trung đông người Tày như thôn Hạ Thành, thôn Tha đều được công nhận Làng văn hóa du lịch cộng đồng. Người dân gìn giữ khá tốt nhiều giá trị văn hóa truyền thống, trở thành ưu thế để phát triển du lịch, nổi bật có thể kể đến hát Then, đàn Tính, lễ hội Lồng Tồng, hát Cọi, lẩu Then (lễ lên trời)...
Nói về những “đặc sản” của quê mình, giọng ông Nguyễn Văn Chự sôi nổi lắm, nhất là những “món tủ” mà ông say đắm trong gần 5 thập niên qua. Hát Then như “một phần tất yếu” trong đời sống, văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào Tày, Nùng, Thái vùng cao phía Bắc và cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông Nguyễn Văn Chự. Ai đã theo cái nghiệp này thì luôn tâm niệm một điều “sống cùng Then, chết cũng theo Then về trời”.
Theo quan niệm người Tày, Then có nghĩa là “Trời”. Hát Then là “điệu hát thần tiên”, mang theo lời thỉnh cầu, mong ước của con người gửi tới Then ban cho những điều may mắn và cuộc sống tốt lành. Hát Then của người Tày phản ánh chuyện từ đời sống, bản mường, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi…
Người hát Then trong những dịp lễ là người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc. Khi thực hành nghi lễ, người hát Then không thể thiếu các dụng cụ như cây đàn tính, chùm xóc nhạc, quạt, thẻ âm dương, kiếm... Đàn Tính được coi là nhạc cụ mang “hồn” dân tộc, là cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh, vừa dẫn dắt, vừa là đệm, nhưng cũng đóng vai trò như giọng hát thứ hai cùng với giọng của nghệ nhân. Âm thanh đàn Tính mượt mà, rạo rực, tạo nên hồn dân ca, dân vũ đặc sắc…
Với ông Nguyễn Văn Chự, có lẽ tình yêu với Then như một duyên “trời định”. Năm nay 69 tuổi, mà thâm niên gắn bó với Then của ông đã xấp xỉ 50, miệt mài sưu tầm, lưu giữ những điệu Then cổ. Giờ đây ông vẫn đều đặn thực hiện các nghi lễ Then, không chỉ ở tỉnh Hà Giang mà nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia biểu diễn Then tại các liên hoan hát Then, đàn Tính do địa phương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Những người yêu Then hẳn còn nhớ trích đoạn nghi lễ “lẩu Then Bjoóc mạ” do nghệ nhân Then Nguyễn Văn Chự trình diễn tại Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc lần thứ VI tại Hà Giang hồi tháng 5/2018.
Nghi lễ mang ý nghĩa bày tỏ lòng thành với trời, đất, các thần linh để cầu xin một năm mới làm ăn may mắn, ngô, lúa bội thu, con người được ấm no, hạnh phúc. Ông giải thích, mỗi khi tổ chức lẩu Then, các thầy Then thường chọn những bông hoa Bjoóc mạ mọc bên bờ suối có màu vàng rực, mùi thơm dịu ngọt, thanh khiết để dâng cúng lên Thiên đình…
Nghệ nhân Then Nguyễn Văn Ngự trình diễn trích đoạn nghi lễ “lẩu Then Bjoóc mạ” do tại Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc lần thứ VI tại Hà Giang vào tháng 5/2018. (Nguồn: TTXVN) |
Trao truyền vốn cổ
Say mê với Then như vậy, ông Nguyễn Văn Chự cũng trăn trở với Then lắm. Mà trăn trở nhất là làm thế nào để Then, đặc biệt là Then cổ không rơi vào quên lãng theo thời gian. Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác đang đứng trước nguy cơ bị mai một, nguyên nhân là thế hệ trẻ ít chú ý đến bản sắc văn hóa, “chạy theo thương mại nhiều quá” trong khi lớp nghệ nhân cao tuổi đang dần mất đi…
Nhận thức sâu sắc điều đó, trong nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Chự tích cực mở các lớp dạy hát Then, gảy đàn Tính tại chính ngôi nhà ông đang ở, vận động lập các câu lạc bộ hát Then - đàn Tính ở từng thôn bản, mở rộng hội lẩu Then Bjoóc mạ đến các buổi chợ phiên... Các mô hình, cách làm như vậy đã trở thành những cầu nối đưa Then đến gần hơn với cộng đồng, góp phần gìn giữ, phục hồi giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện sự đoàn kết cộng đồng.
Nỗ lực “truyền lửa” cho lớp trẻ, cho bà con của ông Nguyễn Văn Chự và các nghệ nhân dân gian cũng mang lại những “quả ngọt” nhất định. Ông vui mừng khi ngày càng có nhiều người chú ý đến Then, cả người già lẫn bạn trẻ. Lớp học đã đông thành viên hơn, các nghi lễ Then thu hút nhiều người xem hơn…
Tuy nhiên, ông vẫn mong mỏi Then được chính quyền, ngành quan tâm hơn nữa, tạo nguồn kinh phí ổn định để truyền dạy, bảo tồn di sản văn hóa, nhân rộng hơn nữa sự tham gia của công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nghệ nhân tuổi gần thất thập cho rằng, làm công tác bảo tồn văn hóa nếu chỉ làm theo phong trào được chăng hay chớ sẽ rất khó bền vững.
Trình diễn Then tại Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ngày 3/9. (Ảnh: Vinh Hà) |
Với việc UNESCO chính thức ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghệ nhân Then Nguyễn Văn Chự phấn khởi lắm. Bao nhiêu năm gắn bó với Then, gảy bao cây đàn Tính, giờ đã đến lúc hát Then – đàn Tính cần có sự đầu tư thích đáng và bài bản hơn.
Có thể nói, sự kiện UNESCO vinh danh di sản Then một lần nữa khẳng định giá trị bản sắc văn hóa phong phú của Việt Nam. Đây là niềm tự hào không chỉ riêng người Tày, Nùng, Thái, mà còn là niềm vui chung của dân tộc Việt Nam, góp phần tô điểm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa sắc màu dân tộc. Và những nghệ nhân Then như ông Nguyễn Văn Chự có thêm động lực để tiếp tục cống hiến, truyền dạy, đóng góp vào việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đến mãi về sau...
Ngày 12/12/2019, tại Phiên họp Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại Bogota (Colombia), di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang… Nghi lễ Then thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc này, từ phong tục đến nhạc cụ, múa và âm nhạc. Nhờ các chức năng văn hóa xã hội, Then góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân đạo và bảo vệ các phong tục và truyền thống văn hóa ở Việt Nam. |
| Đưa du lịch các tỉnh có di sản Then thực sự cất cánh Sáng 4/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tuyên Quang, UBND các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Bắc Giang, ... |
| Vinh danh 'Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam' Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa ... |
| Du lịch Tuyên Quang: Sức sống mới từ Thủ đô kháng chiến Tận dụng lợi thế về tiềm năng du lịch, Tuyên Quang tạo ra nhiều điểm nhấn “đắt”, đưa thị trường du lịch sôi động trở ... |
| UNESCO ghi danh Di sản văn hóa Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam Lễ đón nhận bằng ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi ... |
| Tuyên Quang sẵn sàng với Lễ đón nhận Bằng ghi danh Thực hành Then và Lễ hội thành Tuyên năm 2022 Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi ... |