Nhỏ Bình thường Lớn

Gỡ nút thắt bạo lực học đường

Theo các chuyên gia, cần giáo dục để trẻ tự kiểm soát cảm xúc hành vi hơn là tìm cách để giải quyết hệ lụy của bạo lực học đường…
Tô Thụy Diễm Quyên, Chuyên gia giáo dục, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành InnEdu.
Tô Thụy Diễm Quyên, Chuyên gia giáo dục, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành InnEdu.

Tô Thụy Diễm Quyên

Chuyên gia giáo dục, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành InnEdu

Tăng cường kỹ năng

Những năm gần đây, trẻ em phát triển về thể chất và tâm sinh lý sớm nên độ tuổi “nổi loạn” ngày càng nhỏ hơn. Những bất ổn trong các mối quan hệ gia tăng. Việc giúp trẻ nâng cao khả năng kiểm soát hành vi chính là ngăn chặn sớm những hậu quả đáng tiếc và cần thiết hơn là tìm cách để xử lý giải quyết hệ lụy bạo lực học đường.

Có nhiều nguyên nhân về tâm sinh lý lứa tuổi, môi trường giáo dục, xã hội nhưng theo tôi, cần quan tâm nhiều hơn đến yếu tố xã hội. Khi thường xuyên được nhìn thấy hành vi tốt, trẻ sẽ ảnh hưởng tích cực để tái lập những hành vi ấy trong môi trường của mình và ngược lại. Những video clip kiểu “Khá Bảnh đốt xe” sẽ tác động đến giới trẻ, khiến các em nghĩ rằng cần phải làm gì đó rất “sốc”, rất bạo lực thì mới “ngầu”, nổi tiếng và được mọi người ngưỡng mộ. Mạng xã hội là môi trường dễ nhất để phát tán những hình ảnh như vậy.

Với sự phát triển của công nghệ ngày nay, mạng xã hội còn có thể “đo ni đóng giày” bằng trí tuệ nhân tạo để người xem tiếp cận nhanh và đúng những hình ảnh mà họ quan tâm. Ở mặt trái, mạng xã hội góp một phần không nhỏ, khiến thanh thiếu niên bị lệch lạc trong suy nghĩ và hành vi, trong đó bạo lực học đường là một vấn nạn.

Điều quan trọng là phải làm sao kiểm soát được thông tin trên mạng, hạn chế tối đa những hình ảnh bạo lực khiến giới trẻ ngộ nhận về hành vi của một “anh hùng”. Mặc dù đã có đường dây nóng chống bạo lực nhưng có vẻ chưa hoạt động hiệu quả. Muốn xây dựng quy trình an toàn, phải tìm hiểu kỹ năng tự bảo vệ của trẻ đã đạt được những tiêu chí gì?

Tôi nhận thấy, chương trình giáo dục phổ thông mới có môn “Hoạt động trải nghiệm”. Môn học này hoàn toàn có thể dạy trẻ những trải nghiệm thực tế về cách nhận diện bạo lực, ứng xử với bạo lực trước khi trẻ cần đến sự giúp đỡ từ người lớn. Trẻ cũng nên học cách ứng xử với mọi người mà không cần sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Nghĩa là, những trẻ hay đánh bạn cũng cần được giáo dục để thay đổi cách ứng xử chứ không chỉ dạy những đứa trẻ bị bạo lực cách tự bảo vệ mình.

Quy trình an toàn cho trẻ chống lại tình trạng bạo lực học đường như sau:

Thứ nhất, thúc đẩy môi trường gia đình hỗ trợ sự phát triển lành mạnh. Tăng cường gắn kết giữa nhà trường và phụ huynh để dễ dàng phối hợp trong việc nắm bắt tình hình, tâm tư và vấn đề của trẻ.

Thứ hai, hỗ trợ phụ huynh có thêm kỹ năng, chú ý mối quan hệ trong gia đình, không bộc lộ sự thiếu kiểm soát trong tương tác với con trẻ. Đây chính là mầm mống của bạo lực quan trọng nhất và sớm nhất.

Thứ ba, cung cấp giáo dục chất lượng sớm. Chú trọng việc giáo dục từ khi trẻ còn rất nhỏ, không đợi đến khi trưởng thành mới uốn nắn. Tăng cường kỹ năng cho trẻ, kỹ năng sống, giải trí, sách báo, hội thảo…

Thứ tư, kết nối trẻ với các hoạt động tích cực và lành mạnh. Hình thành các nhóm tư vấn học đường do phụ huynh, thầy cô hoặc học sinh thực hiện. Tổ chức các hoạt động sau giờ học để hình thành tính cách linh hoạt và thích ứng cũng như tăng cường những mối quan hệ lành mạnh.

