📞

Góc nhìn: ‘Sẽ không an toàn nếu áp dụng hộ chiếu vaccine vào lúc này’

Nguyệt Anh 14:00 | 13/04/2021
'Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, với tình hình tiêm vaccine trên toàn cầu như hiện nay, tôi cho rằng sẽ không an toàn nếu nước ta nóng vội, mạo hiểm áp dụng hộ chiếu vaccine vào thời điểm này'. Báo TG&VN phản ánh một góc nhìn về đề tài thời sự hiện nay là nên hay chưa áp dụng hộ chiếu vaccine.
Ông Đỗ Cao Bảo nhận định, hộ chiếu vaccine mới ra đời, một tờ giấy rất đơn sơ, làm cách nào để các cơ quan chức năng biết rằng, đâu là hộ chiếu vaccine thật, đâu là hộ chiếu giả là một bài toán khó.

Ông Đỗ Cao Bảo, đồng sáng lập, Ủy viên Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT chia sẻ quan điểm cá nhân với Báo Thế giới & Việt Nam xung quanh câu chuyện hộ chiếu vaccine.

Ông nhận định ra sao về hộ chiếu vaccine - cơ hội mở cửa trong tình hình mới?

Việc tiêm chủng vaccine đang mở ra cơ hội rất lớn, đưa nhân loại thoát khỏi cơn đại dịch Covid-19, giúp cuộc sống của chúng ta dần dần trở lại bình thường.

Thế nhưng, quá trình này sẽ mất rất nhiều thời gian, có thể kéo dài 6 tháng, 12 tháng nữa hoặc lâu hơn thế. Nên nhớ, sau hơn 3 tháng bắt đầu tiêm vaccine, mới chỉ có 10% dân số toàn cầu được tiêm vaccine và chỉ có 5% người được tiêm đủ 2 mũi.

Chính vì vậy, tôi cho rằng chúng ta cần cân nhắc, không nên nóng vội, không nên mạo hiểm dùng hộ chiếu vaccine để mở cửa biên giới, cho phép đi lại tự do vào thời điểm này. Chưa kể vấn đề hiệu quả của vaccine như thế nào cũng cần phải làm rõ trước khi chúng ta dùng hộ chiếu vaccine để mở cửa giao thương quốc tế.

Việc đẩy nhanh áp dụng hộ chiếu vaccine có an toàn không khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp?

Đúng là tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn cầu. Những ngày gần đây số ca nhiễm mới hàng ngày trên toàn cầu đã tăng chóng mặt, cao hơn 2,5 lần số ca nhiễm mới thời điểm ngày 21-22/3, xấp xỉ mức đỉnh điểm thời điểm đầu tháng 1.

Có thời điểm người ta tin Ấn Độ đã đạt được miễn dịch cộng đồng tự nhiên khi mà suốt gần 3 tháng (từ tháng 1-3) số ca nhiễm mới mỗi ngày chỉ dao động từ 11.000 đến 23.000. Thế nhưng những ngày gần đây, số ca nhiễm mới hàng ngày của Ấn Độ lên đến gần 170.000, cao gấp gần 2 lần số ca nhiễm hàng ngày thời đỉnh giữa tháng 9/2020.

"Chúng ta chưa nên nóng vội, không nên mạo hiểm dùng hộ chiếu vaccine để mở cửa biên giới, cho phép đi lại tự do vào thời điểm này. Chưa kể vấn đề hiệu quả của vaccine như thế nào cũng cần phải làm rõ trước khi chúng ta dùng hộ chiếu vaccine để mở cửa giao thương quốc tế".

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, với tình hình tiêm vaccine trên toàn cầu như hiện nay, tôi cho rằng sẽ không an toàn nếu chúng ta nóng vội, mạo hiểm áp dụng hộ chiếu vaccine vào thời điểm này.

Việt Nam chúng ta đang chống dịch rất tốt, các hoạt động kinh tế, đi lại, vui chơi đang diễn ra bình thường. Do đó, chúng ta nên cẩn trọng, không dại gì bắt chước hay sốt ruột khi thấy một số nước ở thế “chân tường”, buộc phải mở cửa. Bởi với họ, không mở cửa thì kinh tế sẽ kiệt quệ, xã hội sẽ bất an.

Hộ chiếu vaccine thành chìa khoá vàng mở ra những cơ hội hậu Covid-19, tuy nhiên bên cạnh đó sẽ có những rủi ro, thách thức gì, theo ông?

Đầu tiên là hiệu quả của vaccine. Không có vaccine nào có hiệu quả 100%, cao nhất chỉ khoảng 94% thôi. Điều ấy có nghĩa, vẫn có một tỷ lệ không nhỏ người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn bị lây nhiễm và vẫn lây nhiễm cho người khác.

Những người này được tự do đi lại, nếu ở quốc gia đã tiêm vaccine cao (trên 50%) tất nhiên ít nguy hại. Nhưng nếu họ vào Việt Nam thời điểm chúng ta mới tiêm được 0,1% dân số thì khả năng lây nhiễm sẽ rất cao.

Điểm nữa chính là vấn đề hộ chiếu vaccine giả. Thế giới phải mất hàng chục năm, hàng trăm năm, dùng rất nhiều công nghệ để tạo ra hộ chiếu, chống hộ chiếu giả. Còn hộ chiếu vaccine mới ra đời, một tờ giấy rất đơn sơ, làm cách nào để các cơ quan chức năng biết rằng, đâu là hộ chiếu vaccine thật, đâu là hộ chiếu giả là một bài toán.

Hộ chiếu vaccine Covid-19 được kỳ vọng sẽ mở rộng phát triển kinh tế mang ý nghĩa toàn cầu. Để đảm bảo cả hai mục tiêu vừa phòng, chống dịch tốt vừa phát triển kinh tế thì cần có thêm khuyến cáo gì bên cạnh hộ chiếu vaccine?

Theo tôi, trước khi áp dụng hộ chiếu vaccine, chúng ta phải đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine. Tiếp tục duy trì các biện pháp phòng tránh trong cộng đồng (5K).

Đồng thời, trả lời câu hỏi “làm cách nào phân biệt hộ chiếu vaccine thật, hộ chiếu vaccine giả”, đánh giá hiệu quả của từng loại vaccine, xây dựng quy trình xuất nhật cảnh, xét nghiệm, cách ly cho du khách quốc tế.

Quan trọng hơn, để hộ chiếu vaccine có thể ứng dụng khi hành khách đi lại qua biên giới, cần có sự công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia, cũng như liên kết hệ thống ra sao?

Công nhận vaccine là vấn đề nan giải. Theo tôi, trước khi công nhận cần có sự đánh giá hiệu quả của từng loại vaccine.

Trong bối cảnh thế giới đang tập trung đối phó với đại dịch thì không nên hy vọng làm được việc liên kết hệ thống hộ chiếu vaccine trên toàn cầu vào thời điểm này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(thực hiện)