Tọa đàm giới thiệu Triển lãm quốc tế logistics Việt Nam 2023, ngày 11/5 tại Hà Nội. (Ảnh: Vân Chi) |
Logistics Việt Nam có quy mô hơn 40 tỷ USD/năm
Nhờ vào sự ổn định về chính trị, xã hội và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Việt Nam đã tận dụng những lợi thế từ đường bờ biển dài để có hệ thống cảng biển đạt công suất tối ưu với tốc độ tăng trưởng kinh tế lạc quan, sản xuất duy trì ổn định, cùng với đó là sự bùng nổ của thương mại điện tử đang phát triển như vũ bão ở cả hai chiều xuất khẩu và tiêu dùng trong nước giúp nâng cao tính cạnh tranh, trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa của thế giới, là “mắt xích” trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành “ngôi sao logistics” của châu Á trong thời gian tới.
Bên cạnh lợi thế, những khó khăn và thách thức đồng thời hiện hữu như chi phí dịch vụ cao, áp lực lên cơ sở hạ tầng ngày một lớn. Theo các chuyên gia, ngành Logistics vẫn rất cần phát triển kết nối hạ tầng, hợp tác công tư mở rộng thành các trung tâm Logistics và chuỗi cung ứng toàn diện về lưu thông, chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối.
Trao đổi tại Tọa đàm giới thiệu Triển lãm logistics Việt Nam 2023 ngày 11/5 tại Hà Nội, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14-16% một năm, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732.5 tỷ USD, tăng 9.5% so với năm 2021. Theo đánh giá của Agility năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
"Đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ bản thân doanh nghiệp", ông Hải đánh giá.
Thiếu và yếu
Tuy vậy, ông Hải thẳng thắn nhìn nhận, ngành logistics Việt Nam còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể…
Cùng quan điểm, ông Cáp Trọng Cường - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Container Việt Nam (VICONSHIP) cho rằng, các doanh nghiệp logistics nội địa nếu chẻ ra theo từng lĩnh vực chuyên biệt thì không hề thua kém nước ngoài. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn phải làm thuê trên chính sân chơi của mình bởi vì các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam chủ yếu đầu tư về công nghệ, nhân lực.
"Chúng tôi có rất nhiều khách hàng lớn nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn là người làm thuê. Chúng tôi có hạ tầng, nhân lực, quy trình và có sự tin tưởng từ phía đối tác nước ngoài nhưng chúng tôi vẫn đang làm thuê cho họ. Tính liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam rất yếu, khiến cho ngành chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, đồng thời làm chi phí logistics ở mức cao", ông Cường nói.
Ông Cường thừa nhận, tính tương tác, hỗ trợ, liên kết của các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang rất yếu. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp tên tuổi với số vốn hóa lớn cùng mạng lưới tương đối tốt như VICONSHIP. Tuy vậy, do tính tương hỗ không cao là nguyên nhân khiến lĩnh vực logistics của Việt Nam chưa phát triển thực sự đúng với tầm quan trọng của nó. Đây chính là điều làm cho chi phí logistics tăng cao.
Do đó, ông Cường khuyến nghị các doanh nghiệp cần hỗ trợ lẫn nhau bằng những cách thiết thực nhất để tất cả cùng giảm được chi phí. Ngoài ra, cần thay đổi đột phá về công nghệ để đáp nhu cầu của thị trường, hướng tới môi trường xanh phù hợp với xu thế của thời đại.
Chuỗi cung ứng lạnh trong ngành Logistics
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành Logistics tại Trung Quốc, ông Hậu Hồng Băng, Phó Chủ tịch kiêm đại diện Phòng Thương mại xuất nhập khẩu tỉnh Quảng Đông cho rằng, sau sự ra đời và tốc độ phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các công ty logistics cần hợp tác với nhau để đối phó với thương mại điện tử. Điều này đã hình thành một mô hình hợp tác kết nối và hỗ trợ lẫn nhau trong logistics.
Ông Hậu Hồng Băng cho biết thêm, sự phát triển của thương mại điện tử đã nâng cao chất lượng quản lý hiện đại hóa của ngành logistics. Chế độ quản lý và vận hành duy nhất của logistics truyền thống không còn đáp ứng được nhu cầu của thương mại điện tử, do đó hệ thống quản lý phần mềm và các cơ sở hỗ trợ phần cứng tương ứng của ngành logistics cũng cần được nâng cấp, cải tiến và phát triển.
“Có một vấn đề nữa trong logistics là chuỗi cung ứng lạnh. Các ngành hàng trong lĩnh vực thương mại điện tử chủ yếu là hàng tiêu dùng, trong đó thực phẩm chiếm tỉ trọng rất lớn. Đối với việc vận chuyển thực phẩm chắc chắn sẽ khó khăn hơn, nhiều loại thực phẩm cần giữ tươi sống phải vận chuyển qua chuỗi cung ứng lạnh, thể hiện rõ tầm quan trọng của logistics trong lĩnh vực thương mại điện tử”, ông Hậu Hồng Băng nói.
Parcel Performance và iPrice Group đã tiến hành khảo sát 80.000 người tiêu dùng thương mại điện tử tại Singapore, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia vào năm 2019. Kết quả cho thấy yếu tố chính hiện đang hạn chế sự phát triển của thương mại điện tử tại các nước Đông Nam Á là dịch vụ logistics chuyển phát nhanh.
Cuộc khảo sát cho thấy sự hài lòng của người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tỷ lệ thuận với thời gian giao hàng, thời gian giao hàng càng lâu thì sự hài lòng của khách hàng càng thấp. Trong 5 quốc gia được khảo sát, thời gian chuyển phát nhanh trung bình của Việt Nam dài tới 5,6 ngày, cho thấy chất lượng dịch vụ chuyển phát nhanh của Việt Nam cần cải thiện rất nhiều.