Th.S Hà Linh là Cán bộ dự án và nghiên cứu kinh tế của Viện Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam. |
Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 ập đến Việt Nam bất ngờ, với số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh ở mức kỷ lục. Khác với đợt giãn cách xã hội tháng 3,4/2020, để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, lần này, chỉ một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh mới thực hiện giãn cách để giảm thiểu mức độ lây lan của đại dịch.
Trong nguy có cơ
Với đợt dịch này, nền kinh tế phải đối diện nhiều thách thức để đạt ngưỡng tăng trưởng kỳ vọng.
Theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, năm 2021, Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5%. Mục tiêu đề ra cho quý II/2021 là 7,11% và 6 tháng đầu năm là 6,22%. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê dự kiến, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm dừng lại ở mức 5,8% thấp hơn so với mục tiêu đặt ra.
Một số thành phố nằm trong Chỉ thị số 15/CT-TT và số 16/CT-TT về giãn cách xã hội lại là những địa phương nhận nhiều vốn đầu tư nước ngoài, là địa điểm hoạt động của các công ty lớn, các khu công nghiệp.
Tiêu biểu như TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang chiếm lần lượt 12,5%, 5,2%, 1,9% tổng số FDI đăng ký năm 2020. 2 địa phương Bắc Ninh, Bắc Giang còn là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và cả doanh nghiệp FDI lớn của cả nước. Chỉ tính riêng Bắc Giang có tới 4 khu công nghiệp buộc phải dừng hoạt động, sản xuất công nghiệp tháng 5/2021 giảm hơn 40% so với tháng 4/2021.
Về phía doanh nghiệp, theo Tổng cục thống kê, chỉ trong 5 tháng đầu năm, có 59,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới có dấu hiệu sụt giảm.
Mặc dù Chính phủ đã tung ra nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp trong từ 2020 đến nay, nhưng mức độ lạc quan vào tương lai của doanh nghiệp còn thấp, nhiều doanh nghiệp chọn đóng cửa thay vì duy trì hoạt động cầm chừng kết hợp với các gói hỗ trợ.
Khu vực dịch vụ, đặc biệt ở nhóm ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành, liên tục chịu ảnh hưởng từ các làn sóng Covid-19. Một số doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines liên tục báo lỗ nghìn tỷ đồng, tình trạng các bất động sản từng là khách sạn bị rao bán hoặc các mặt bằng cho thuê tìm chủ mới trên khắp các thành phố báo hiệu mức độ tàn phá nghiêm trọng của Covid-19 tới khu vực này.
Các dự báo của các tổ chức quốc tế vẫn tương đối lạc quan về tình hình kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, việc khôi phục nền kinh tế về trạng thái trước Covid-19 và tạo những động lực phát triển mới trong trạng thái bình thường mới là các vấn đề luôn được Chính phủ ưu tiên. |
Có thể thấy rõ, Covid-19 mang đến nhiều bất định, tuy nhiên trong kinh doanh, các nhà đầu tư luôn nhận định, trong nguy sẽ có cơ. Đơn cử như trải qua 4 đợt dịch, danh mục đầu tư của những công ty, cá nhân đã có nhiều sự thay đổi như tăng đột ngột số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán, cầu tăng tại nhóm bất động sản cao cấp trong khi khan hiếm căn hộ trung và thấp cấp tại thành phố lớn, những cơn sốt đất “ảo” tại nhiều khu vực, sự trỗi dậy của đầu tư tiền ảo, ngoại hối vào các sàn lừa đảo.
Covid-19 tạo nên những bước ngoặt để Chính phủ nhìn nhận rõ hơn những vấn đề trong minh bạch thông tin đầu tư, hành lang pháp lý còn yếu đối với những hoạt động đầu tư mới, như tiền kỹ thuật số… Những vấn đề này sẽ là những cản trở của kinh tế Việt Nam dù Covid-19 có xuất hiện hay không.
Về du lịch, tỉnh Quảng Ninh đã khuyến khích du lịch nội tỉnh trong khi duy trì các biện pháp chống dịch ở mức cao. Đây có thể là bài học để các khu vực, thành phố không nằm trong Chỉ thị 15, 16 có thể học tập, đặc biệt với các khu du lịch như Phú Quốc, Nha Trang...
Từ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định và luôn nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực. Kể cả khi bất ổn diễn ra tại nhiều quốc gia, song các dự báo của các tổ chức quốc tế vẫn tương đối lạc quan về tình hình kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, việc khôi phục nền kinh tế về trạng thái trước Covid-19 và tạo những động lực phát triển mới trong trạng thái bình thường mới là các vấn đề luôn được Chính phủ ưu tiên.
Những gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ đến thời điểm hiện tại:
Năm | Số | Về |
2021 | Nghị định 52/2021/NĐ-CP | Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2021 |
Thông tư 41/2021/TT-BTC | Tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụngvà kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 | |
Nghị quyết 55/NQ-CP | Phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện | |
Công văn 2059/TLĐ | Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch | |
Thông tư số 03/2021/TT-NHNN | Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ để tiếp tục hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng | |
Nghị định 44/2021/NĐ-CP | Chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 | |
2020 | Thông tư 112/2020/TT-BTC | Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội |
Thông tư 01/2020/TT-NHNN | Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ | |
Nghị quyết 116/2020/QH14 - Nghị định 114/2020/NĐ-CP | Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 | |
Công văn 897/TCT-QLN | Gia hạn nộp thuế | |
Nghị định 41/2020/NĐ-CP | Gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất | |
Nghị quyết 42/NQ-CP | Vay tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động | |
Nghị quyết số 107/2020/QH14 | Gia hạn thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp 5 năm |
Cần lưu ý nhóm hộ kinh doanh
Trước những khó khăn do Covid-19 gây ra, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu nhìn vào số liệu về số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể và số doanh nghiệp đăng ký mới trong 5 tháng đầu năm có thể thấy, mức độ “bền bỉ” và sự lạc quan của chủ doanh nghiệp là không cao. Điều này đặt câu hỏi về hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp?
Dẫu vậy, không thể phủ nhận được phần nào tính hiệu quả của các gói hỗ trợ thông qua một số chỉ tiêu tương đối lạc quan như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.086,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước trong 5 tháng đầu năm.
Nhìn chung, các gói hỗ trợ của Chính phủ đã trải rộng trên nhiều khía cạnh để duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp: thuế, tiền thuê đất, tiếp cận tài chính... Hiện nay, các Bộ, ngành cũng xây dựng các chính sách riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nhóm ngành cụ thể, như giao thông vận tải, xuất khẩu nông sản.
Cùng chịu ảnh hưởng bởi các lệnh giãn cách và yêu cầu đóng cửa, nhưng nhóm hộ kinh doanh và những thành phần kinh tế phi chính thức còn đối mặt với nhiều hạn chế khi tiếp cận với các gói hỗ trợ. Đơn cử trong làn sóng Covid-19 lần thứ 4, các nhà hàng, quán ăn, tiệm cắt tóc, thể dục thẩm mỹ,… tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh đóng cửa theo yêu cầu của cơ quan chức năng tại tỉnh/thành phố, nhưng chưa nằm trong kế hoạch được hỗ trợ của bất kỳ đơn vị nào.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, thu hút khoảng 9 triệu lao động và ước tính đóng góp tới 30% GDP. Đây có thể nói là “mắt xích” quan trọng của nền kinh tế, vậy nên các gói hỗ trợ, đảm bảo sự sống còn của khu vực này là cần thiết.