Như vậy, để giảm tình trạng bạo lực học đường không chỉ là vấn đề tâm lý mà còn là kỹ năng. Không chỉ kỹ năng tự phòng vệ mà còn tư duy phản biện, khả năng chịu áp lực, kiểm soát cảm xúc…

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền

Chuyên gia tâm lý học lâm sàng

“Lập trình” kế hoạch giải quyết vấn đề

Để ngăn chặn hành vi bạo lực học đường, nên có sẵn kế hoạch giải quyết vấn đề.

Một là, tạo danh sách các câu nói phản hồi đối với người bắt nạt. Thực hành các cụm từ mà con bạn có thể sử dụng để yêu cầu ai đó ngừng hành vi bắt nạt.

Hai là, cùng con tham gia kịch bản đóng vai “nếu như”. Đóng vai là cách tuyệt vời để xây dựng sự tự tin và trao quyền cho con bạn đối phó với những thách thức.

Ba là, thúc đẩy phát triển ngôn ngữ cơ thể tích cực để thể hiện sự tự tin, giúp trẻ cảm thấy được trao quyền nhiều hơn trong xử lý tình huống khó khăn.

Bốn là, có sự giao tiếp mở với con về các vấn đề xảy ra trong ngày ở trường học. Trò chuyện với con hằng ngày, khuyến khích con kể mọi thứ đang diễn ra ở trường. Nhấn mạnh rằng, sự an toàn, hạnh phúc của trẻ là rất quan trọng và trẻ phải chia sẻ với người lớn về bất kỳ vấn đề nào, ngay cả những chuyện nhỏ nhặt.

PGS. TS. Trần Thành Nam.
PGS. TS. Trần Thành Nam.

PGS. TS. Trần Thành Nam

Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

Không để nhà trường đơn độc

Nhà trường cần lập một hệ thống sàng lọc định kỳ để xác định học sinh nào có vấn đề tổn thương sức khỏe tinh thần, có nguy cơ về các vấn đề tâm lý, hay vấn đề hành vi có thể dẫn đến bạo lực.

Đồng thời, nên có những chương trình giáo dục cho giáo viên về cách thức quản lý lớp tích cực, giáo dục cho cha mẹ cách ứng xử với con theo kỷ luật tích cực. Những giá trị yêu thương, an toàn, tôn trọng cần được cụ thể hóa trong các hành vi ở lớp học, ở gia đình.

Cần có sự nhất quán trong chương trình từ phòng ngừa đến can thiệp, giáo dục, thuyết phục và đánh giá hiệu quả các hoạt động phòng chống bạo lực học đường. Nên có sự tiếp thu những mô hình đã được quốc tế và nghiên cứu trong nước chứng minh để áp dụng vào nhà trường.

Không chỉ vậy, việc trả lại vai trò, vị trí của nhà tham vấn trong trường học cũng như vai trò của phòng tâm lý tư vấn học đường là giải pháp rất cần thiết. Nhà tham vấn phải trở thành “kiến trúc sư” của ngôi trường hạnh phúc, là người thiết lập ra các quy trình phòng ngừa can thiệp ban đầu, can thiệp chuyên sâu, kết nối các nguồn lực, làm việc với giáo viên và cha mẹ để điều hòa tất cả mối quan hệ.

Trong công cuộc phòng chống bạo lực học đường, chúng ta cần sự tham gia, cam kết của cả phụ huynh và các cơ quan, cộng đồng xã hội. Không thể để nhà trường “đơn độc” trong hành trình này.

Bạo lực học đường: Không thể để nhà trường 'đơn độc'

Bạo lực học đường: Không thể để nhà trường 'đơn độc'

Phải có quy trình từ khi tiếp nhận thông tin phản ánh khiếu nại về bạo lực học đường, đến biện pháp xử lý thế ...

Chuyên gia giáo dục: Ngăn chặn sớm bạo lực học đường từ việc giúp trẻ kiểm soát hành vi

Chuyên gia giáo dục: Ngăn chặn sớm bạo lực học đường từ việc giúp trẻ kiểm soát hành vi

Cần giáo dục để trẻ tự kiểm soát được cảm xúc và hành vi thay vì tìm cách xử lý, giải quyết hệ lụy của ...

Chuyên gia tâm lý: Sự bỏ qua hay thờ ơ chính là tiếp tay cho nạn bạo lực học đường leo thang

Chuyên gia tâm lý: Sự bỏ qua hay thờ ơ chính là tiếp tay cho nạn bạo lực học đường leo thang

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên gia tâm lý học lâm sàng cho rằng, một lý do khiến bạo lực học đường diễn ra ...

Hành vi bạo lực học đường sẽ được xử lý như thế nào?

Hành vi bạo lực học đường sẽ được xử lý như thế nào?

Hành vi bạo lực học đường không chỉ là mối lo ngại của học sinh mà còn của cả bậc cha mẹ phụ huynh, giáo ...

Kinh nghiệm xử lý bạo lực học đường ở Phần Lan

Kinh nghiệm xử lý bạo lực học đường ở Phần Lan

Quốc gia Bắc Âu này đã tiến hành nhiều chương trình hành động ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường.

(ghi)